Tăng trưởng GDP: Kết hợp nhiều giải pháp

(ĐTCK) Giữ vững mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế quý I chỉ đạt 5,1%, cũng như triển vọng kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn là một bài toán thách thức. Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vẫn có nhiều cơ sở để có thể hiện thực hóa được mục tiêu này nếu có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ.
Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay có thể đạt được

Nhiều tín hiệu sáng

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I/2017 đạt thấp so với kỳ vọng, khiến việc thực hiện mục tiêu kế hoạch tăng trưởng trong những quý còn lại rất khó khăn, song bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước gần đây cho thấy có nhiều tín hiệu sáng.

Cụ thể, theo phân tích của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dự báo của các tổ chức quốc tế uy tín như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á…, đều thể hiện triển vọng phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới là khá tốt, từ đó có thể tác động tích cực tới nền kinh tế Việt Nam khi hội nhập một cách sâu rộng.

Cùng với đó, tình hình trong nước cũng có nhiều khởi sắc: nông nghiệp phục hồi mạnh sau những khó khăn của năm 2016; công nghiệp chế biến, chế tạo có bước tăng trưởng tích cực; dịch vụ tăng trưởng khá, nhất là du lịch đã đạt mức kỷ lục bình quân hơn 1 triệu lượt khách quốc tế/tháng; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh; đăng ký doanh nghiệp tăng cao cả về số doanh nghiệp và số vốn, giá dầu thô thế giới phục hồi đáng kể so với năm trước.

“Đặc biệt, các dòng vốn và nguồn lực đầu tư, gồm cả đầu tư nước ngoài và trong nước, đều tăng mạnh từ đầu năm, thu ngân sách các địa phương, xuất khẩu tăng trưởng khả quan… Đây chính là những yếu tố thuận lợi để thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng của các ngành và là căn cứ thực tế để Chính phủ nhận định mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay là có thể đạt được”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trước mắt còn nhiều khó khăn, thách thức như: tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chưa thể bù đắp được phần thiếu hụt do giảm sút tăng trưởng của ngành khai khoáng, trong đó dầu thô là chủ yếu; nông nghiệp vẫn chưa thực sự bền vững trước tác động của giá cả, thời tiết và môi trường; thu hút đầu tư nước ngoài và đăng ký doanh nghiệp tăng mạnh nhưng vốn giải ngân chưa tương xứng…

“Do đó, cần đặc biệt lưu ý nhận thức rõ các cơ hội thuận lợi, cũng như không được chủ quan trước các khó khăn để có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt từ tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội, cũng như cả cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện bằng được các mục tiêu nhiệm vụ, kế hoạch đã đặt ra của từng cấp, từng ngành, từng cá nhân và doanh nghiệp”, ông Dũng nói.

Xác định rõ những khó khăn thuận lợi này, ngay từ đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng kịch bản cụ thể mục tiêu phấn đấu từng ngành, từng sản phẩm, từng quý nhằm xây dựng các giải pháp để vừa duy trì tăng trưởng ổn định, bền vững trong dài hạn, vừa tác động trực tiếp đến các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng của năm nay.

“Thông điệp của Chính phủ rất rõ ràng và nhất quán. Chính phủ đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp ngắn hạn, dài hạn để hướng vào chất lượng tăng trưởng, chứ không phải chỉ chạy theo con số tăng trưởng. Bởi vậy, tất cả đều phải cùng chung sức, cố gắng, nỗ lực, có giải pháp tốt, có sự chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ của các cấp, ngành. Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp cũng cần phải có niềm tin vào quyết tâm của Chính phủ, đồng hành với Chính phủ thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra”, ông Dũng nhấn mạnh.

Triển khai đồng bộ các giải pháp trước mắt

Khẳng định một cách nhất quán chủ trương và quan điểm phát triển bền vững của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cần tận dụng mọi cơ hội và không để lãng phí bất cứ một tiềm năng nào để đẩy mạnh và duy trì tốc độ tăng trưởng cao, để tạo sức bật cho nền kinh tế.

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4/2017, trong đó đưa ra các giải pháp đối với các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Tiếp theo nghị quyết này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một chỉ thị riêng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thủ trưởng các ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm cụ thể hóa mục tiêu tăng trưởng cho từng ngành, từng sản phẩm và đề xuất các giải pháp phù hợp, tùy theo thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định và chỉ đạo thực hiện.

