Tín dụng chảy mạnh vào ngành ưu tiên
Thống kê mới nhất của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) cho biết, tăng trưởng huy động vốn và cho vay của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) trong nửa đầu năm có sự lệch pha. Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2018, vốn huy động tăng trưởng khoảng 8% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 6,8%), còn vốn tín dụng tăng khoảng 6,5% (cùng kỳ tăng 8,7%).
Dư nợ cho vay vào các lĩnh vực thương mại, công nghiệp chế biến - chế tạo, nông - lâm nghiệp giữ tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng ổn định, dư nợ tín dụng phục vụ đời sống tăng khá so với cuối năm 2017.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, cơ cấu tín dụng 6 tháng đầu năm tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên như tín dụng công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,7%, chiếm tỷ trọng 6,3% tổng tín dụng nền kinh tế; nông nghiệp - nông thôn tăng 7,2%, chiếm tỷ trọng 21%; doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng hơn 3%, chiếm tỷ trọng gần 21%. Trong khi đó, tín dụng trong các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tăng thấp, chẳng hạn, tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản chỉ tăng 3,7%.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 được NHNN đưa ra từ đầu năm là 17%. Theo các chuyên gia tài chính cũng như lãnh đạo ngân hàng, mục tiêu này có thể đạt được, nhưng chủ yếu mang tính định hướng, chứ không phải con số tuyệt đối.
Nhớ lại năm 2017, con số tăng trưởng tín dụng được NHNN đưa ra ở mức 18%, nhưng sau đó được nâng lên thành 20-21% để hỗ trợ cho phát triển kinh tế. Kết thúc năm 2017, tăng trưởng tín dụng đạt mức 18,17%, thấp hơn mức trần được nâng thêm và được đánh giá là phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế.
Tính đến hết tháng 6/2018, nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tiếp tục được Chính phủ đặc biệt quan tâm, trong đó chính sách tiền tệ đang ở vào giai đoạn then chốt đối với điều hành tín dụng và tỷ giá. Để hiện thực hóa nhiệm vụ trên, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN kiểm soát chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), mục tiêu điều hành của NHNN với tín dụng năm nay là tăng tối đa 17% và sẽ vẫn hài hòa với ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, cũng như sức hấp thụ của nền kinh tế… Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, sức ép tăng trưởng tín dụng năm nay đã giảm so với năm trước, nên các ngân hàng sẽ khó kỳ vọng vào việc nới room.
Chính sách cần linh hoạt theo sức khỏe ngân hàng
TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright phân tích, mục tiêu của chính sách tiền tệ là nhằm đảm bảo đồng thời 2 yếu tố, đó là vừa ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là duy trì giá trị đồng tiền thông qua giữ lạm phát thấp, vừa ổn định tỷ giá mà vẫn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Năm nay, có thể mục tiêu này sẽ khác so với năm 2017.
"Về vấn đề room tín dụng, theo tôi, thay vì áp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng, thì không nên hạn chế đối với những ngân hàng đủ vốn, nợ xấu thấp... Ngược lại, sẽ không nâng hạn mức với các ngân hàng không đảm bảo các yếu tố này", ông Thành khuyến nghị.
Cũng theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh ngành ngân hàng vẫn trong quá trình tái cấu trúc, việc NHNN áp chỉ tiêu tín dụng cho từng ngân hàng là nhằm khống chế dư nợ của ngân hàng đó phình to, song đây chỉ là biện pháp hành chính, ít nhiều ảnh hưởng đến tính cạnh tranh lành mạnh, chưa tạo động cơ phát triển tốt. Do đó, khi nền tảng hệ thống ngân hàng trở nên vững chắc hơn, NHNN nên có một lộ trình để giảm bớt các biện pháp hành chính.
Đồng quan điểm, PGS-TS. Trần Hoàng Ngân, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, biện pháp là cần thiết, song quan trọng hơn là hiệu quả của dòng vốn tín dụng. Gần đây, tín dụng tăng thấp, nhưng GDP ở mức khá cao cho thấy, chất lượng tín dụng ngày càng cải thiện.
Theo đánh giá của Nhóm chuyên gia Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, tăng trưởng tín dụng đã đạt được mục tiêu giảm tốc khi tính đến cuối tháng 6/2018, tín dụng toàn ngành mới tăng 6,5% so với cuối năm 2017. Nhóm nghiên cứu cho biết, để đánh giá mức độ phù hợp của tín dụng với nền kinh tế, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sử dụng chỉ số độ lệch của tín dụng/GDP. Chỉ số này đã giảm mạnh trong giai đoạn quý II/2016 - quý II/2018 nhờ kiểm soát hiệu quả tốc độ tăng trưởng tín dụng.
Mặt khác, nếu nhìn tỷ lệ tín dụng/GDP, Việt Nam có sự tương đồng với Thái Lan và Malaysia. Nhóm nghiên cứu cho rằng, trong năm 2018, nếu GDP danh nghĩa tăng trưởng 11% (tương đương GDP thực tăng trưởng 7%), tín dụng tăng từ 15-17%, thì độ lệch của tín dụng/GDP Việt Nam ở mức 4-6%. Đây là mức hợp lý đối với các quốc gia đang phát triển và còn dựa nhiều vào vốn tín dụng như Việt Nam.