Tăng giám sát các tổ chức kinh doanh chứng khoán

(ĐTCK) Theo dự thảo thông tư mới, trường hợp tổ chức kinh doanh chứng khoán có tỷ lệ vốn khả dụng từ 120% đến dưới 150%, các công ty sẽ bị đặt vào tình trạng kiểm soát, sau thời hạn 6 tháng kể từ ngày bị đặt vào tình trạng kiểm soát, sở giao dịch chứng khoán thực hiện đình chỉ một phần hoạt động giao dịch của tổ chức kinh doanh không khắc phục được tình trạng kiểm soát.
Tăng giám sát các tổ chức kinh doanh chứng khoán

Ngày 21/9/2016, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã công bố dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 226/2010/TT-BTC và Thông tư 165/2012/TT-BTC quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính. Theo quy định này, mức độ giám sát với các tổ chức kinh doanh chứng khoán như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính sẽ được điều chỉnh tăng lên. 

Tăng chế tài giám sát

Theo các quy định tại Thông tư 226/2010/TT-BTC và Thông tư 165/2012/TT-BTC, tỷ lệ vốn khả dụng của các tổ chức kinh doanh chứng khoán được chia làm 3 ngưỡng là: 180%, 150% và 120%. Trong đó, trường hợp tổ chức kinh doanh chứng khoán có tỷ lệ vốn khả dụng từ 150% đến dưới 180% sẽ phải thực hiện chế độ báo cáo bất thường 1 tháng 2 lần vào ngày 15 và 30 hàng tháng. Báo cáo phải gửi kèm tệp thông tin điện tử trong vòng 3 ngày làm việc sau ngày 15 và 30 hàng tháng.

Trường hợp tỷ lệ vốn khả dụng ở mức từ 120% đến dưới 150%, tổ chức kinh doanh chứng khoán sẽ bị kiểm soát, dưới 120% sẽ bị kiểm soát đặc biệt.

Tại dự thảo Thông tư thay thế, vẫn quy định 3 ngưỡng tỷ lệ vốn khả dụng như trên, nhưng với trường hợp tổ chức kinh doanh chứng khoán có tỷ lệ vốn khả dụng từ 150% đến dưới 180%, các đơn vị này sẽ không chỉ phải thực hiện chế độ báo cáo bất thường, mà còn bị đặt vào tình trạng cảnh báo.

Với trường hợp tổ chức kinh doanh chứng khoán có tỷ lệ vốn khả dụng từ 120% đến dưới 150%, các công ty này vẫn sẽ bị đặt vào tình trạng kiểm soát, nhưng chế tài áp dụng với các trường hợp trên có thể sẽ không dừng lại như quy định cũ.

Cụ thể, ngoài việc phải thực hiện chế độ báo cáo bất thường tỷ lệ vốn khả dụng với tần suất 1 tuần 1 lần, phải xây dựng và thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng này, quy định mới chặt hơn khi đưa ra một chế tài mới là, sau thời hạn 6 tháng kể từ ngày bị đặt vào tình trạng kiểm soát, sở giao dịch chứng khoán thực hiện đình chỉ một phần hoạt động giao dịch của tổ chức kinh doanh không khắc phục được tình trạng kiểm soát.

Chưa rõ việc đình chỉ một phần hoạt động giao dịch của tổ chức kinh doanh chứng khoán không khắc phục được tình trạng kiểm soát sẽ được áp dụng như thế nào, nhưng với quy định này, sức ép lên các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ trong việc duy trì thanh khoản để đảm bảo hoạt động nghiệp vụ liên tục sẽ lớn hơn giai đoạn trước rất nhiều. 

Thay đổi theo sản phẩm mới và chế độ kế toán mới

Theo ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong lần sửa đổi này, cơ quan quản lý hướng đến 3 mục tiêu chính. Đó là cập nhật thay đổi trong kế toán áp dụng cho công ty chứng khoán ban hành theo Thông tư 210/2014-TT-BTC có hiệu lực từ 1/1/2016; thay đổi bổ sung các nội dung tính tỷ lệ vốn khả dụng do yếu tố sản phẩm mới (do triển khai chứng khoán phái sinh) và tăng mức độ kiểm soát với công ty chứng khoán không đáp ứng được yêu cầu tỷ lệ vốn khả dụng.

Với chủ trương này, ông Hải cho biết, do những thay đổi từ việc áp dụng Thông tư 210/2014/TT-BTC vào thực tế, việc tính toán tỷ lệ vốn khả dụng, dù nhìn vào hình thức sẽ không có nhiều thay đổi, nhưng bản chất được thay đổi rất lớn vì cách hạch toán khác nhau.

“Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thực hiện tính toán tỷ lệ an toàn vốn khả dụng các công ty chứng khoán để đánh giá mức độ ảnh hưởng khi Thông tư 210 được áp dụng. Về cơ bản, quy định mới trên cơ sở triển khai Thông tư 210 sẽ không gây xáo trộn tỷ lệ an toàn vốn khả dụng trước mắt của các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, khi triển khai sản phẩm chứng khoán phái sinh, tỷ lệ vốn khả dụng các công ty chứng khoán có thể sẽ có thay đổi lớn”, ông Hải nói. 

Có nên điều chỉnh cách đánh giá rủi ro các khoản đầu tư?

Với nội dung lý giải như ông Hải đã nêu, dễ hiểu vì sao trong dự thảo này, các hệ số rủi ro sử dụng trong việc tính giá trị rủi ro tổ chức kinh doanh chứng khoán không được điều chỉnh. Nhưng điều này liệu đã hợp lý?

Theo quy định hiện nay, hệ số rủi ro đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ mở niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) là 10%, với cổ phiếu niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) là 15%; cổ phiếu công ty đại chúng đăng ký giao dịch qua UPCoM là 20%; cổ phiếu công ty đại chúng đã đăng ký lưu ký nhưng chưa niêm yết hoặc đăng ký giao dịch, cổ phiếu đang trong đợt phát hành lần đầu là 30%; cổ phiếu công ty đại chúng khác là 50%. Với chứng khoán bị tạm ngừng giao dịch là 40% và chứng khoán bị hủy niêm yết, hủy giao dịch là 50%.

Với quy định này, rõ ràng đang có sự phân biệt về mức độ rủi ro giữa các cổ phiếu niêm yết trên HOSE và HNX. Nhiều ý kiến từ thị trường cho rằng, điều kiện niêm yết trên các cổ phiếu trên HNX và HOSE có sự khác biệt, nhưng nếu nhìn vào ý nghĩa của việc tính tỷ lệ vốn khả dụng, rủi ro của cổ phiếu lại nằm ở vấn đề thanh khoản. Và ở góc độ này, thậm chí xảy ra tình huống một cổ phiếu niêm yết trên HOSE có độ rủi ro lớn hơn nhiều so với cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM do thanh khoản gần như không có. Bên cạnh đó, quy định này cũng chưa có bước tính đối với các cổ phiếu bị hạn chế giao dịch (ví dụ chỉ giao dịch một nửa ngày).

Trong khi đó, tỷ lệ thanh khoản của chứng khoán (nhất là cổ phiếu) lại dễ dàng được tính toán và là yếu tố ảnh hưởng mạnh đến thanh khoản tài sản của công ty chứng khoán. Như vậy, nên chăng có sự điều chỉnh tỷ lệ rủi ro đối với các khoản đầu tư vào cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch UPCoM dựa trên yếu tố thanh khoản của cổ phiếu? 

Cần phân loại lại trái phiếu chuyển đổi trong tính vốn khả dụng

Tại Thông tư số 226/2010/TT-BTC và Thông tư 165/2012/TT-BTC và dự thảo Thông tư thay thế các thông tư này, các khoản nợ có thể được chuyển đổi thành vốn chủ sở hữu để tính vốn khả dụng phải đáp ứng nhiều điều kiện, trong đó có điều kiện có thời hạn ban đầu tối thiểu 5 năm, không được đảm bảo bằng tài sản của tổ chức kinh doanh chứng khoán… Như vậy, với quy định trên, một vấn đề phát sinh là, với những trường hợp tổ chức kinh doanh chứng khoán phát hành trái phiếu chuyển đổi có kỳ hạn thấp hơn 5 năm, nhưng loại trái phiếu chuyển đổi bắt buộc, không có điều kiện hủy ngang hay mua lại, thì có được coi như vốn chủ sở hữu hay không?

Trên thực tế, hiện nay, các công ty chứng khoán đã rất ít phát hành trái phiếu chuyển đổi, đặc biệt trái phiếu chuyển đổi hình thức này, nhưng điều đó không có nghĩa là không thể xảy ra. Và với các trường hợp trên, trái chủ chắc chắn sẽ trở thành cổ đông, nên chăng, cũng được tính như một loại vốn chủ sở hữu với mức độ rủi ro là bằng 0.

Bùi Sưởng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục