Tăng trưởng tín dụng đạt 7,26% vào giữa tháng 11, dự kiến đạt 10% cuối năm 2020

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Thông tin từ NHNN cho biết, đến ngày 17/11/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 8.790 nghìn tỷ đồng, tăng 7,26% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,28%); trong đó tín dụng bằng VNĐ tăng 7,76%, tín dụng ngoại tệ giảm 0,69%.

Tăng trưởng tín dụng đạt 7,26% vào giữa tháng 11, dự kiến đạt 10% cuối năm 2020

Cơ cấu thời hạn trả nợ 109 tỷ đồng cho khách hàng bị ảnh hưởng bão lũ

Cụ thể, đến 30/10/2020, dư nợ tín dụng đối với ngành nông, lâm, thủy sản ước tăng 5,22% so với 31/12/2019; dư nợ tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng ước tăng 5,81%; dư nợ tín dụng ngành thương mại dịch vụ ước tăng khoảng 8,2%.

Đối với tín dụng 5 lĩnh vực ưu tiên, NHNN cho biết: tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến 30/10/2020 ước tăng 6,5% so với cuối năm 2019; đối với lĩnh vực xuất khẩu ước tăng khoảng 10%; với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 7,21%; với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ước giảm 3,83%; với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ước giảm 0,81%.

Thông tin về kết quả hỗ trợ Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN cũng được cơ quan quản lý cập nhật với số liệu mới nhất như sau: đến 9/11/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 272.183 khách hàng với dư nợ 341.855 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, miễn, giảm, hạ lãi suất cho 552.725 khách hàng với dư nợ 931.018 tỷ đồng. Đồng thời, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 2.017.761 tỷ đồng cho 356.385 khách hàng.

Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội (không thuộc đối tượng của Thông tư 01/2020/TT-NHNN), cũng đã thực hiện gia hạn nợ cho 166.709 khách hàng với dư nợ 4.163 tỷ đồng, cho vay mới đối với 1.834.877 khách hàng với số tiền 66.773 tỷ đồng.

Đặc biệt, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng nhanh chóng rà soát khách hàng bị ảnh hưởng bão lũ miền Trung và Tây Nguyên đợt tháng 10-11/2020 vừa qua, theo đó, các tổ chức tài chính đã khẩn trương hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vốn vay cho khách hàng.

Cụ thể, tính đến 15/11/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 1.360 khách hàng với dư nợ gần 109 tỷ đồng. Đồng thời, miễn giảm lãi vay cho 13.458 khách hàng với dư nợ được miễn, giảm lãi là 6.941 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cho vay mới để khôi phục sản xuất đối với 2.545 khách hàng với doanh số cho vay đạt 774 tỷ đồng. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đang thực hiện khoanh nợ cho 2.087 khách hàng với dư nợ 85,93 tỷ đồng, xóa nợ cho 23 khách hàng số tiền 470 triệu đồng.

Cho vay bán lẻ có dấu hiệu phục hồi tốt

Không phải ngẫu nhiên cơ quan quản lý có được con số tăng trưởng tín dụng khả quan trên. Báo cáo về kết quả kinh doanh ngành ngân hàng quý III/2020 của SSI vừa công bố nhận định, tín dụng tại các ngân hàng thương mại cổ phần tăng trưởng tốt.

Theo đó, tổng tín dụng tăng thêm khoảng 153,3 nghìn tỷ đồng trong quý III/2020, cao hơn khoảng 19% so với mức tăng trong quý II/2020. Nhờ vậy, tín dụng tại cuối quý III tăng 2,9% so với quý trước và tăng 7,5% so với đầu năm. Các ngân hàng thương mại nhà nước tăng trưởng khá khiêm tốn (tăng 1,1% so với quý trước và tăng 3,4% so với đầu năm).

Báo cáo của SSI cũng cho biết có sự gia tăng tốc độ giải ngân tín dụng của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (tăng 5,3% so với quý trước và tăng 12,9% so với đầu năm). Cho vay doanh nghiệp và trái phiếu doanh nghiệp vẫn tăng trưởng tốt trong khi cho vay bán lẻ có dấu hiệu phục hồi như ở BIDV, MB Bank và HD Bank.

Báo cáo tài chính của MBBank cho biết, điểm nổi bật nhất tại Ngân hàng là sự phục hồi của mảng cho vay bán lẻ, với mức tăng trưởng 10,8% so với đầu năm hay tăng 9,6% so với quý trước (tăng thêm 9,9 nghìn tỷ đồng). Điều này chủ yếu đến từ các khoản vay kinh doanh cá nhân ngắn hạn ở ngân hàng mẹ (tăng lên 8,5 nghìn tỷ đồng).

Trong khi đó, dư nợ của các doanh nghiệp tư nhân tại MBBank giảm 5,3% so với quý trước. Với việc cho vay bán lẻ phục hồi, lợi suất cho vay bình quân tăng 9 điểm phần trăm so với quý trước lên 9,15%.

Tại BIDV, dư nợ cho vay của Ngân hàng tăng thêm 6 nghìn tỷ đồng trong quý III/2020, tương ứng tăng 0,54% so với quý trước và tăng 2,9% so với đầu năm.

Cho vay cá nhân vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của BIDV, tăng 5,8% so với đầu năm và chiếm 35,2% tổng dư nợ. Cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng phục hồi khá mạnh trong quý 3/2020 (+5,6% so với quý trước), nhưng vẫn giảm -1,1% so với đầu năm và chiếm 27% dư nợ cho vay.

Còn đối với HDBank, tín dụng tăng 3,5% so với quý trước, nhờ dư nợ cho vay cá nhân (SME), khách hàng lớn và rất lớn (CIB).

Trong khi dư nợ khách hàng SME thúc đẩy tăng trưởng nói chung trong 6 tháng đầu năm 2020 (tăng 16,8%), dư nợ cho vay cá nhân phục hồi là động lực cho quý III/2020 (tăng 4,3% so với quý trước hay đạt 2,6 nghìn tỷ đồng). Dư nợ của các doanh nghiệp lớn cũng tăng trưởng mạnh 38,7% so với quý trước (2 nghìn tỷ đồng), do ngân hàng có thể giải ngân cho các khách hàng lớn như EVN, Thaco và các khách hàng có tên tuổi lớn khác.

Một lãnh đạo cao cấp HDBank cho biết: "Tăng trưởng tín dụng tại thời điểm cuối tháng 10/2020 đã đạt 20% và ngân hàng đang xin nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng lên khoảng 27 - 28% trong cả năm 2020".

Thực tế, sau khi nới hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với nhiều NHTM cổ phần, trong đó mức cao nhất là 23% cho Techcombank, TPB và VIB, NHNN cũng vừa cấp tiếp room tín dụng cho một số ngân hàng.

Báo cáo của SSI ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ đạt từ 9 -10% so với đầu năm.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục