Tăng trưởng kinh tế Mỹ sắp chạm ngưỡng cao nhất

0:00 / 0:00
0:00
Nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ đón nhận đợt tăng trưởng mạnh mẽ khác trong quý II/2021 trước khi mức tăng trưởng chậm lại và đi vào ổn định.
Theo ước tính của Ngân hàng đầu tư Jefferies, sản lượng tổng thể nền kinh tế Mỹ đã đạt mức 98,6% so với mức trước đại dịch Covid-19. Ảnh: AFP Theo ước tính của Ngân hàng đầu tư Jefferies, sản lượng tổng thể nền kinh tế Mỹ đã đạt mức 98,6% so với mức trước đại dịch Covid-19. Ảnh: AFP

Tổng sản lượng bằng 98,6% trước dịch

GDP của Mỹ ước tăng 9,2% trong quý II, theo khảo sát của FactSet. Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố ước tính tăng trưởng GDP quý II vào cuối tháng này.

So với thời kỳ trước đại dịch Covid-19, tốc độ tăng 9,2% là mức tăng trưởng cao nhất của Mỹ kể từ quý II/1983. Tình hình hiện nay và phản ứng chính sách trên quy mô lớn được triển khai thời gian qua, giúp Mỹ đạt tăng trưởng quý thứ 3 liên tiếp cao hơn nhiều so với xu hướng tăng trưởng hậu suy thoái toàn cầu năm 2009.

Tuy nhiên, mọi thứ sắp thay đổi.

Nền kinh tế Mỹ đang dần trở lại bình thường, gói cứu trợ bằng séc của Quốc hội Mỹ sắp bị siết chặt hơn và hàng triệu lao động Mỹ ngừng việc thời Covid-19 sắp quay trở lại với công việc. Điều này có nghĩa là một nền kinh tế quen với mức tăng trưởng gần 2% như Mỹ sẽ ghi nhận sự chuyển biến chậm dần so với giai đoạn tăng tốc lúc nền kinh tế mở cửa trở lại.

Ông Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics cho biết: "Tăng trưởng đã đạt đỉnh, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại một chút trong nửa cuối năm nay, sau đó gây chú ý hơn vào nửa đầu năm 2022 khi hỗ trợ tài chính giảm dần".

"Các đường nét tăng trưởng sẽ được định hình phần lớn bởi chính sách tài khóa trong 18 tháng tới. Gói hỗ trợ kích thích sẽ giảm bớt và có thể chấm dứt hoàn toàn vào thời điểm này năm sau", ông Mark Zandi nhấn mạnh.

Trải qua một chặng đường dài, nền kinh tế Mỹ nay đã tiến rất gần đến thời kỳ trước đại dịch Covid-19. Theo tính toán của Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Jefferies, tổng sản lượng của nền kinh tế Mỹ đã đạt mức 98,6% so với mức bình thường, trước khi Covid-19 đảo lộn mọi thứ.

Qua sử dụng một loạt các chỉ số đo lường, ngân hàng Jefferies nhận thấy, trong khi một số lĩnh vực như việc làm và vận chuyển bằng đường hàng không đang bị tụt hậu do Covid-19, thì bán lẻ và nhà ở đã vực lại hoạt động tổng thể của nền kinh tế Mỹ, đạt 98,6% so với GDP năm 2019.

Bà Aneta Markowska, chuyên gia tài chính trưởng tại ngân hàng Jefferies cho biết: "Khi xem xét một cách tổng thể biến động thu nhập hộ gia đình và bảng cân đối kế toán, tôi thấy một tình hình rất tích cực, các nguyên tắc cơ bản rất lành mạnh và thật khó để bi quan về triển vọng tăng trưởng".

Trên thực tế, tổng giá trị tài sản ròng của các hộ gia đình Mỹ đạt 136.900 tỷ USD vào cuối quý I/2021, tăng 16% so với năm 2019, theo Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Đồng thời, các khoản thanh toán nợ của hộ gia đình so với thu nhập cá nhân khả dụng đã giảm xuống 8,2%, mức thấp kỷ lục kể từ năm 1980.

Nhưng phần lớn giá trị tài sản ròng của các hộ gia đình Mỹ tăng lên nhờ mức tăng của tài sản tài chính như cổ phiếu, còn thu nhập cá nhân tăng lên nhờ các khoản trợ cấp của chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, các khoản trợ cấp này đang có xu hướng chậm lại và sau đó sẽ chấm dứt.

Nhân khẩu học, đại dịch sẽ... hãm đà tăng trưởng

Việc duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy sẽ rất khó cho một nền kinh tế từ lâu bị kìm hãm bởi cơ cấu dân số già và năng suất mờ nhạt như Mỹ. Những vấn đề này sẽ trở nên trầm trọng hơn khi các gói hỗ trợ chính sách có chiều hướng giảm, còn cuộc chiến chống Covid-19 và các biến thể của virus này vẫn dai dẳng.

Một số nhà kinh tế lo ngại việc Mỹ tái áp dụng phong tỏa trên diện rộng và các hoạt động kinh tế lại lao dốc như từng xảy ra trong nửa đầu năm 2020.

Ông Joseph Brusuelas, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty tư vấn RSM cho biết: "Những gì chúng ta nhận thấy là một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ theo xu hướng, nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại cho đến năm 2023".

"Nếu không có bất kỳ hỗ trợ chính sách nào để nâng cao năng suất, nền kinh tế Mỹ sẽ đảo ngược xu hướng vì chúng ta không thể làm gì nhiều với những trở ngại về nhân khẩu học, điều này cuối cùng sẽ kéo tăng trưởng chững lại trong dài hạn", ông Joseph Brusuelas cảnh báo.

Mặt khác, Mỹ cũng đối mặt với những khó khăn trong ngắn hạn kìm hãm nền kinh tế bứt tốc. Đơn cử, lạm phát bùng lên những tháng qua do nguồn cung hạn chế còn nhu cầu bùng nổ khi nền kinh tế mở cửa trở. Nhiều quan chức Mỹ, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo rằng giá cả tăng cáo có thể sẽ tiếp tục kéo dài thêm ít nhất vài tháng.

Lạm phát gia tăng cộng với các gói hỗ trợ tài khóa giảm dần cũng sẽ kìm hãm tăng trưởng của Mỹ. "Nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với những hạn chế về nguồn cung và đầu tư vào nhà ở và xây dựng có thể là một lực cản và biến động hàng tồn kho vẫn ở mức tiêu cực", ông Alexander Lin, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Bank of America nhận định.

"Nhìn về phía trước, đây (quý II) có thể là đỉnh cao và tốc độ tăng trưởng sẽ hạ nhiệt trong những quý tới", ông Alexander Lin nói thêm.

Còn theo dự báo của Công ty tư vấn kinh tế Capital Economics, GDP của Mỹ sẽ tăng 8% trong quý II/2021, sau đó giảm xuống 3,5% trong giai đoạn tiếp theo.

"Với việc giá cả tăng cao làm giảm thu nhập thực tế, chúng tôi cho rằng tốc độ tăng trưởng hàng tháng của Mỹ sẽ còn mờ nhạt, khiến tiêu dùng và tăng trưởng GDP sẽ giảm mạnh trong quý III", ông Paul Ashworth, chuyên gia kinh tế trưởng tại Capital Economics bình luận.

Đại dịch là một yếu tố bất ổn đáng lo ngại khác. Các ca nhiễm biến thể Delta của Covid-19 đang tăng đột biến ở một số bang của Mỹ. Giới chức y tế Mỹ lo ngại rằng nước này có thể đối mặt với làn sóng ca nhiễm Covid-19 dâng cao tương tự như một số quốc gia châu Âu và châu Á.

Ngoài ra, áp lực từ nguồn cung và chuỗi cung ứng bên ngoài có thể dội vào tăng trưởng của Mỹ, bởi các công xưởng sản xuất hàng hóa và xuất khẩu của châu Á như Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á khác đang bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

"Việt Nam đang trở thành một bánh răng quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, vì vậy chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình", ông Joseph Brusuelas, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty tư vấn RSM cho biết.

Chuyên gia này lưu ý, các cuộc đàm phán về trần nợ cũng có thể làm rung chuyển mọi thứ ở nước Mỹ. Cuối tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Yellen cho biết, các biện pháp bất thường mà Mỹ có thể phải áp dụng để bảo đảm tiếp tục trả các khoản nợ, có thể gây rắc rối ngay sau tháng 10 tới.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục