Tăng trưởng tín dụng bất động sản trên địa bàn TP.HCM cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của thành phố

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dư nợ tín dụng bất động sản chiếm khoảng 28% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM tính đến cuối năm 2022, với mức tăng trưởng tín dụng khoảng 16% - cao hơn mức tăng trưởng chung của thành phố là 13,8%.
Tăng trưởng tín dụng bất động sản trên địa bàn TP.HCM cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của thành phố

Thông tin trên được ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh TP.HCM đưa ra tại tọa đàm chủ đề "Nghị quyết 01- đột phá hỗ trợ doanh nghiệp" do Báo Người lao động tổ chức chiều ngày 6/2/2023.

Theo ông Lệnh, tín dụng bất động sản của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM đến cuối năm 2022 chiếm khoảng 28% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn, tăng khoảng 16% so cuối năm 2021. Trong đó, tín dụng mua nhà để ở, đúng mục đích là sử dụng, tiêu dùng chiếm 70%.

Cũng theo ông Lệnh, trên cơ sở Nghị quyết 01 của Chính phủ và Chỉ thị 01 của NHNN, trong đó NHNN giao cho NHNN TP.HCM với 22 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, có tín dụng bất động sản để hỗ trợ thị trường, cũng như đẩy mạnh gói tín dụng hỗ trợ 2% cho doanh nghiệp.

Với nhiệm vụ của NHNN giao xuống các tổ chức tín dụng, bên cạnh giải pháp hỗ trợ tín dụng bất động sản, các tổ chức tín dụng cũng phải tuân thủ quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, đảm bảo rủi ro chất lượng tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nhất là đối với thị trường bất động sản.

Mặc dù vậy, không chỉ với ngân hàng, mà với doanh nghiệp bất động sản cũng phải tái cơ cấu, tuân thủ các quy định, điều kiện tín dụng, nhằm đảm bảo rủi ro trong hoạt động tín dụng, rủi ro nợ xấu. Với chủ trương của Chính phủ và NHNN, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh cho vay đối với nhà ở xã hội, cho cá nhân vay vốn mua nhà để ở.

Đồng thời, đối với tín dụng bất động sản bản chất là vốn dài hạn, do đó với mức tăng trưởng tín dụng bất động sản cũng như phân theo cơ cấu tín dụng bất động sản thì ngành ngân hàng cũng đang phải nỗ lực để hỗ trợ thị trường cũng như doanh nghiệp khi các kênh dẫn vốn cho thị trường bất động sản đang gặp khó khăn.

Tuy nhiên, để hỗ trợ thị trường cũng như doanh nghiệp trong lĩnh vực này, theo ông Lệnh, bên cạnh việc hỗ trợ tín dụng thì cần khơi thông lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như thị trường vốn.

Kết quả khảo sát của NHNN vừa đưa ra mới đây cũng cho thấy, các tổ chức tín dụng đánh giá rủi ro tín dụng đối với các khoản vay ngắn hạn có tốc độ tăng chậm hơn so với rủi ro tín dụng của các khoản vay trung và dài hạn.

Dự báo 6 tháng tới và năm 2023, các tổ chức tín dụng quan ngại mặt bằng rủi ro tín dụng tổng thể tiếp tục tăng nhẹ ở hầu hết các lĩnh vực ngoại trừ một số lĩnh vực cho vay phát triển nông, lâm, thủy sản, cho vay đầu tư ứng dụng công nghệ cao, cho vay đầu tư công nghiệp hỗ trợ, cho vay công nghiệp chế biến chế tạo được kỳ vọng rủi ro giảm.

Thực tế, trong 6 tháng đầu năm 2023, có 67,3-71,3% tổ chức tín dụng dự kiến “không đổi”; 21,7- 16,1% tổ chức tín dụng dự kiến “thắt chặt” và 10-12,6% tổ chức tín dụng dự kiến “nới lỏng” các điều khoản, điều kiện cho vay tổng thể tương ứng đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp (chủ yếu “thắt chặt” đối với lĩnh vực cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản, cho vay kinh doanh chứng khoán) và nhóm khách hàng cá nhân.

Trong đó, các tổ chức tín dụng nhận định và dự kiến chủ yếu “thắt chặt” đối với yêu cầu về tài sản bảo đảm, các điều khoản bổ sung trong hợp đồng tín dụng, yêu cầu điểm xếp hạng tín nhiệm tối thiểu của khách hàng và hạn mức tín dụng để đảm bảo an toàn; trong khi tiếp tục nỗ lực thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất cho vay và chi phí vốn bình quân đối với hoạt động cho vay sản xuất kinh doanh để hỗ trợ nền kinh tế.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục