Tăng mức độ bảo mật để bảo vệ khách hàng khi giao dịch

0:00 / 0:00
0:00
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, với quy định phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay đối với giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng từ ngày 1/7, kể cả khi khách hàng lỡ chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng lừa đảo thì cũng có thể lấy lại tiền.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước)

Thưa ông, người dân cần phải lưu ý những điều gì trong yêu cầu xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền từ 10 triệu đồng trở lên của Ngân hàng Nhà nước?

Thời gian qua, không ít người dân đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền. Thủ đoạn của các đối tượng này rất tinh vi, như tự xưng cơ quan chức năng và đưa ra các tình huống khiến người dân mất cảnh giác, truy cập phần mềm, đường link có mã độc. Sau đó, đối tượng vào tài khoản, thậm chí chiếm quyền kiểm soát điện thoại để lấy hết tiền.

Vì thế, kể từ ngày 1/7/2024, khi có nhu cầu chuyển tiền trên 10 triệu đồng, người dân phải xác thực bằng khuôn mặt, theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng, nhằm tăng cường bảo vệ khách hàng.

Mục đích của việc phải xác thực khuôn mặt là đảm bảo chính chủ đang thực hiện giao dịch. Xác thực sinh trắc học là khuôn mặt thật, chứ không phải hình ảnh cài trên điện thoại. Tức là người thực hiện chuyển tiền phải soi khuôn mặt mình vào ứng dụng, nhìn lên nhìn xuống để đảm bảo đây là hình ảnh sống.

Khuôn mặt của người thực hiện chuyển tiền được đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học từ căn cước công dân gắn chip do Bộ Công an quản lý. Dấu hiệu sinh trắc học có thể được xác định bằng dữ liệu sinh trắc học lưu trong chip của căn cước công dân, tài khoản VNeID hoặc dữ liệu sinh trắc học lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng. Công nghệ này được xem là có thể hạn chế tối đa khả năng làm giả và có tính bảo mật cao nhất cho khách hàng.

Quyết định 2345/QĐ-NHNN cũng đưa ra các yêu cầu về xác thực sinh trắc học khi khách hàng lần đầu thực hiện giao dịch trên ứng dụng Mobile Banking hoặc trên thiết bị mới. Đồng thời, tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán phải lưu trữ thông tin về thiết bị giao dịch trực tuyến của khách hàng tối thiểu trong vòng 3 tháng.

Việc xác thực sinh trắc học sẽ thực sự hạn chế được rủi ro mất tiền trong tài khoản?

Khi hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ với hơn 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân, tương ứng hơn 87% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng, số lượng giao dịch thanh toán qua kênh di động và QR Code tăng trưởng nhanh chóng.

Với sự phát triển này, ngành ngân hàng phải đối mặt với những thách thức về an ninh, bảo mật, nhất là khi tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản của người dân bằng nhiều thủ đoạn tinh vi.

Việc xác thực khuôn mặt khách hàng phải khớp với khuôn mặt được lưu trong chip của thẻ căn cước công dân. Trường hợp kẻ gian dùng tài khoản của người khác để chuyển tiền chiếm đoạn, cơ quan công an sẽ nhanh chóng xác định được danh tính qua đối chiếu với thông tin trên căn cước gắn chip. Do đó, từ ngày 1/7, kể cả khi khách hàng lỡ chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng lừa đảo thì cũng có thể lấy lại tiền.

Hiện các ngân hàng đã sẵn sàng chuẩn bị xác thực sinh trắc học chưa, thưa ông?

Sau hơn 1 năm, hầu hết các tổ chức tín dụng đã áp dụng công nghệ tiên tiến, làm sạch dữ liệu thông qua trung tâm dữ liệu quốc gia, qua đó xác minh và làm sạch lại toàn bộ dữ liệu từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán…, đọc các dữ liệu căn cước công dân qua cơ quan công an, nhằm xác thực được dữ liệu của khách hàng cung cấp là thông tin thực.

Cùng với việc làm sạch dữ liệu, khai thác dữ liệu và lọc thông tin của VNeID…, chúng tôi tin rằng, từ ngày 1/7 tới, các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán sẽ thực hiện đúng và đầy đủ Quyết định 2345/QĐ-NHNN của NHNN. Nhưng phải hiểu rằng, không phải tất cả các giao dịch chuyển tiền, khách hàng đều phải xác thực sinh trắc học, mà chỉ những khoản tiền có từ 10 triệu đồng trở lên hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng mới phải xác thực sinh trắc học.

Số lượng các giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng hiện chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong tổng giao dịch ngân hàng?

Theo thống kê, các giao dịch trên 10 triệu đồng chỉ chiếm 11% tổng giao dịch và do một người thực hiện nhiều giao dịch, nên số lượng người thực hiện các giao dịch trên 10 triệu đồng chiếm không đến 10%. Tổng số người có giao dịch trên 20 triệu/ngày chỉ chiếm có 0,56%.

Ngoài ra, khi thực hiện xác thực để giao dịch trên 20 triệu đồng xong, ở giao dịch 100.000 đồng tiếp theo, người dân không phải làm sinh trắc học nữa và đến giao dịch 20 triệu đồng tiếp theo mới phải xác thực lại. Khách hàng cũng cần phân biệt rõ là, yêu cầu xác thực sinh trắc học áp dụng với giao dịch chuyển tiền từ 10 triệu đồng trở lên để kiểm soát rủi ro. Còn đối với thanh toán, NHNN vẫn cho phép thanh toán đến 100 triệu đồng/ngày mà không cần phải xác thực sinh trắc học.

Vân Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục