Thưa ông, trong báo cáo của Chính phủ gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày khai mạc Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, tăng trưởng kinh tế năm nay dự báo đạt khoảng 5%, khá thấp so với mục tiêu, nhưng là nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong tình hình chung toàn cầu. Ông nghĩ thế nào về dự báo này?
Bây giờ khó, ai cũng thấy rất khó, nhưng cần xác định rõ là khó thật, để cùng nhau tìm kiếm giải pháp để thúc đẩy lên; nếu quý này chưa tăng, thì quý sau sẽ lên. Quan điểm của tôi là cần phân tích thật sâu sắc, bản chất từng con số, dữ liệu, nhất là các động lực tăng trưởng mà chúng ta vẫn nói đến, để thực sự thấy rõ tình hình.
Thứ nhất, công nghiệp vẫn có được mức tăng theo nghĩa quý sau cao hơn quý trước. Tuy nhiên, mức tăng đang thấp. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2023 chỉ tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,56 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Nhưng tăng trưởng Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IPP) đang thấp hơn chỉ số giá trị tăng thêm toàn ngành, 9 tháng mới bắt đầu ghi nhận mức tăng trưởng dương (tăng 0,3%). Trong giai đoạn phát triển bình thường, IPP cao hơn chỉ số tăng giá trị gia tăng của ngành công nghiệp, có dấu hiệu đi trùng nhau trong vài năm đại dịch, nhưng cuối năm đều cao hơn một chút.
Tình hình cho thấy, sản xuất công nghiệp của chúng ta gắn với xuất khẩu, nếu cầu bên ngoài chưa tăng, thì công nghiệp rất khó có đột biến trong quý IV.
Khu vực dịch vụ cũng đang đối mặt khó khăn, khi tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm dần qua các quý, thưa ông?
Các khu vực dịch vụ vẫn đìu hiu lắm. Khó khăn cảm nhận rất rõ về sự đi xuống. Về số liệu, quý I tăng 13,9%, quý II tăng 10,9% và quý III tăng 7,3%, xu hướng là tăng chậm lại. Tôi rất muốn nhìn sâu hơn để thấy những đóng góp không lớn, không thực sự cứu cánh của tiêu dùng trong nước như giai đoạn trước.
Đặc biệt, theo tôi, cần có khảo sát, đánh giá các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, lưu trú. Nhìn vào số doanh nghiệp đăng ký mới giảm, số doanh nghiệp dừng tăng, khó có thể nói là một ngành đang lên. Bán lẻ chỉ tăng ở phân khúc hàng hóa nhu cầu thiết yếu, lương thực - thực phẩm. Thậm chí, khi nói thương mại điện tử tăng, nhưng không có nghĩa là tăng thêm ở kênh mới, mà là thay thế kênh bán hàng truyền thống…
Cũng phải nói thêm, theo chu kỳ của tăng trưởng của kinh tế Việt Nam khoảng 10 năm qua, thì quý IV không phải là quý tăng trưởng cao nhất. Đây cũng là điều cần phải nghiên cứu, làm rõ để có đối sách phù hợp.
Vậy theo ông, động lực tăng trưởng lớn nhất của nền kinh tế sẽ dựa vào đâu?
Đầu tư! Chỉ có đầu tư mới tạo ra năng lực sản xuất mới, không chỉ là đóng góp vào tăng trưởng năm nay, mà là cho cả các năm tới. Nếu đầu tư chậm, tăng trưởng các năm tới sẽ bị ảnh hưởng.
Các năm trước, tốc độ tăng trưởng tổng vốn đầu tư toàn xã hội thường khoảng 10%, trong đó vốn đầu tư tư nhân khoảng 12-13%, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khoảng 9-10%, đầu tư nhà nước khoảng 5-6%. Mấy năm nay, do dịch bệnh, kinh tế thế giới bất ổn, đầu tư tư nhân giảm mạnh. Trong 9 tháng đầu năm, đầu tư tư nhân đạt mức rất thấp, chỉ tăng 2,3%. Trong khi đó, đầu tư nhà nước tăng 20-23%.
Đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Ví dụ, đang có những dữ liệu cho thấy hiện tượng dự án của đầu tư tư nhân thiếu vật liệu xây dựng do nguồn vật liệu đang dồn vào các dự án đầu tư công khi nguồn cung khan hiếm.
Tương tự, khi nhìn vào con số giải ngân vốn FDI vẫn tăng 2%, nhưng nếu đó là khoản giải ngân vào sản xuất, đầu tư mới, dự án mới, thì sẽ tạo ra năng lực sản xuất mới, thúc đẩy đầu tư tư nhân; nhưng nếu đó là phần vốn góp, mua cổ phần, thì tình hình sẽ khác…
Theo ông, thời điểm này, các giải pháp thúc đẩy động lực tăng trưởng nên tập trung vào đâu?
Nền kinh tế tăng trưởng thế nào phụ thuộc vào đầu tư.
Thứ nhất, vẫn phải nói đến hiệu quả của các dự án đầu tư, đầu tư vào đâu, đầu tư vào ngành nào để kéo ngành khác. Lúc này, các quyết định đầu tư cần ưu tiên vào các dự án có ý nghĩa thúc đẩy, đầu tư công kéo đầu tư tư, chứ không phải là làm khó đầu tư tư nhân.
Thứ hai, thu hút các dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng để tạo ra năng lực sản xuất mới, chứ các hoạt động mua đi bán lại không phải là đầu tư phát triển.
Thứ ba, khi nói đến đầu tư tư nhân chậm, nghĩa là môi trường đầu tư vẫn chưa thúc đẩy, hỗ trợ đủ mạnh. Khi nói về những khó khăn bên ngoài, khó khăn của thị trường thế giới lúc này là nói đến các tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất - kinh doanh hiện tại, nhưng các quyết định đầu tư thường chịu tác động nhiều hơn bởi rủi ro bên ngoài thị trường.
Bởi vậy, quan điểm của tôi là thực sự cắt giảm các quy định tạo ra rào cản cho doanh nghiệp, theo nghĩa cắt gì doanh nghiệp phải cảm nhận được. Trước đây, Chính phủ đã cắt quy trình kiểm tra trong ngành thực phẩm, đã làm thay đổi cả một ngành, chứ không chỉ cắt giảm thủ tục hành chính.
Đặc biệt, với doanh nghiệp, khó khăn không tính theo tháng, mà tính theo một số năm, nên lúc này, rất cần sự hậu thuẫn của nhà nước để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Kể cả việc tiếp cận với các cơ hội từ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, cũng cần sự hỗ trợ để tập trung lực lượng doanh nghiệp, hỗ trợ thủ tục hành chính để có thể tiếp cận và triển khai ngay các dự án đầu tư mới…