Tăng thời gian giao dịch trên HNX, nhà đầu tư “chưa quen”

(ĐTCK) Ngày 5/11 là phiên giao dịch đầu tiên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) áp dụng quy chế mới về thời gian giao dịch chứng khoán niêm yết, triển khai thêm phiên khớp lệnh sau giờ. 
Thị trường chứng khoán phái sinh đang là thế mạnh của HNX. Thị trường chứng khoán phái sinh đang là thế mạnh của HNX.

Nhiều “công dụng”

Theo Quyết định số 653/QĐ-SGDHN về ban hành Quy chế giao dịch chứng khoán niêm yết của HNX, từ ngày 5/11, ngoài phiên khớp lệnh liên tục và phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa như trước đó, nhà đầu tư có thêm thời gian khớp lệnh sau giờ trên HNX từ 14h45 đến 15h00.

Trong phiên giao dịch này, nhà đầu tư chỉ được sử dụng lệnh PLO, là lệnh mua hoặc lệnh bán chứng khoán tại mức giá đóng cửa sau khi kết thúc phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa.

Theo HNX, phiên giao dịch sau giờ có thể giúp nhà đầu tư loại trừ ảnh hưởng về biến động giá giao dịch trong ngày. Đồng thời, nhà đầu tư có thêm cơ hội giao dịch sau khi đánh giá thêm thông tin sau giờ giao dịch.

Bên cạnh đó, phiên giao dịch sau giờ có thể làm giảm sự biến động giá chứng khoán trong phiên giao dịch ngày tiếp theo, do một số nhà đầu tư đã thực hiện các giao dịch nhằm phòng ngừa rủi ro hoặc điều chỉnh vị thế của mình trước những thông tin xảy ra sau giờ giao dịch. Ngoài ra, phiên giao dịch sau giờ còn góp phần tăng thanh khoản trên thị trường.

Trên thực tế, thời gian giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngắn hơn so với các sàn giao dịch lớn trên thế giới. Việc HNX ban hành quy chế giao dịch mới, trong đó tăng thời gian giao dịch, được kỳ vọng sẽ mang lại giao dịch sôi động hơn. 

Cần thời gian để làm quen

Trong phiên đầu tiên áp dụng quy chế mới trên HNX, phiên giao dịch sau giờ diễn ra khá cầm chừng. Theo thống kê của HNX, có 241 lệnh của nhà đầu tư được đặt vào hệ thống, trong đó 109 giao dịch được thực hiện. Tổng khối lượng khớp là 130.000 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 2,3 tỷ đồng. Giao dịch chủ yếu được khớp lệnh qua 5 mã cổ phiếu, bao gồm SHB, ACB, PVS, TNG, PVB.

Để tăng thanh khoản, điều kiện tiên quyết là tăng chất lượng cổ phiếu. 

Kết thúc phiên chiều 5/11, chỉ số HNX-Index đóng cửa tại 105,53 điểm, giảm 0,21% so với phiên trước đó, với 83 mã giảm giá và 221 mã đứng giá. Trong khi đó, trên sàn HOSE, chỉ số VN-Index đóng cửa tại 925,53 điểm, tăng 0,07% so với phiên trước đó.

Diễn biến trong phiên giao dịch sau giờ đầu tiên cho thấy, các nhà đầu tư chưa mặn mà tham gia. Trên các diễn đàn chứng khoán, chủ đề giao dịch sau giờ chưa nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, mặc dù có ý kiến cho rằng, với quy chế mới, HNX sẽ hạn chế được tình trạng “ế hàng”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một môi giới nhận xét, do mới bắt đầu áp dụng nên chưa thể có đánh giá chính xác và có khả năng là nhiều nhà đầu tư chưa biết tới quy chế mới này của HNX.

“Theo thói quen, 14h45, các nhà đầu tư đều đứng dậy hết, các giao dịch muốn thực hiện đều đã diễn ra trong phiên như thường ngày”, vị môi giới nói.

Nhà đầu tư Nguyễn Phong chia sẻ, đối với anh, HNX triển khai phiên giao dịch sau giờ bằng lệnh PLO không có nhiều ý nghĩa, bởi anh tập trung vào các mã lớn trên sàn HOSE. Tuy nhiên, sàn HNX sẽ dần gia tăng thanh khoản, nhưng tính cho thanh khoản toàn thị trường, tập trung vào một nhóm cổ phiếu, chứ thanh khoản của hầu hết các mã sẽ khó tăng.

“Ngoài các mã lớn, thanh khoản cao, thì sàn HNX có nhiều mã nhỏ, thanh khoản thấp, thậm chí không có giao dịch. Với những mã này, nhà đầu tư ít quan tâm, nên việc tăng thêm thời gian giao dịch không đồng nghĩa sẽ thúc đẩy nhà đầu tư giao dịch nhiều hơn”, anh Phong nhận xét.

Trong khi đó, ông Công Tuyền, Giám đốc Chi nhánh Mễ Trì, Công ty Chứng khoán Tân Việt đánh giá, phiên giao dịch sau giờ với lệnh PLO là một phương thức hay, các nhà đầu tư có thêm cơ hội giao dịch.

“Trong giai đoạn đầu thì số lượng đặt lệnh chưa nhiều, tương tự như trên sàn chứng khoán phái sinh. Dần dần, nhà đầu tư sẽ nhận ra đây là một công cụ tuyệt vời để tranh thủ mua thêm cổ phiếu khi đã hết giờ giao dịch. Trong ngắn hạn, thanh khoản mà phiên giao dịch sau giờ mang lại cho HNX có thể chưa lớn, song về dài hạn, đây sẽ là công cụ hữu ích, giúp gia tăng thanh khoản và quy mô thị trường”, ông Công Tuyền nói. 

Tăng thanh khoản, cần thêm giải pháp

Trong tháng 10/2018, tổng khối lượng giao dịch trên HNX đạt hơn 1,1 tỷ cổ phiếu, giá trị giao dịch gần 15.000 tỷ đồng, giảm 9,7% so với tháng 9. Tính bình quân, giá trị giao dịch đạt hơn 650 tỷ đồng/phiên, giảm 9,3% so với tháng 9. So với sàn HOSE, khối lượng giao dịch trên HNX trong tháng 10 bằng 1/4.

Tháng 1/2018, khối lượng giao dịch trên HNX lớn nhất trong 10 tháng đầu năm, đạt hơn 1,8 tỷ cổ phiếu, nhưng cũng chỉ tương đương 1/3 khối lượng giao dịch trên HOSE. Với tình hình hiện tại, gia tăng thanh khoản cho HNX vẫn là thách thức lớn.

Để tăng thanh khoản cho sàn HNX, nhiều nhà đầu tư cho rằng, điều kiện tiên quyết là tăng chất lượng nguồn hàng. Khi có thêm nhiều doanh nghiệp chất lượng lên niêm yết, nhà đầu tư tất yếu sẽ quan tâm đến sàn này hơn, kéo theo số lượng nhà đầu tư tăng, giao dịch tăng.

“Có một thực tế mà HNX cần đối diện và có giải pháp là làn sóng “di cư” của một số doanh nghiệp sang HOSE vẫn đang diễn ra”, một nhà đầu tư nói.

Theo nhà đầu tư này, khi chuyển sang HOSE, các doanh nghiệp mong muốn tìm được sân chơi sôi động hơn, huy động vốn tốt hơn, điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư có cổ phiếu thanh khoản hơn.

Thanh khoản là một trong những yếu tố đầu tiên được nhà đầu tư xem xét trước khi quyết định đầu tư vào một mã chứng khoán. Cùng với đó, với những quy định về điều kiện niêm yết trên HOSE cao hơn, nhà đầu tư kỳ vọng sẽ tìm được nguồn hàng có tính minh bạch và thực chất hơn. Bởi vậy, lâu nay, sàn HOSE khiến nhiều nhà đầu tư hứng thú, ngược lại, sự thờ ơ đối với cổ phiếu trên HNX tăng theo.

“Hiện tại, thị trường chứng khoán phái sinh đang là thế mạnh của HNX, nhưng mới chỉ có sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30. Để góp phần tăng thanh khoản cho thị trường cơ sở tại HNX, cơ quan quản lý nên sớm triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số HNX30”, nhà đầu tư nói.

Theo ông Công Tuyền, sàn HNX có biên độ dao động giá +/-10%, trước đây nhiều nhà đầu tư thích, vì khi thị trường tăng điểm, giá cổ phiếu tăng mạnh, mang lại cơ hội thu lãi cao. Nhưng giờ đây, biên độ dao động giá lớn mang lại rủi ro cao hơn sàn HOSE - sàn này có biên độ dao động giá +/-7%, giúp nhà đầu tư kiểm soát rủi ro tốt hơn.

Ngoài ra, HNX không có lệnh ATO, có thể dẫn tới sai lệch khi vẽ mô hình nến lúc phân tích kỹ thuật chứng khoán. Hai yếu tố này có ảnh hưởng đến tính hấp dẫn cũng như tính thanh khoản của sàn HNX so với sàn HOSE.

Minh Vui

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục