Tăng giá xi măng và nỗi lo mất thị phần xuất khẩu

(ĐTCK) Hơn một tháng qua, một số nhà sản xuất xi măng tăng giá bán khoảng 20.000 - 120.000 đồng/tấn đối với thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu cũng tăng nhẹ từ 1 - 2 USD/tấn.

Việc tăng giá xuất khẩu giữa lúc xi măng Việt Nam đang bị cạnh tranh dữ dội từ các nước láng giềng đã có những tác động tiêu cực đến mục tiêu xuất ngoại, trong khi thị trường trong nước đang dư cung.

Không có được lợi thế về thị phần lớn như Thái Lan hay Indonesia khiến các quyết định tăng giá khá dễ dàng, các nhà sản xuất xi măng Việt Nam do thị trường quá phân tán và bị cạnh tranh rất dữ dội nên phải “nhích giá từng tí một”, dù các yếu tố đầu vào đã tăng giá mạnh. Đơn cử như tại Thái Lan, 4 nhà sản xuất xi măng lớn nhất nước này với 85% thị phần đã đồng loạt tăng giá 200 bath/tấn (khoảng 135.000 VND). Giới quan sát đánh giá, cứ tăng 100 bath tại thị trường trong nước thì lợi nhuận ròng của các hãng bao gồm Siam Cement và Siam City Cement sẽ tăng tương ứng 2% và 12%. Tại Indonesia , năm 2013 Semen Indonesia đã tăng thị phần lên 44% so với 40,2% năm 2012, nên khá chủ động trong các quyết định tăng - giảm giá bán.

Các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước lo mất khách hàng xuất khẩu vì giá tăng

Ông Hoàng Xuân Vịnh, Tổng giám đốc CTCP Xi măng Cẩm Phả cho biết: “Lúc đầu, Công ty đã tăng 100.000 đồng/tấn xi măng ở thị trường trong nước, nhưng sau một thời gian quan sát thấy nhiều nhà sản xuất không tăng giá, để tránh nguy cơ mất thị phần, Cẩm Phả rút lại chỉ tăng 50.000 đồng/tấn ở miền Bắc và 20.000 - 30.000 đồng/tấn tại miền Nam. Đối với thị trường xuất khẩu, chỉ dám tăng khoảng 1 USD/tấn clinker. Việc tăng giá xuất khẩu dĩ nhiên là có ảnh hưởng, nhưng Công ty cơ bản vẫn giữ được thị phần ổn định tại các thị trường như Băng la đét, Indonesia , Philippines , Malaysia … Năm 2013, Cẩm Phả dự kiến xuất khẩu 850.000 tấn xi măng, đến nay đã xuất 650.000 tấn và 2 tháng cuối năm dự kiến xuất 200.000 tấn”.

Không riêng gì Xi măng Cẩm Phả bị ảnh hưởng khi tăng giá xuất khẩu, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) - nhà sản xuất xi măng số 1 Việt Nam với 34% thị phần cũng gặp những trở ngại nhất định. Ông Trần Việt Thắng, Tổng giám đốc VICEM cho biết: “Giá xuất khẩu xi măng tăng khoảng 1,5 USD/tấn và clinker bình quân khoảng 2 USD/tấn. Tùy theo khách hàng và thị trường mà các đơn vị thuộc VICEM điều chỉnh giá bán. Tất nhiên, khi tăng giá thì việc đàm phán với khách hàng khó khăn hơn nhiều. Mặc dù vậy, VICEM vẫn hoàn thành sản lượng xuất khẩu như dự kiến trong quý III/2013 với 691.000 tấn, tăng 166.000 tấn so với mục tiêu đề ra. Xuất khẩu của VICEM đã tiến thêm một bước mới với việc mở rộng thêm một số thị trường khác”.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, một số nhà sản xuất xi măng cho biết, dự định tăng giá 5 USD/tấn clinker xuất khẩu đã làm họ mất khách hàng ngay từ lúc chào giá. Sau đó, các DN này buộc phải hạ giá xuống thấp nhất có thể để “đàm phán lại”, nhưng rõ ràng, việc ngồi lại với nhau rất khó khăn, bởi khi khách hàng không mua của nhà sản xuất này thì ngay lập tức đã có nhà sản xuất khác “thế chân”.

Không chỉ phải “nhìn ngó” các nhà sản xuất trong nước khi xuất khẩu, mà Thái Lan vẫn là đối thủ cạnh tranh luôn “rình rập” thị phần nếu các nhà xuất khẩu Việt Nam sơ hở. Trong khi đó, xuất khẩu được cho là lối thoát của nhiều thương hiệu mới khi họ khó lòng chen chân ở thị trường trong nước. Đơn cử như Xi măng Xuân Thành khi dự kiến đưa nhà máy tại Quảng Nam (công suất 3.300 tấn clinker/ngày, tương đương 1,4 triệu tấn xi măng/năm) vào hoạt động vào cuối tháng 12/2012, hướng đến thị trường châu Phi để xuất khẩu sản phẩm. Khi các nhà sản xuất mới đang tìm đường thì những “lão tướng” như VICEM đã kịp chở xi măng bán tận châu Mỹ.

Với sự cạnh tranh về giá bán hiện nay, biên lợi nhuận thấp rất có thể khiến các nhà xuất khẩu xi măng của Việt Nam “chết chùm” khi đưa sản phẩm ra nước ngoài.

“DN sản xuất xi măng của Việt Nam đang gặp khó do thị trường trong nước dư thừa, xuất khẩu là giải pháp cho đầu ra của sản phẩm. Vì thế, Việt Nam phải giữ vững thị phần và thị trường đã mở. Không chỉ dừng lại ở đó, chúng ta còn phải mở thêm các thị trường mới”, ông Hoàng Trọng Kim, Phó chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhận định.

Tuy nhiên, vị này cũng băn khoăn về sự khó khăn khi mở rộng thị trường không dễ, cho dù giá xuất khẩu của Việt Nam hiện thấp nhất trong khu vực (khoảng 38 USD/tấn clinker), trong khi Thái Lan từ 40 - 42 USD/tấn clinker. Nhưng giá chưa phải là vấn đề quyết định mà thời gian chờ tàu ở Việt Nam thường lâu hơn một số nước khác, do chúng ta thiếu cảng lớn nên giảm đi yếu tố cạnh tranh. Hơn nữa, các nhà xuất khẩu Việt Nam hiện vẫn “mạnh ai nấy chạy” nên phải đối phó với cả DN trong nước và DN nước ngoài. Chưa kể đến các nhà sản xuất Việt Nam đa số có tiềm lực tài chính mỏng, độ phủ thị phần thấp, nên luôn phải tính toán, co kéo trong cuộc đối đầu với các đại gia trong khu vực đến từ Thái Lan hay Indonesia .

“Chưa kể một số DN xuất khẩu lại không nằm trong Hiệp hội nên ngồi vào bàn thương lượng để tìm kế sách chung, sức mạnh chung là rất khó”, ông Kim nói.

Trung Kiên
Trung Kiên

Tin cùng chuyên mục