Về các giải pháp cụ thể, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, có 2 nhóm giải pháp được đưa ra. Trước mắt, Chính phủ sẽ ưu tiên tập trung thực hiện ngay các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: giảm chi phí kinh doanh, tháo gỡ các ách tắc liên quan đến đất đai, hạ tầng, nguồn nhân lực…; đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn đầu tư; tận dụng bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước đang thuận lợi, triển khai nhanh các giải pháp thúc đẩy sản xuất-kinh doanh các ngành chủ lực của nền kinh tế như nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo…

“Mục tiêu là sớm giải quyết và tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, để làm sao chuyển hoá số lượng thành chất lượng, số doanh nghiệp đăng ký phải đi đôi với vốn thực hiện, đầu tư. Muốn vậy, chúng ta phải hấp thụ được vốn, cải cách thể chế, hạ tầng, nhân lực, quản lý đất đai để tạo được một môi trường kinh doanh thuận lợi với hệ sinh thái và cơ sở hạ tầng, thế chế tốt nhất, đủ sức cạnh tranh và hội nhập, để doanh nghiệp có niềm tin bền vững với môi trường kinh doanh và yên tâm bỏ vốn đầu tư kinh doanh lâu dài…”, ông Dũng nhấn mạnh.

Đặc biệt, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, Chính phủ hết sức quan tâm vấn đề giảm chi phí cho doanh nghiệp hiện nay. Tại cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp vừa qua, Thủ tướng đã rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để giảm chi phí đầu vào trong sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị hiệu quả hơn khi hội nhập. Năng suất lao động thấp, giá thành cao, các chi phí logistics cao sẽ là rào cản cho việc nâng cao sức cạnh tranh.

Chính phủ khuyến khích tăng trưởng, nhưng phải bền vững. Chẳng hạn, tín dụng tăng, nhưng phải tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, nông nghiệp, xuất khẩu…, không để xảy ra tình trạng “bong bóng” bất động sản...

Bên cạnh đó, một vấn đề cũng được tập trung triển khai trong thời gian tới là giải ngân nhanh các nguồn vốn để giải phóng các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nỗ lực giao sớm các nguồn vốn, trong đó có vốn trung hạn 2017, nhưng để có thể thực hiện hiệu quả việc giải ngân, cần có sự nỗ lực và tích cực phối hợp triển khai của các bộ, ngành và địa phương.

…và dài hạn

Đối với nhóm giải pháp về dài hạn, Chính phủ sẽ tập trung hướng tới duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế; cải cách thể chế; nâng cao năng suất lao động; mở rộng thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước…

“Ở nhóm giải pháp này, cần tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với sức cạnh tranh của nền kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời tận dụng tốt hơn thị trường hiện đang có, bao gồm cả thị trường trong nước”, ông Dũng chia sẻ.

Hiện nay, tuy Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do, nhưng thế giới đã cấu trúc lại thị trường, hệ thống cung ứng. Nếu Việt Nam nâng cao được năng lực, năng suất lao động, thì có thể hội nhập sâu rộng hơn, tận dụng chiếm lĩnh thị trường mới. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặc biệt lưu ý, nhiều thị trường lớn có xu hướng bảo hộ nhiều hơn, trong đó rõ nhất là thị trường Mỹ, bởi chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ là tăng bảo hộ thị trường nội địa nhằm hướng dòng tiền vào trong nước.

Ông nhấn mạnh, đây là thị trường lớn nhất thế giới và quan trọng đối với hầu hết các nước và Việt Nam không là ngoại lệ. Bởi vậy, việc thúc đẩy mở rộng hợp tác đầu tư thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng sẽ là mục tiêu quan trọng trong chuyến công du của Thủ tướng Chính phủ sang Hoa Kỳ từ ngày 29-31/5.

Chia sẻ về nỗ lực và quyết tâm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vị tổng tư lệnh ngành khẳng định, với tư cách là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các giải pháp, hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Thể hiện sự quyết tâm và cam kết này, Bộ trưởng cho biết, cùng với việc dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, ngay trong tháng 6 này, Bộ sẽ tổ chức các đoàn công tác đến các khu vực kinh tế trọng điểm, đến các dự án đầu tư trọng điểm để nắm bắt tình hình, chủ động tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, doanh nghiệp, nếu vượt thẩm quyền, Bộ sẽ tổng hợp báo cáo kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những quyết định cụ thể.

“Nhiệm vụ là rất khó khăn, nhưng vẫn có thể thực hiện được nếu quyết tâm và thực hiện đúng những giải pháp đã đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục