Tăng quyền cho Ủy ban Chứng khoán

(ĐTCK) Bộ Tài chính sẽ trao nhiều quyền hơn cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) trong kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán đối với DN niêm yết, CTCK, công ty quản lý quỹ…
Tăng quyền cho Ủy ban Chứng khoán

Tăng quyền cho UBCK

Sau những vụ đổ vỡ của một số doanh nghiệp niêm yết, CTCK mà trước đó báo cáo tài chính của các công ty này báo lãi được phía công ty kiểm toán xác nhận là trung thực và hợp lý, điển hình như vụ CTCP Dược phẩm Viễn Đông, đã khiến nhiều NĐT đặt mối nghi ngờ về chất lượng kiểm toán. Thậm chí, đã có sự bức xúc từ phía NĐT, khi quyết định đầu tư của họ dựa trên thông tin tài chính của doanh nghiệp đã được kiểm toán, nhưng sau đó khâu kiểm toán được xác định là có sai phạm.

“NĐT có lý do để nghi ngờ các công ty kiểm toán vì cả nể khách hàng, vì quyền lợi của mình mà có thể cho qua những khuất tất của doanh nghiệp trong quá trình kiểm toán báo cáo tài chính, dẫn đến làm sai lệch kết quả kiểm toán. Điều này tạo ra những rủi ro khôn lường cho NĐT...”, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam nhìn nhận, đồng thời cho rằng, việc dự thảo Thông tư về kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán, mà Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến, đưa ra nhiều nội dung mới so với quy định hiện hành là cần thiết, nhằm kiểm soát chặt hơn chất lượng dịch vụ kiểm toán. Trong đó, đáng chú ý là Bộ Tài chính trao nhiều quyền hơn cho UBCK.

Tăng quyền cho Ủy ban Chứng khoán ảnh 1

 Bộ Tài chính trước đó cũng có đề nghị trao thẩm quyền khởi tố, điều tra cho Ủy ban Chứng khoán đối với 3 tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự

Theo đó, ngoài quyền được cử cán bộ có chuyên môn phù hợp tham gia các đoàn kiểm tra định kỳ khi có yêu cầu của Bộ Tài chính, UBCK còn có quyền đề xuất danh sách kiểm tra định kỳ các doanh nghiệp kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc đối tượng UBCK quản lý trình Bộ Tài chính phê duyệt như quy định hiện hành, Dự thảo có quy định, UBCK chủ trì việc kiểm tra đột xuất chất lượng dịch vụ kiểm toán đối với các doanh nghiệp kiểm toán được chấp thuận.

Đặc biệt, theo quy định của Dự thảo, UBCK có quyền kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp kiểm toán; lập báo cáo kết quả kiểm tra; đề xuất với Bộ Tài chính xử lý các sai phạm phát hiện qua kiểm tra, hoặc xử lý các sai phạm phát hiện qua kiểm tra theo thẩm quyền...

 

Cần tăng tính độc lập

Việc Bộ Tài chính trao quyền nhiều hơn cho UBCK trong kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán doanh nghiệp niêm yết, CTCK, công ty quản lý quỹ…, theo ông Hải, chỉ phát huy hiệu quả cao khi UBCK thường xuyên nỗ lực nâng cao tính độc lập và tránh nể nang trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm các công ty kiểm toán.

Các sai phạm của doanh nghiệp kiểm toán trong quá trình kiểm toán doanh nghiệp niêm yết, CTCK… bị UBCK phát hiện, cần được xử lý kịp thời và công khai kết quả xử lý cho thị trường biết, nhằm nâng cao tính răn đe. Với trường hợp phát hiện kiểm toán viên có hành vi thông đồng, móc nối với doanh nghiệp niêm yết, CTCK được kiểm toán làm sai lệch kết quả kiểm toán, thì ngoài việc xem xét đình chỉ tư cách hành nghề có thời hạn, còn cần đưa vào danh sách “đen”, để vừa gia tăng mức hình phạt nếu tái phạm trong tương lai, vừa cảnh báo cho các công ty kiểm toán trong tuyển dụng và sử dụng các nhân sự này.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để nâng cao chất lượng kiểm toán doanh nghiệp niêm yết, các tổ chức kinh doanh chứng khoán, khi phát hiện các công ty kiểm toán chấp nhận thực hiện kiểm toán cho khách hàng khi khách hàng có yêu cầu trái với đạo đức nghề nghiệp, hoặc trái với quy định của pháp luật..., UBCK cần mạnh tay xử lý, để tránh tình trạng “đi đêm” giữa công ty kiểm toán và doanh nghiệp được kiểm toán.

Cùng với việc dự thảo Thông tư được hoàn thiện để sớm ban hành và áp dụng, các thành viên thị trường kỳ vọng điều này sẽ tạo sự đồng bộ về nâng cao chất lượng kiểm toán khi Nghị định 105/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/12 tới.

Trong đó, Nghị định đưa ra khá nhiều chế tài xử lý mạnh tay như: phạt từ 10 - 20 triệu đồng đối với thành viên tham gia cuộc kiểm toán nhận hoặc đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền nào từ đơn vị được kiểm toán; kiểm toán viên bị đình chỉ hành nghề từ 6 - 12 tháng, nếu bị phát hiện thông đồng, móc nối với đơn vị được kiểm toán để làm sai lệch kết quả kiểm toán; phạt từ 10 - 20 triệu đồng đối với tổ chức kiểm toán chấp nhận thực hiện kiểm toán cho khách hàng khi khách hàng có yêu cầu trái với đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn hoặc trái với quy định của pháp luật.   

>> Sắp có chế độ kế toán mới với CTCK

>> Bộ Tài chính bất ngờ muốn trao thêm quyền cho UBCK

Hữu Đạo
Hữu Đạo

Tin cùng chuyên mục