Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm hơn có ý nghĩa như thế nào tới nền kinh tế toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nền kinh tế Trung Quốc có thể phải đối mặt với một giai đoạn tăng trưởng thấp hơn kéo dài sau 45 năm mở rộng và điều này sẽ có tác động sâu rộng tới nền kinh tế toàn cầu.
Nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại Nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại

Chính phủ Trung Quốc đang tăng cường một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế, với việc các nhà lãnh đạo đã cam kết “điều chỉnh và tối ưu hóa các chính sách một cách kịp thời” cho lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn, đồng thời thúc đẩy việc làm ổn định hướng tới một mục tiêu chiến lược.

GDP của Trung Quốc tăng trưởng 6,3% trong quý II/2023 so với cùng kỳ, thấp hơn kỳ vọng của thị trường về mức tăng 7,3%. Trên cơ sở hàng quý, tăng trưởng kinh tế đạt 0,8%, chậm hơn mức tăng 2,2% được ghi nhận trong quý I. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt mức cao kỷ lục 21,3% trong tháng 6.

Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm 2023, thấp hơn bình thường và đồng thời là một mức tăng trưởng khá khiêm tốn đối với một quốc gia có mức tăng trưởng GDP trung bình hàng năm là 9% kể từ khi mở cửa nền kinh tế vào năm 1978.

Trong vài tuần qua, các nhà chức trách đã công bố một loạt cam kết nhắm vào các lĩnh vực cụ thể hoặc được thiết kế để trấn an các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài về một môi trường đầu tư thuận lợi hơn trong tương lai.

Ba cú sốc cùng lúc

Rory Green, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc và châu Á tại TS Lombard cho biết, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang chịu “ba cú sốc” của Covid-19 và các biện pháp phong tỏa kéo dài, lĩnh vực bất động sản suy yếu và một loạt thay đổi về quy định liên quan đến tầm nhìn “thịnh vượng chung”.

“Có khả năng là nếu Bắc Kinh không có chính sách can thiệp phù hợp, phần thiệt hại theo chu kỳ hậu Covid có thể phù hợp với một số cơn gió ngược về cấu trúc mà Trung Quốc gặp phải, đặc biệt là xung quanh quy mô của lĩnh vực bất động sản, tách rời khỏi nền kinh tế toàn cầu, nhân khẩu học và đẩy Trung Quốc vào tốc độ tăng trưởng chậm hơn rất nhiều”.

Trường hợp cơ bản của TS Lombard là nền kinh tế Trung Quốc sẽ ổn định vào cuối năm 2023, nhưng nền kinh tế này đang bước vào giai đoạn suy thoái cơ cấu dài hạn, mặc dù chưa phải là kịch bản “đình lạm” kiểu Nhật Bản và có khả năng tăng trưởng GDP trung bình hàng năm gần hơn 4% do những cơn gió ngược cơ cấu này.

Mặc dù nhu cầu tiếp xúc với Trung Quốc vẫn rất cần thiết đối với các công ty quốc tế, vì đây vẫn là thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, sự chậm lại có thể khiến Trung Quốc “kém hấp dẫn hơn một chút” và đẩy nhanh quá trình “tách rời” với phương Tây về dòng đầu tư và sản xuất.

Tuy nhiên, đối với nền kinh tế toàn cầu, tác động lan tỏa tức thời nhất của sự chậm lại ở Trung Quốc có thể sẽ đến từ hàng hóa và chu kỳ công nghiệp, khi Trung Quốc tái cơ cấu nền kinh tế để giảm sự phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản vốn đã “hấp thụ và thúc đẩy giá cả hàng hóa”.

“Những ngày đó đã qua rồi. Trung Quốc vẫn sẽ đầu tư rất nhiều, nhưng đó sẽ là một loại phần cứng công nghệ, sản xuất tiên tiến hơn, như xe điện, tấm pin mặt trời, người máy, chất bán dẫn, những loại lĩnh vực này”, ông Rory Green cho biết.

“Động cơ thúc đẩy bất động sản và cùng với đó là kho quặng sắt từ Brazil và/hoặc Australia, máy móc từ Đức hoặc các thiết bị từ khắp nơi trên thế giới đã biến mất, và Trung Quốc sẽ là một nhân tố kém quan trọng hơn nhiều trong chu kỳ công nghiệp toàn cầu”, ông cho biết.

Tác động gián tiếp

Việc điều chỉnh lại nền kinh tế khỏi bất động sản và hướng tới sản xuất tiên tiến hơn thể hiện rõ qua việc Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất xe điện, dẫn đến việc nước này vượt qua Nhật Bản vào đầu năm nay để trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới.

“Sự chuyển đổi từ một nền kinh tế bổ sung, nơi mà Bắc Kinh và Berlin có lợi cho nhau, sang việc trở thành đối thủ cạnh tranh của nhau là một hậu quả lớn khác của sự suy giảm cơ cấu”, ông Rory Green cho biết.

Ông lưu ý rằng ngoài việc mất đi ngay lập tức nhu cầu đối với hàng hóa, phản ứng của Trung Quốc đối với tình hình kinh tế đang chuyển dịch cũng sẽ có tác động gián tiếp đối với nền kinh tế toàn cầu.

“Trung Quốc vẫn đang sản xuất rất nhiều thứ và họ không thể tiêu thụ hết tại quê nhà. Rất nhiều thứ họ đang làm bây giờ có chất lượng cao hơn nhiều và điều đó sẽ tiếp tục, đặc biệt là khi có ít tiền đổ vào bất động sản hơn và hàng nghìn tỷ nhân dân tệ đổ vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến này”, ông cho biết.

“Do đó, tác động gián tiếp, không chỉ là nhu cầu quặng sắt ít hơn, mà còn là sự cạnh tranh toàn cầu cao hơn nhiều đối với một loạt hàng hóa sản xuất tiên tiến”, ông cho biết thêm.

Mặc dù vẫn chưa rõ các hộ gia đình Trung Quốc, khu vực tư nhân và doanh nghiệp nhà nước sẽ thích ứng với quá trình chuyển đổi từ mô hình dựa vào bất động sản và đầu tư sang mô hình được hỗ trợ bởi sản xuất tiên tiến như thế nào, nhưng Trung Quốc hiện đang ở “điểm mấu chốt”.

“Nền kinh tế chính trị đang thay đổi, một phần do thiết kế, nhưng một phần cũng do lĩnh vực bất động sản đang suy yếu hoặc nếu không muốn nói là đang chết dần chết mòn, vì vậy họ phải thay đổi và xuất hiện một mô hình phát triển mới. Đó sẽ không chỉ là một phiên bản chậm hơn của Trung Quốc mà chúng ta có trong giai đoạn tiền Covid. Đó sẽ là một phiên bản mới của nền kinh tế Trung Quốc, phiên bản này cũng sẽ chậm hơn, nhưng là một phiên bản với những động lực mới và những đặc điểm mới”, ông Rory Green cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục