Nhộn nhịp chợ địa ốc online
Từ đầu năm đến nay, mỗi tuần, anh Vũ Kim Tuấn, nhân viên môi giới bất động sản kỳ cựu, đều đặn lên mạng, livestream (phát trực tiếp qua mạng xã hội) để bán nhà, đất. Anh Tuấn chia sẻ, với các mặt hàng có giá trị thấp, khách hàng thường chốt mua ngay khi xem livestream, song với bất động sản thì khó hơn, bởi giá trị tài sản nhà đất rất lớn… Vì vậy, livestream chủ yếu là cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc cho khách hàng. Để khách hàng chốt mua, người môi giới cần phải tư vấn sâu hơn cho khách.
“Vì vậy, tôi vẫn duy trì song song, vừa tiếp thị truyền thống, vừa tận dụng kênh online”, anh Tuấn nói.
Không chỉ các nhân viên môi giới như anh Tuấn, nhiều sàn môi giới, doanh nghiệp bất động sản cũng đang triệt để áp dụng hình thức livestream để bán sản phẩm là bất động sản và xem đây như một phương thức “cứu cánh” để ứng phó trong thời điểm giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc để phòng, chống Covid-19.
Chẳng hạn, ngay trong ngày vía Thần tài (mùng 10 Tết) vừa qua, Tập đoàn Đất Xanh đã tổ chức talkshow trực tiếp trên fanpage Tập đoàn Đất Xanh và Đất Xanh Services để tư vấn bán sản phẩm của Dự án Opal Skyline. Hoạt động này đã thu hút hàng ngàn lượt xem trực tuyến.
Sự nhập cuộc của những “ông lớn” như Đất Xanh cho thấy, “cuộc chơi” số hóa trong giao dịch mua bán bất động sản đã bắt đầu tăng tốc và dần trở thành xu thế tất yếu. Tuy chưa thể đạt hiệu quả như bán hàng trực tiếp, nhưng rõ ràng, đây là kênh phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Mặc khác, việc bán hàng online cũng giúp thông tin nhà đất trở nên minh bạch hơn, cạnh tranh hơn.
Ngoài tổ chức livestream, nhiều doanh nghiệp cũng nhanh chóng tung ra các ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản (proptech) để tiếp thị, giao dịch sản phẩm hoặc ra mắt sàn thương mại điện tử kinh doanh bất động sản trực tuyến.
Có thể kể đến Sunshine Group với ứng dụng Sunshine, tích hợp nhu cầu mua nhà và đầu tư bất động sản; Đất Xanh Services tung ứng dụng Real Agent; Vingroup ra mắt sàn thương mại điện tử Vinhomes Online - mô hình kinh doanh bất động sản trực tuyến, kết nối chủ đầu tư và khách hàng thông qua máy tính hoặc điện thoại...
Với những ứng dụng này, chủ đầu tư, đại lý môi giới có thể chủ động thiết lập thông tin dự án, chính sách kinh doanh, cách thức và lộ trình bán hàng; đặc biệt, quá trình đặt mua, chuyển tiền đặt cọc, ký kết hợp đồng, đối chiếu và trả phí đều được số hóa, rất nhanh gọn, linh hoạt và bảo mật.
Công nghệ số thiết lập cách thức giao dịch mới
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Lâm, nhà sáng lập hệ sinh thái số trong lĩnh vực bất động sản Houze Group nhấn mạnh: “Covid-19 đã mở ra cuộc cạnh tranh trong thiết lập cách thức giao dịch mới trên thị trường”.
Theo ông Lâm, ngành công nghiệp bất động sản đã thay đổi rất nhiều trong thập kỷ qua và các công nghệ mới đang tác động hữu hiệu đến cách thức các nhà kinh doanh bất động sản thực hiện công việc hằng ngày của họ. “Công nghệ số đang là lời giải của nhiều sự thay đổi, công nghệ đang hình thành rõ nét trong cuộc sống con người, trong các hoạt động kinh tế, kinh doanh bất động sản…”, ông Lâm nói.
Dù vậy, điều khiến ông Lâm trăn trở nhất chính là làm thế nào để thấu hiểu được khách hàng trong thời đại số, vì nhu cầu của khách hàng thay đổi mỗi ngày và ngày càng cao hơn.
Một trong những công nghệ được sử dụng phổ biến hiện nay là dữ liệu lớn (big data). Trong một báo cáo về tầm ảnh hưởng của big data đối với thị trường bất động sản Việt Nam trong thập kỷ qua, Công ty JLL cho biết, sức ảnh hưởng của big data lên thị trường địa ốc đang ngày càng lớn.
Cụ thể, big data đang thay đổi cách vận hành của ngành bất động sản Việt Nam từ trong ra ngoài, theo chiều hướng tích hợp đa năng. Quá trình mua hoặc thuê bất động sản sẽ không còn bắt đầu bằng chuỗi ngày lặn lội khảo sát mặt bằng và thực địa, mà thay vào đó là tiếp cận kho dữ liệu khổng lồ để tập trung vào mục tiêu cốt lõi.
Mặc dù vậy, việc ứng dụng công nghệ trong kinh doanh bất động sản hiện vẫn còn những rào cản nhất định. Hai rào cản được ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó giám đốc bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở (CBRE Việt Nam) chỉ ra là công nghệ và niềm tin của người mua. Nếu công nghệ nền tảng là vấn đề doanh nghiệp có thể tìm hướng giải quyết, thì niềm tin của người mua lại là thách thức nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.
Khẳng định việc đầu tư mạnh vào công nghệ như một kênh hỗ trợ, tạo thêm giá trị cho hệ sinh thái kinh doanh bất động sản đã có sẵn là xu hướng không thể bỏ qua, song ông Kiệt cũng nhấn mạnh, bất động sản công nghệ khó lòng thay thế hệ thống môi giới thuần túy, Bởi, giá trị của bất động sản không hề nhỏ, cộng thêm các yếu tố về văn hóa, tâm linh, phong thủy... khiến người mua nhà luôn có nhu cầu “sờ tận tay, xem tận mắt”.