Tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm mới đạt 50% chỉ tiêu năm 2018

Trao đổi tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 30/8, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đến thời điểm 30/8, tăng trưởng tín dụng đạt 8,5%, tương ứng được một nửa so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của năm nay là 17%.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú. Phó Thống đốc Đào Minh Tú.

Theo Phó Thống đốc, chỉ số tín dụng là chỉ số điều hành vĩ mô để  thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ, vì vậy để có được chỉ số tín dụng hợp lý đối với nền kinh tế là yêu cầu rất cao, phải thực hiện đồng thời. Thứ nhất là tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho nền kinh tế. Thứ hai phải thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát. 

Mặc dù lạm phát vẫn đang được kiểm soát dưới 4% nhưng theo ông Tú, vẫn cần cảnh giác với việc kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm.

"Với tính toán hiện nay, ta thấy 17% có thể là một chỉ tiêu phù hợp để vừa đạt được tăng trưởng cũng như bảo đảm được kiểm soát lạm phát. Còn nhu cầu vốn cho nền kinh tế, kể cả hiện nay cũng như tiếp theo, đặc biệt với những lĩnh vực ưu tiên, ưu đãi, đều đã có kế hoạch và các ngân hàng thương mại vẫn luôn đảm bảo thanh khoản cho những ưu tiên này", Phó Thống đốc nói. 

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Mai Tiến Dũng, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 30/8, Chính phủ đánh giá, kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng tiếp tục xu hướng tích cực, tình hình tháng 8 tốt hơn tháng 7, với những điểm nổi bật như: 

- Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục được kiểm soát: CPI tháng 8/2018 tăng nhẹ (0,45%) so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 3,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2017, bám sát mục tiêu dưới 4% đã đề ra.

- Các ngành kinh tế chủ yếu tiếp tục phát triển mạnh. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 8,2% của cùng kỳ năm 2017. Trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục đà tăng cao, đạt 13,3% (cùng kỳ tăng 11,6%). Các lĩnh vực như sản xuất phân phối điện, sản xuất xe hơi, dược, dệt may… đều tăng trưởng tốt.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cao: Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 155,41 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2017. Cán cân thương mại 8 tháng duy trì xuất siêu với 2,8 tỷ USD. Khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt trên 10,4 triệu lượt người, tăng 22,8%.

- Giải ngân vốn đầu tư phát triển được cải thiện rõ nét, 8 tháng ước bằng khoảng 44,2% dự toán (cùng kỳ 2017 đạt 38,4% dự toán).

- Niềm tin của nhà đầu tư ngoại với nền kinh tế Việt Nam vẫn được khẳng định trong bối cảnh có những biến động của tình hình thế giới. Tính đến 20/8, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) ước đạt 24,35 tỷ USD,  số vốn FDI giải ngân ước đạt 11,25 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Cả nước có trên 87.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 2,4% về số doanh nghiệp và tăng 6,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.  Có hơn 20.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 9,3%.

Dự kiến, chúng ta sẽ đạt và vượt 12 chỉ tiêu của năm 2018, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt. Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, dự kiến tăng trưởng GDP bình quân có thể đạt 6,71% (mục tiêu từ 6,5-7%).

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục