Tăng hiệu quả, phải tăng cả đạo đức người hành nghề chứng khoán

(ĐTCK) 80% CTCK kinh doanh có lãi trong 9 tháng đầu năm 2014 là một kết quả tích cực sau quá trình dài tái cấu trúc ngành chứng khoán.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Tuy nhiên, để khối các tổ chức tài chính trung gian này hoạt động vững mạnh, ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB) cho rằng, công tác đào tạo đạo đức người hành nghề cần được chú trọng hơn nữa.

So với ngày đầu hoạt động, không thể phủ nhận TTCK Việt Nam đã phát triển vượt bậc, ngoài sức tưởng tượng của nhiều chủ thể tham gia. Chia sẻ với ĐTCK mới đây, Phó tổng giám đốc HOSE Trần Anh Đào cho biết, bà vẫn nhớ cảm giác hạnh phúc của cả đội ngũ nhân sự khi Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. HCM chạm mốc thanh khoản 1 tỷ đồng/ngày trong những năm đầu tiên hoạt động. “Thị trường hôm nay thanh khoản cả nghìn tỷ đồng/phiên vẫn diễn ra suôn sẻ. Đó là điều chúng tôi nằm mơ cũng không nghĩ đến trong những năm đầu vận hành của thị trường”, bà Đào nói.

Khi quy mô thị trường lớn lên, cơ hội lớn lên, hoạt động của các tổ chức tài chính trung gian, đặc biệt là các CTCK ngày càng rộng mở. Tuy nhiên, để nhà đầu tư đại chúng nhìn ra những CTCK tốt, an toàn về tài chính, lành mạnh trong hoạt động là không dễ, bởi quy chuẩn để đánh giá, phân loại CTCK vẫn còn là câu chuyện mới mẻ tại Việt Nam.

Ở cấp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), tháng 10/2013, Chủ tịch UBCK chính thức ký Quyết định ban hành Quy chế hướng dẫn việc xếp loại các CTCK dựa theo 5 tiêu chí là mức độ đủ vốn, chất lượng tài sản, chất lượng quản trị, khả năng sinh lời và chất lượng tài sản - gọi tắt là CAMEL. Theo đó, nhà quản lý sẽ xếp loại CTCK 2 lần/năm, nhưng kết quả xếp loại không được công bố công khai ra thị trường mà được sử dụng như một công cụ để nhà quản lý giám sát, chấn chỉnh hoạt động của khối CTCK.

Ở cấp Sở GDCK, từ năm 2013, Sở GDCK Hà Nội thực hiện chương trình vinh danh CTCK cũng trên căn cứ chấm điểm, xếp loại các DN này. Sở căn cứ vào nhiều tiêu chí để xếp loại CTCK, năm 2013 có 6 CTCK được vinh danh, năm 2014 có 9 CTCK được vinh danh. Việc làm này, ngoài tính chất động viên, khích lệ các CTCK, còn nhằm mục đích giúp nhà đầu tư nhận diện ra các CTCK có nhiều tiêu chí tốt hơn các CTCK khác, từ đó làm căn cứ đặt niềm tin vào thị trường.

Tại Sở GDCK TP. HCM, công tác xếp loại CTCK chưa được tiến hành như cấp UBCK hay HNX, mà Sở chú trọng việc cập nhật, công bố thông tin về những CTCK dẫn đầu thị phần thị trường. Bức tranh mà Sở GDCK TP. HCM đưa ra về khối CTCK là những cái tên nổi bật trên thị trường môi giới, SSI, HSC, FPTS, VPBS, ACBS, MBS, BVSC… là những cái tên đã trở nên quen thuộc khi thường xuyên có mặt trong TOP 10 môi giới lớn nhất HOSE.

Chưa có bộ tiêu chí thống nhất trong đánh giá, vinh danh các CTCK, nhưng nỗ lực của nhà quản lý đã và đang giúp nhà đầu tư định hình những thương hiệu uy tín, giảm dần tình trạng “vàng thau lẫn lộn”.  Ở cấp DN, nhiều CTCK đã chú trọng đào tạo nhân sự, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho các nhân sự hành nghề, đặc biệt là nhân sự khối môi giới và tư vấn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế là những nghi vấn về mối liên kết ngầm để thao túng cổ phiếu, thao túng thị trường vẫn luôn tồn tại và ngày càng lớn lên.

Với vị thế là thị trường đỉnh cao của nền kinh tế thị trường, ranh giới giữa “người hùng” và “tội phạm” chứng khoán là rất mỏng. Để duy trì sự phát triển cân bằng và lành mạnh của TTCK, ở các TTCK phát triển, đạo đức người hành nghề là một mảng việc không nhỏ được nhà quản lý, các hiệp hội quan tâm trau dồi cho nhân sự. Tại Việt Nam, trong nhiều cuộc họp của ngành chứng khoán, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán đã nêu câu chuyện về đào tạo, giám sát đạo đức người hành nghề, tuy nhiên, đến nay, đây vẫn là mảng việc chưa được lấp đầy trên TTCK. Trong cuộc họp với UBCK, Tổng thư ký VASB cho rằng, điều VASB mong đợi nhất là UBCK trao quyền cấp chứng chỉ hành nghề về đạo đức nghề nghiệp cho Hiệp hội. “Hiện tại, bộ quy tắc mới về đạo đức nghề nghiệp của Hiệp hội đang chờ đối tác nước ngoài hỗ trợ hoàn thiện”, ông Kỳ nói.

Khoảng 300 DNNN sẽ phải thực hiện cổ phần hóa năm 2015 là một mảng việc rất rộng cho các CTCK phát triển nghiệp vụ tư vấn, tự doanh. Nhiều sản phẩm mới sẽ liên tục được các Sở nghiên cứu và cho phép triển khai trên thị trường. Từ năm 2016, TTCK phái sinh sẽ mở cửa hoạt động theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ… Với chuyển biến liên tục như vậy, bức tranh TTCK 5 năm tới chắc chắn sẽ có nhiều sự khác biệt so với hiện nay.

Trên con đường đưa TTCK Việt Nam đến bước phát triển cao hơn, CTCK bên cạnh sự nỗ lực đào tạo nhân sự giỏi nghề để có tên mình TOP 3, TOP 5, TOP 10 trong từng mảng nghiệp vụ, nâng chất đạo đức người hành nghề là một mảng việc không thể lơ là.

Ngọc Hà

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục