Tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp năm 2022 có thể đạt 15%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các doanh nghiệp sản xuất đang cảm nhận rõ tác động từ giá chi phí và nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh. Dù vậy, các thành viên thị trường dự báo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp năm 2022 trên 15% có thể đạt được. 
Tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp năm 2022 có thể đạt 15%

Chi phí đầu vào làm khó doanh nghiệp

Trong Talkshow Chọn danh mục kỳ 9 với chủ đề: Hành động trong mắt bão, ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, SHS đã có một khảo sát doanh nghiệp và nhận thấy tình hình đang khó khăn hơn so với trước đây.

Theo ông Hiển, quãng thời gian ban đầu khi giá nguyên liệu đầu vào tăng, doanh nghiệp vẫn có thể duy trì được đơn hàng và đầu ra. Tuy nhiên, qua một thời gian, việc tăng giá đầu vào đã phản ánh vào chi phí tăng so với trước đó của doanh nghiệp.

Còn về đầu ra, vì lạm phát gia tăng trên toàn cầu, nên nhiều hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa không thiết yếu sẽ tăng trưởng chậm lại so với trước đây và ảnh hưởng phần nào đến xuất khẩu như linh kiện điện tử, điện thoại. Còn các mặt hàng như thủy sản, dệt may mang tính thiết yếu nhiều hơn nên về mặt đầu ra có thể duy trì được.

Có cùng quan điểm, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, Người điều hành Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam (VESAF) nhận thấy, doanh nghiệp bắt đầu có dấu hiệu khó khăn trong vận hành và bức tranh lợi nhuận bị ảnh hưởng do cả hai yếu tố: nhu cầu suy giảm và chi phí đầu vào tăng.

Bà Phương đánh giá, đa phần các doanh nghiệp tiêu dùng sau một thời gian tăng giá bán sản phẩm thì người tiêu dùng đã giảm bớt chi tiêu. Còn đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang bị chậm lại, đồng thời chi phí vận chuyển, chi phí đầu vào đều tăng.

Thực tế, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã phải tìm cách đối phó với tình trạng bão giá nguyên vật liệu đầu vào cùng với các chi phí gia tăng.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (mã VGT) đã sớm nhìn thấy những tín hiệu thiếu khả quan về nguồn cung nguyên phụ liệu do tác động của thị trường thế giới. Theo đó, giá bông đến nay đã tăng khoảng 19,1% so với hồi đầu năm. Chưa kể, giá các mặt hàng xơ sợi nhân tạo khác cũng tăng cao do giá nguyên liệu đầu vào từ hóa dầu tăng mạnh.

Trong khi đó, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) khẳng định, xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm không có nhiều thuận lợi. Nguyên nhân do lạm phát ở mức cao đang lan rộng ở các thị trường Mỹ, châu Âu khiến nhu cầu sụt giảm.

Về nội tại ngành, ông Hòe nhấn mạnh vấn đề thiếu nguyên liệu cả trong nước và nhập khẩu cũng là thách thức đối với doanh nghiệp trong việc duy trì tăng trưởng. Đặc biệt, doanh nghiệp còn phải đối mặt với việc chi phí hoạt động tăng trong khi giá bán ra không tăng tương ứng.

Với sản xuất nông nghiệp, ban lãnh đạo CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã HNG) cho biết, giá phân bón và vật tư nông nghiệp tiếp tục tăng 130%, bao bì đóng gói trái cây cũng tăng 15% so với đầu năm 2021. Ngoài ra, HNG còn ghi nhận chi phí container lạnh tăng cao, chi phí vận chuyển đường bộ và đường biển tăng lần lượt 26% và đột biến 237%. Điều này khiến HNG kinh doanh dưới giá vốn và lỗ 112,6 tỷ đồng trong quý I/2022 (cùng kỳ vẫn lãi 6,6 tỷ đồng).

Bên cạnh những doanh nghiệp đang tìm cách đối phó với thách thức, bà Phương cho rằng, trong 6 tháng cuối năm nay, vẫn có những doanh nghiệp sẽ hưởng lợi tốt như nhóm dầu khí, bán lẻ, hàng không sẽ phục hồi sau đại dịch. Đồng thời, khối bất động sản cũng đã và đang bán các dự án có thể ghi nhận được kết quả.

Với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay, VESAF đánh giá, khả năng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp năm 2022 trên 15% là có thể đạt được. Nhìn tiếp sang năm 2023, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ ở mức cân bằng hơn, khoảng 10 - 15% do nền của năm 2022 đang cao và yếu tố áp lực cho các năm sau.

Huy động vốn khó khăn hơn

Ông Ngô Thế Hiển phân tích, doanh nghiệp có hai kênh huy động vốn hiệu quả là phát hành cổ phiếu và trái phiếu.

Năm 2021, lượng vốn huy động được qua phát hành cổ phiếu đã bùng nổ ở mức kỷ lục trên 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 5 tháng gần đây, cùng với sự sụt giảm của thị trường chung và thanh khoản suy giảm, hoạt động phát hành cổ phiếu của doanh nghiệp cũng gặp khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, các sự kiện trên thị trường trái phiếu phần nào cũng làm kế hoạch phát hành trái phiếu để huy động vốn của doanh nghiệp bị cản trở.

“Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp có hoạt động tốt, triển vọng tốt, trong thời gian tới họ vẫn huy động được vốn trên thị trường. Điển hình như SHS đã phát hành thành công cổ phiếu để tăng vốn lên 6.000 tỷ đồng”, ông Hiển thông tin.

Còn với trái phiếu, sau tháng 4 trầm lắng, đến tháng 5, các doanh nghiệp đã bắt đầu phát hành trở lại, đặc biệt những doanh nghiệp có nền tảng tốt như Novaland, Vin Group... Điều đó cho thấy các doanh nghiệp vẫn có thể huy động vốn qua thị trường, miễn là doanh nghiệp có hoạt động minh bạch và triển vọng sáng.

“Còn những doanh nghiệp kém minh bạch, hoạt động kém thì huy động vốn sẽ khó khăn hơn, thậm chí là không thể huy động được nữa”, ông Hiển nói.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