Phát biểu tại phiên thảo luận tại Hội trường sáng nay, ngày 27/10, sau nhiều ý kiến đề xuất thực hiện nhanh tăng lương, có thể ngay từ 1/1/2023 thay vì 1/7/2023 như tờ trình của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Quốc hội tỉnh Bạc Liêu) đặt câu hỏi: “Tăng lương cơ sở tăng có giữ chân được công chức, viên chức trong khu vực công hay không?”.
Tất nhiên, ông Thái đồng tình với việc thực hiện tăng lương từ ngày 1/1/2023 và khẳng định, lương tăng là tín hiệu đáng mừng, nhưng không phải là giải pháp dài hơi để công chức, viên chức gắn bó với nghề ở khu vực công. Dù lần tăng lương cơ sở này là nỗ lực lớn lao của Chính phủ, bởi ước tính rằng để tăng thêm 20,8% mức lương cơ sở, khoản chi mà Chính phủ phải cân đối đã phải dành tới 44.000 tỷ đồng.
“Đẩy nhanh tiến độ cải cách chính sách tiền lương mới thực sự là giải pháp căn cơ, điều mà lẽ ra nếu không phải quay quắt để phòng, chống dịch thì đã được thực hiện từ năm 2021”, ông Thái khuyến nghị.
Cụ thể, lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng một tháng thì tiền lương thu nhập của công chức, viên chức và người lao động sẽ được cải thiện đáng kể. Người làm công ăn lương có thêm điều kiện để lo cho cuộc sống.
Tuy nhiên, với mức tăng ấy trong điều kiện không thể cao hơn nữa ở thời điểm hiện tại cũng vẫn chưa thể đáp ứng đời sống của người làm công ăn lương. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhận mức lương thấp sẽ không phản ánh đúng giá trị sức lao động mà mình đóng góp.
Bên cạnh đó, tiền lương thấp không đủ bù đắp cho quá trình tái sản xuất giản đơn, đó là chưa nói đến tái sản xuất mở rộng, cũng chưa thể bù đắp được quá trình đào tạo và tự đào tạo của cán bộ, công chức, viên chức để toàn tâm, toàn ý với công việc được giao.
Cũng phải nhắc thêm, tại kỳ họp này, Chính phủ đề xuất Quốc hội chưa thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2023. Nếu năm 2023 đất nước phát triển kinh tế - xã hội tốt, tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững, không bị tác động bởi các yếu tố khách quan như 3 năm vừa qua thì có thể triển khai chính sách cải cách tiền lương.
Đại biểu Thái nhấn mạnh, đây là thông tin mà cử tri đang đặc biệt quan tâm. Cử tri đang rất quan tâm đến lộ trình thực hiện cải cách tiền lương, rất trông mong đề án này sớm được thực hiện.
Vì, theo đại biểu, cải cách tiền lương đang là vấn đề vô cùng cấp thiết. Mức lương cơ sở tăng như phương án Chính phủ vừa đề xuất với Quốc hội là rất quý ở thời điểm hiện tại nhưng về thực chất thì chưa đủ để xóa bỏ chênh lệch giữa lương khu vực công và lương khu vực tư, giữ lương khu vực nhà nước và lương ngoài thị trường.
Cũng có ý kiến về yêu cầu việc giữ chân cán bộ, công chức, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn KonTum) có những góc nhìn dài hạn, ở góc độ quản trị nhà nước.
Theo đại biểu, việc dịch chuyển nhân lực từ khu vực công sang khu vực tư là xu hướng không chỉ ở nước ta mà một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc. Những người ra khỏi khu vực công họ vẫn tiếp tục cống hiến công sức, năng lực của mình cho xã hội.
Nguyên nhân của hiện tượng này, được coi là do tiền lương, thu nhập và môi trường làm việc.
Thực tế cho thấy, tiền lương và thu nhập trong khu vực công thường thấp hơn nhiều so với khu vực ngoài, thường phản ứng chậm trước yêu cầu tăng thu nhập, bởi ràng buộc của các quy định pháp lý, các quy định này lại thường có độ trễ so với yêu cầu của thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách của Chính phủ.
“Tuy nhiên, nếu coi đây là căn nguyên duy nhất của vấn đề thì có lẽ cũng chưa hẳn đã là như thế, bởi có nhiều cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, chuyển việc không phải chỉ vì thu nhập thấp mà còn có nguyên nhân khác, bởi áp lực của công việc quá lớn. Đối với nhiều người trẻ, họ muốn ưu tiên phát triển bản thân hơn là một việc làm, một chỗ ngồi ổn định trong khu vực công”, đại biểu Tô Văn Tám chia sẻ quan điểm.
Thêm nữa, khu vực công và khu vực tư đều yêu cầu tri thức, tinh thần trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo, tính hiệu quả. Tuy nhiên, trong khu vực công thì yêu cầu về trách nhiệm không chỉ trong công việc mà còn là trách nhiệm trước Nhân dân, với tính cách là đối tượng mà cán bộ, công chức phải phụng sự.
Với yêu cầu này thì sự hài hòa giữa thu nhập và việc thực hiện vai trò là công bộc của dân là hết sức cần thiết. Như thế có thể thấy hiện tượng chuyển dịch này vừa là thách thức, vừa là cơ hội để Chính phủ đánh giá và hoàn thiện hoạt động quản trị của mình.
Nhiều đại biểu đã nhắc lại 2,5 năm dịch vừa qua, đã có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc và chuyển việc. Bình quân mỗi năm có khoảng 15.800 người nghỉ việc và chuyển việc. Số nghỉ việc và chuyển việc trong ngành giáo dục hơn 16.400 người, trong ngành y tế là 12.198 người.
“Đây là một vấn đề xã hội rất đáng được quan tâm. Trong xã hội Việt Nam, chúng ta không có nhiều nghề mà người làm nghề được xã hội gọi là thầy. Vậy mà trong 2,5 năm vừa qua số lượng thầy giáo và thầy thuốc nghỉ việc và chuyển việc ra khỏi khu vực công chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng số những người nghỉ và chuyển việc. Ta thấy điều gì qua thông tin này”, đại biểu Thái gửi câu hỏi tới các đại biểu Quốc hội.