Tăng trưởng kinh tế 2018 hướng sâu về chất

(ĐTCK) Nhiều đại biểu Quốc hội cùng một số chuyên gia kinh tế nhìn nhận, việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 linh hoạt và thận trọng ở mức 6,5 - 6,7% sẽ tăng dư địa cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế về chất. Tuy nhiên, để tạo ra sự dịch chuyển tăng trưởng về chất, cần thực thi nhiều giải pháp quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh.
Chính phủ cần tập trung khơi thông các nguồn lực trong nước, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân Chính phủ cần tập trung khơi thông các nguồn lực trong nước, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân

Năm 2018, chỉ tiêu tăng trưởng 6,5-6,7%

Liên tiếp trong 3 ngày từ 31/10- 2/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Liên quan đến kịch bản điều hành nền kinh tế trong năm tới, trong khi nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 6,7% là trong tầm tay, thì vẫn có những ý kiến đánh giá, với dự báo bối cảnh năm tới thuận lợi hơn năm nay, việc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm 2018 ở mức 6,5 - 6,7% là có phần quá thận trọng.

TS. Trần Văn Tiến, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2018 đều có mức tăng trưởng bằng hoặc thấp hơn năm 2017, trong khi dự báo tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều yếu tố khả quan. Do đó, cần phân tích và làm rõ thêm, để xác định mục tiêu hợp lý.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ sự đồng cảm với cách tiếp cận đặt mục tiêu 2018 với tăng trưởng GDP thận trọng của Chính phủ.

Lý do là bởi, tuy những thành công trong kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá trong năm nay là vững chắc, nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong những năm tới.

Theo ông Lộc, USD trên thị trường thế giới không thể năm nào cũng mất giá mạnh tới 10% để xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng trưởng với tốc độ 20% như năm nay. Tuy tăng trưởng kinh tế năm nay cao, nhưng gần 60% doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng kinh doanh không có lãi. Khó khăn vẫn còn chồng chất phía trước.

“Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2018 ở mức 6,5 - 6,7%, không cao hơn so với năm 2017 là sự cẩn trọng cần thiết”, ông Lộc nói.

Thêm không gian tăng trưởng về chất

Chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2018 xét về lượng được thảo luận tập trung ở việc nên chọn mốc nào, nhưng ở khía cạnh về chất thì có nhiều ý kiến đáng quan tâm.

TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP cứng ở một con số như cách làm nhiều năm nay dễ dẫn đến sức ép phải đạt kế hoạch, thậm chí bằng cả cách phải trả những cái giá không tích cực cho kinh tế về dài hạn.

Năm 2018, điểm đáng chú ý trong cách đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Chính phủ là tạo ra dải mềm từ 6,5 - 6,7%. Cách xây dựng mục tiêu này đã hàm ý cho phép tạo sự linh hoạt và chủ động trong điều hành nền kinh tế, bởi thực tế có nhiều yếu tố khách quan trong nước và quốc tế sẽ tác động đến tăng trưởng mà không ai có thể lường hết được.

“Xét trong tương quan năm nay GDP ước tăng 6,7%, việc đặt chỉ tiêu tăng trưởng cho năm tới từ 6,5 - 6,7% có vẻ không có bước tiến. Tuy nhiên, thực ra đó là xét về lượng, còn về chất, nếu đặt mục tiêu tăng trưởng hợp lý, sẽ giúp giảm sức ép lên công tác điều hành, đồng thời thúc nền kinh tế bước cân bằng cả về lượng. Ở mức chỉ tiêu như trên, tôi tin rằng, Chính phủ có nhiều hơn dư địa cho dịch chuyển nền kinh tế tăng trưởng sâu và bền vững”, ông Long nói.

Đồng tình với Chính phủ trong việc năm tới cần coi trọng chất lượng tăng trưởng, đại biểu Quốc hội Lại Xuân Môn (Bạc Liêu) cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng từ 6,5 - 7% là hợp lý. “Tôi nhất trí lần đầu tiên Chính phủ không coi khai khoáng và tăng trưởng tín dụng làm động lực tăng trưởng, đây là xu hướng tất yếu”, ông nói.

Để đạt được sự tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần tập trung khơi thông các nguồn lực trong nước, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân thông qua đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, giảm các chi phí cả chính thức và không chính thức đang đè lên vai của người dân và doanh nghiệp.

“Hành động của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong cải cách môi trường kinh doanh thời gian qua cho thấy một quyết tâm rất lớn. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp và sát sao của Thủ tướng, những cam kết cải cách mạnh mẽ của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của Thành phố Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh là đáng được biểu dương.

Nhưng tiếc là cho tới nay kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng ở nhiều cấp, nhiều ngành...”, ông Vũ Tiến Lộc nói. Nếu những nút thắt còn lại được tháo gỡ, nền kinh tế sẽ chuyển động hiệu quả hơn về cả lượng và chất.

“Mục tiêu tăng trưởng GDP 2018 từ 6,5 - 6,7% là hợp lý”

Tăng trưởng kinh tế 2018 hướng sâu về chất ảnh 1

 Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Với tư cách là thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 từ 6,5 - 6,7% là hợp lý, vì tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu 2018 được nhiều tổ chức quốc tế và các chuyên gia dự báo là tích cực.

Theo Bộ trưởng, năm 2018 sẽ là năm tiếp tục duy trì được đà phục hồi kinh tế, nhưng vẫn luôn cần sự thận trọng bởi những khó khăn khó lường, nhất là nguy cơ bất ổn về an ninh, chính trị trong khu vực và xu thế bảo hộ mậu dịch của một số nước.

Bộ trưởng cho rằng, các ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, khách du lịch quốc tế, các hoạt động bán lẻ, kinh doanh dịch vụ sẽ tiếp tục đà tăng trưởng cao. Một số dự án lớn trong lĩnh vực chế biến, chế tạo sẽ đi vào hoạt động và mở rộng sản xuất, có thể đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế như sản xuất thép Formosa, phân bón dầu khí Cà Mau, cao su Đà Nẵng...

Sẽ không chỉ có Samsung, mà còn nhiều dự án lớn trong nhiều lĩnh vực khi đi vào sản xuất trong năm tới sẽ có đóng góp đáng kể cho tăng trưởng.

Tuy nhiên, ngành khai khoáng dự báo tiếp tục giảm, sản lượng khai thác dầu thô dự kiến giảm khoảng 2 triệu tấn. Theo đó, sẽ ảnh hưởng và giảm khoảng 0,5 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP.

Sự cải thiện mạnh mẽ về các chính sách liên quan đến cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, giảm chi phí cho kinh doanh sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, mô hình kinh tế hiện tại chưa thể chuyển ngay từ chiều rộng sang chiều sâu.

Tăng trưởng kinh tế năm 2018 phải so sánh trên nền khá cao của năm 2017, nếu đặt mục tiêu quá cao thì các ngành, lĩnh vực sẽ phải gắng gượng và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của những năm sau.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục