Tăng sản lượng khai thác dầu khí: Bài toán dài hơi không dễ giải

Giá xăng dầu thế giới vẫn diễn biến bất thường khiến giá xăng dầu trong nước chịu áp lực lớn. Trong khi đó, việc tăng sản lượng khai thác dầu khí trong nước chỉ thu được kết quả nhất định.

Khai thác nhiều hơn

Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), khai thác dầu thô tháng 3/2022 đạt 0,95 triệu tấn, vượt 24% kế hoạch đặt ra cho tháng này. Tính chung quý I/2022, ngành dầu khí đã khai thác đạt 2,74 triệu tấn, vượt 25% kế hoạch đề ra cho quý I và tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021.

Đây được xem là nỗ lực rất lớn của Petrovietnam trước đà suy giảm sản lượng tự nhiên của các mỏ dầu khí hiện hữu sau thời gian dài khai thác và việc đầu tư phát triển mỏ mới gặp nhiều vướng mắc về cơ chế; ảnh hưởng của xung đột chính trị đến công tác triển khai các giải pháp tăng thu hồi, gia tăng sản lượng khai thác của các đơn vị trong Tập đoàn.

Cũng trong quý I/2022, Petrovietnam cung cấp 1,4 tỷ m3 khí cho sản xuất điện, vượt 16,6% so với kế hoạch đề ra ban đầu (1,2 tỷ m3).

Với Petrovietnam, việc giá dầu tăng trong quý I/2022 đã hỗ trợ thuận lợi cho hoạt động của các đơn vị thuộc lĩnh vực thăm dò, khai thác của Tập đoàn. Nhờ nỗ lực gia tăng được sản lượng dầu khí khai thác trong điều kiện giá dầu ở mức cao, nguồn thu của Petrovietnam đã có những con số phấn khởi.

Cụ thể, trong quý I/2022, tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 197.120 tỷ đồng, vượt 46% kế hoạch quý, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2021. Nộp ngân sách toàn Tập đoàn ước đạt 29.3100 tỷ đồng, vượt 63% kế hoạch quý, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả này đã giúp phần đóng góp của Tập đoàn chiếm khoảng 7,7% tổng thu ngân sách nhà nước trong quý I/2022.

Trước đó, năm 2021, khai thác dầu thô đạt 10,97 triệu tấn, vượt 1,25 triệu tấn (vượt 12,8%) so với kế hoạch năm, đã góp phần lớn vào việc tăng số nộp ngân sách của Tập đoàn (đạt 112.500 tỷ đồng, vượt 80% kế hoạch năm, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020). Lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn Tập đoàn năm 2021 đạt khoảng 46.000 tỷ đồng, vượt 2,7 lần kế hoạch năm, tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Dễ nhận thấy, giá dầu đang neo ở mức cao như hiện nay sẽ giúp nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khai thác dầu khí sớm hoàn thành kế hoạch doanh thu ngay trong quý II hoặc quý III/2022, cho dù sản lượng khai thác không bằng năm ngoái.

Không dễ khai thác nhiều dầu

Theo đánh giá của Petrovietnam, việc gia tăng trữ lượng dầu khí, bù đắp vào sản lượng khai thác hàng năm, đảm bảo sự phát triển bền vững của Tập đoàn là thách thức vô cùng lớn.

Nguyên nhân là, phần lớn các mỏ dầu khí đang khai thác ở nước ta được đưa vào khai thác trong giai đoạn từ năm 1986 đến năm 2015. Trong đó, các mỏ có đóng góp sản lượng lớn đều đã khai thác được 15 - 35 năm, đang ở giai đoạn khai thác cuối đời mỏ, độ ngập nước cao và tiếp tục tăng theo thời gian. Độ ngập nước trung bình của các mỏ này hiện ở mức 50 - 90%, dẫn đến sản lượng suy giảm tự nhiên 15 - 25%/năm. Đây cũng là thực tế chung ở giai đoạn cuối đời của các mỏ trên thế giới.

Sự sụt giảm sản lượng khai thác dầu khí hàng năm là điều thấy rõ và đã được dự báo từ lâu, bởi hiện nay, ngành dầu khí gần như không có “của để dành”.

Trước tình trạng các mỏ đang khai thác trên đà suy giảm, để có thể duy trì và nâng cao sản lượng dầu khí, giải pháp duy nhất vẫn là phải phát triển và đưa được các mỏ mới vào khai thác. Để đảm bảo tính bền vững lâu dài, câu chuyện tìm kiếm thăm dò, gia tăng để tạo nguồn trữ lượng mới được xem là tiên quyết.

Nhưng thực tế, các khu vực truyền thống có tiềm năng dầu khí đã được thăm dò khá chi tiết (bể Cửu Long, Nam Côn Sơn), các phát hiện dầu khí mới phần lớn là nhỏ, nên đòi hỏi phải mở rộng hoạt động tìm kiếm, thăm dò các khu vực nước sâu, xa bờ. Tiềm năng dầu khí chưa phát hiện còn lại tập trung chủ yếu ở vùng nước sâu, xa bờ, rủi ro cao, tiếp tục bị nước ngoài gây sức ép, cản trở.

Tại Báo cáo tổng kết thi hành Luật Dầu khí vừa hoàn thành cuối tháng 3/2022, Bộ Công thương cho biết, tổng chi phí đã đầu tư để thực hiện các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí trong các hợp đồng dầu khí từ năm 2000 đến hết năm 2020 ước khoảng 51 tỷ USD. Trong đó, phần đóng góp của các nhà thầu nước ngoài hơn 36 tỷ USD, chiếm 73% tổng chi phí đã thực hiện. Các nhà đầu tư thu về hơn 30 tỷ USD chi phí đã đầu tư.

Theo kinh nghiệm, công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí có nhiều rủi ro, tỷ lệ thành công của các giếng khoan thăm dò chỉ ở mức 20%. Bởi vậy, nếu quy trình thủ tục phê duyệt dự án tìm kiếm thăm dò trong ngành dầu khí cũng như các dự án đầu tư phát triển thông thường khác, thì Petrovietnam hay Tổng công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP) gần như không thể triển khai các dự án tìm kiếm thăm dò mới, bởi nếu làm thì sẽ thất thoát tài sản nhà nước.

Dĩ nhiên, nếu không gia tăng được trữ lượng, thì khai thác dầu khí tất yếu sẽ bị ảnh hưởng.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục