Trong báo cáo dài 13 trang trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, 4 tháng đầu năm, lợi nhuận của toàn ngành chỉ đạt 13.100 tỷ đồng, trong đó nhiều đơn vị có lợi nhuận âm. Kết quả kinh doanh thực tế còn thấp hơn nhiều, vì việc thực hiện Quyết định 780 về cơ cấu lại nợ cho DN đã giúp các ngân hàng giảm đáng kể mức độ trích lập dự phòng rủi ro. Đến cuối tháng 4/2013, số dư dự phòng rủi ro đã trích lập chưa sử dụng đạt 73.600 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cuối năm 2012. Nhờ nguồn vốn này, phần nào nợ xấu đã được xử lý.
Thống đốc cho biết thêm, 4 tháng đầu năm 2013, các ngân hàng đã xử lý được 76.700 tỷ đồng nợ xấu từ nguồn dự phòng rủi ro. Tổng số dư nợ xấu toàn hệ thống đến cuối tháng 4 là 137.100 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cuối năm 2012, trong khi 4 tháng đầu năm 2012, nợ xấu tăng 36,2%. Đà tăng của nợ xấu đã được kiềm chế, nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn, bởi dư nợ tín dụng tăng trưởng chậm thời gian qua khiến tỷ lệ nợ xấu tăng thêm
NHNN phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt 12% hoặc cao hơn
Thực tế, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2013 được cải thiện rất nhiều, năm ngoái hết tháng 6 mới dương, thì từ tháng 3 năm nay đã tăng trưởng dương, nhưng cũng chỉ đạt khoảng 3%. Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế Việt
Tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm 2013, Thống đốc phát biểu, tăng trưởng tín dụng phấn đấu đạt mức 12% trong năm 2013, nếu có điều kiện thì cao hơn một chút là 12 - 15% để đảm bảo tăng trưởng kinh tế năm nay đạt con số 5 - 5,5%. Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng khuyến nghị, chính sách tiền tệ cần nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% cho năm 2013 nhằm đảm bảo vốn đầu tư cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên ANZ (Việt Nam), tăng trưởng tín dụng chậm cũng không có vấn đề gì và cũng không nên quá câu nệ con số cần tăng trưởng bao nhiêu phần trăm, mà là tăng trưởng với chất lượng tín dụng như thế nào. Chính vì vậy, các ngân hàng không nhất thiết phải chạy theo mục tiêu tăng trưởng 12% và không nên cho vay bằng mọi cách.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, NHNN đang phải chịu áp lực lớn trong việc “chạy” theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, nhưng ngành ngân hàng đạt được con số tăng trưởng tín dụng 8 - 10% đã là rất tốt. Quan trọng hơn vẫn là chất lượng tín dụng, nếu không đảm bảo chất lượng tín dụng thì hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế sẽ phải trả một cái giá rất đắt là nợ xấu. Toàn ngành ngân hàng cần tái cấu trúc chất lượng tín dụng và tiếp tục công cuộc tái cấu trúc cả nền kinh tế.
“Tín dụng cần đi vào đúng địa chỉ cung cấp, đồng thời bảo đảm nguồn hoàn trả”, TS. Hiếu nói.
Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ, DN thuộc nhóm 2 cộng trở lên giảm rất mạnh, tự bản thân DN yếu đi rồi thì không thể hấp thụ vốn và đã là “người bệnh” thì đổ thức ăn tốt cũng chưa thể khỏi bệnh ngay.
Theo một số chuyên gia kinh tế, tổng cầu của nền kinh tế còn yếu và chưa có sự cải thiện đáng kể. Tính chung 5 tháng đầu năm, mức tăng (đã loại trừ yếu tố giá) của tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là 4,8%, hầu như không cải thiện so với mức 4,6% của 4 tháng đầu năm và thấp hơn nhiều so với mức 6,6% và 6,4% của 5 tháng đầu năm 2012 và 2011. So với cùng kỳ năm trước, mức vận chuyển hàng hóa của 5 tháng đầu năm 2013 cũng chỉ tăng 1,5%, mức luân chuyển hàng hóa thậm chí giảm 3,1%.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 5/2013, số DN giải thể và tạm ngừng hoạt động là 3.590 DN, đưa con số của cả nước trong 5 tháng đầu năm lên 23.226 DN, bằng gần một nửa số DN giải thể, phá sản của các năm trước (năm 2012 là 53.972 DN; năm 2011 là 54.198 DN). Số DN giải thể và tạm ngừng hoạt động bình quân theo tháng cũng đang tăng dần, từ 4.498 DN/tháng năm 2011 lên 4.517 DN/tháng năm 2012 và lên đến 4.646 DN/tháng trong 5 tháng đầu năm 2013.
Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước cũng gặp nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu mở rộng đầu tư từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ tăng trưởng cùng với chi tăng chi lương và phụ cấp xã hội khó cắt giảm, khiến chi ngân sách nhà nước gần như hết dư địa để thu hẹp.
“Nhiều khả năng, tăng trưởng kinh tế năm nay chỉ đạt từ 5 - 5,2% nên tăng trưởng tín dụng không nhất thiết phải đạt con số 12%. Điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng tín dụng để phòng rủi ro nợ xấu”, một chuyên gia kinh tế nói.