Tăng mức phổ cập giáo dục tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trên thị trường vốn, nhà đầu tư vừa là chủ nợ khi nắm giữ trái phiếu, vừa là chủ sở hữu doanh nghiệp khi nắm giữ cổ phiếu, song kiến thức về đầu tư tài chính của nhiều người còn hạn chế, vô hình trung tạo nên sự bất ổn trên thị trường.

Trong đợt điều chỉnh vừa qua của thị trường chứng khoán kể từ đầu tháng 4/2022, chỉ số VN-Index giảm khoảng 20%, nhưng theo chia sẻ của nhiều nhà đầu tư cá nhân, phần lớn giá trị danh mục của họ sụt giảm 30%, thậm chí 40 - 50%.

Với một thị trường mà nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 99% về số lượng và 90% về giá trị giao dịch (thời điểm cuối quý I/2022), chủ yếu là nhà đầu tư mới (F0) trong vòng 2 năm thị trường tăng nóng 2020 và 2021, không khó hiểu khi họ là nhóm thua lỗ nặng nề nhất trong đợt điều chỉnh.

Nguyên nhân là khi chỉ số lập đỉnh mới, đa số cổ phiếu có định giá cao, nhưng nhiều người vẫn nghe lời hô hào mua vào từ các hội, nhóm với niềm tin thị trường sẽ tiến lên các mức cao mới. Một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư còn sử dụng đòn bẩy thông qua giao dịch ký quỹ (margin). Đến khi thị trường bất ngờ “quay xe”, họ ồ ạt bán tháo cổ phiếu, nhất là những người tham gia muộn (mỗi tháng có hàng trăm ngàn tài khoản mở mới).

Hành động nói trên của các F0 - đa số được nhận định là chưa trang bị đủ kiến thức cơ bản về đầu tư tài chính, không những gây tác động tiêu cực đến kết quả đầu tư, mà còn ảnh hưởng xấu đến thị trường.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, do phát triển nóng chỉ trong vài năm nên cũng tồn tại một số bất cập: doanh nghiệp huy động trái phiếu ồ ạt, nhà đầu tư thiếu kiến thức, không chọn được trái phiếu tốt nên gần đây đối mặt với rủi ro bị “chôn vốn”.

TS. Phan Phương Nam, Phó trưởng khoa Luật thương mại, Đại học Luật TP.HCM cho rằng, qua các “bài test” vừa rồi mới thấy nhà đầu tư Việt Nam chưa thật sự chuyên nghiệp khi đánh giá thị trường không dựa trên góc độ doanh nghiệp hay các công cụ đo lường tài chính, mà chủ yếu dựa vào các thông tin được “bơm” có chủ đích. Việc cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát, mạnh tay xử lý sai phạm thời gian gần đây nhằm ổn định thị trường vốn, nhưng trên hết vẫn là để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư.

Theo Trung tâm Nghiên cứu khoa học và đào tạo chứng khoán, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, đơn vị này đã phối hợp với Dự án VIE032 do Chính phủ Luxembourg tài trợ, lập trang web giáo dục nhà đầu tư chứng khoán (http://nhadautu.srtc.org.vn), song chưa thu hút được nhiều người tham gia.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, để cải thiện tính bền vững của thị trường tài chính, góp phần phát triển kinh tế, Chính phủ cần có Chương trình quốc gia về giáo dục tài chính.

Theo đó, lồng ghép nội dung giáo dục tài chính vào chương trình giáo dục phổ thông quốc gia cho nhiều đối tượng, song song với tuyên truyền, phổ biến để thay đổi quan điểm xã hội về việc giáo dục tài chính sớm cho trẻ em.

Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính xây dựng một website và đường dây nóng nhằm cung cấp thông tin, chương trình giáo dục tài chính.

Trước làn sóng nhà đầu tư mới gia nhập thị trường trong 2 năm qua, các công ty chứng khoán đã xây dựng nhiều chương trình đào tạo, phổ biến kiến thức trực tuyến và miễn phí cho nhà đầu tư. Nhưng nhu cầu của nhà đầu tư còn rất lớn khi nhiều cá nhân đã mở được các lớp đào tạo về chứng khoán thu hút đông đảo nhà đầu tư tham dự.

Các cá nhân này đào tạo cả kiến thức cơ bản kết hợp chia sẻ kinh nghiệm cá nhân. Nhưng hiện nay, chưa có cơ quan nào giám sát chất lượng các lớp đào tạo như vậy hoặc buộc cá nhân/nhóm người này đăng ký nội dung đào tạo giảng dạy khi tổ chức định kỳ và trên quy mô rộng, dẫn đến không ít người tốn tiền cho những cá nhân câu kéo người học bằng tư vấn một vài mã chứng khoán đem lại lợi nhuận, điều không khó làm trong giai đoạn thị trường thăng hoa vừa qua, nhưng dạy không hiệu quả.

Thị trường đào tạo, giáo dục tài chính hiện đang có dấu hiệu trăm hoa đua nở của các lớp học do các cá nhân thực hiện, nhưng thiếu các tổ chức đạt tiêu chuẩn và được giám sát về chất lượng.

Theo Viện Chiến lược ngân hàng, giáo dục tài chính là vấn đề thu hút sự quan tâm của chính phủ nhiều nước, sự tham gia của các tổ chức quốc tế như OECD, Ngân hàng Thế giới. Đặc biệt, từ sau cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008, không ít nước đã đưa giáo dục tài chính vào chương trình chiến lược quốc gia với nhiều cách tiếp cận khác nhau.

Hoàng Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục