Tăng giá dịch vụ, tăng giao thương với Mỹ là cơ hội cho cổ phiếu nhóm logistics

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều cổ phiếu logistics đã có được mức tăng giá ấn tượng từ đầu năm. Bà Nguyễn Huỳnh Bảo Trâm, Chuyên gia phân tích ngành Cảng, Vận tải biển, Ngân hàng, CTCP Chứng khoán Bảo Việt đã có những chia sẻ về triển vọng nhóm ngành này.

Cổ phiếu nhóm logistics đã có được 3 quý đầu năm tăng trưởng khá ấn tượng. Theo bà, đâu là động lực cho điều đó?

Thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu logistics (cảng biển, vận tải) có những diễn biến tích cực trên thị trường. Theo tôi, nguyên nhân đến từ các kỳ vọng về hoạt động xuất nhập khẩu có những tín hiệu cải thiện; tổng thống Mỹ Joe Biden sang thăm Việt Nam mở ra nhiều cơ hội cho hoạt động giao thương giữa 2 nước và việc dự thảo thay đổi thông tư 54/BGTVT cũng được đánh giá là có lợi cho cảng biển trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Huỳnh Bảo Trâm

Bà Nguyễn Huỳnh Bảo Trâm

Ngành logistics liên quan chặt chẽ đến thị trường xuất khẩu. Phải chăng đây là điểm các nhà đầu tư cần lưu tâm?

Chúng tôi cho rằng đây chỉ là cơ hội đầu tư trong ngắn hạn khi hoạt động xuất nhập khẩu có cải thiện nhưng vẫn mang tính mùa vụ nhiều hơn.

Tăng trưởng thương mại vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào sức mua tại các thị trường xuất khẩu chủ lực ở Việt Nam như Mỹ và EU. Trong khi đó, tỷ lệ hàng tồn kho bán sỉ/doanh thu ở Mỹ vẫn còn ở mức rất cao so với thời điểm trước Covid-19.

Chúng tôi cho rằng, phải mất thời gian lâu hơn để lượng hàng này được hấp thụ để các nhà quản lý có ý định đặt thêm đơn hàng mới. Chỉ số niềm tin tiêu dùng ở Mỹ trong tháng 9 đã giảm mạnh xuống mức 103 từ mức 108,7 của tháng 8 do lo ngại về suy thoái kinh tế.

Theo quan sát trên thị trường, hình như nhóm vận tải container đang có câu chuyện riêng?

Ở phân khúc vận tải container, giá cước cho thuê tàu định hạn vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi khi đối mặt với rủi ro giảm sức mua và tình trạng dư cung tàu. Ngoài ra, do thị trường cho thuê tàu ở quốc tế đang ảm đạm, một số hãng vận tải container ở Việt Nam đã đưa tàu về chạy nội địa, qua đó làm tăng cung tàu nội địa và ảnh hưởng xấu đến giá cước.

Chúng tôi cho rằng, diễn biến này vẫn còn tiếp tục khi hoạt động giao thương chưa có nhiều dấu hiệu cải thiện và đối mặt với các rủi ro như đã đề cập ở phần trên.

Trong một diễn biến khác, các công ty vận tải xăng dầu có phần hưởng lợi nhờ giá cước tiếp tục được neo cao. Từ sau lệnh cấm vận của EU, các nước đã có sự thay thế trong cơ cấu nhập khẩu xăng dầu. Việc thay đổi hải trình khiến quãng đường vận chuyển xa hơn và và làm giảm năng lực vận chuyển của đội tàu thế giới. Ngoài ra, số lượng tàu đóng mới trên số lượng tàu hiện hữu đang ở mức thấp nhiều năm (ở cả phân khúc tàu dầu thô và tàu dầu sản phẩm) cũng là yếu tố ủng hộ giá cước.

Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

Về thị trường, có xu hướng nào tác động đến doanh nghiệp nhóm logsitics không?

Trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng cần chú ý quan sát kỹ hơn về tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là tại Mỹ để có thể đưa ra những nhận định về nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thế giới.

Ngoài ra, chúng tôi cũng lưu ý về diễn biến giá dầu dấy lên lo ngại về lạm phát lần hai và ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của Fed. Nhà đầu tư đón đầu các nhóm cổ phiếu này cần thận trọng.

Trong trung và dài hạn, việc tăng khung giá dịch vụ cảng biển, tăng cường giao thương với Mỹ sẽ là tiền đề giúp ngành cảng biển nói riêng và ngành logistics nói chung có sự khởi sắc.

Một mảng khá quan trọng là cảng biển, theo bà, hệ thống cảng biển của nước ta có cơ hội gì trong thời gian tới?

Ngành cảng biển hiện tại đang nhận được nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó, quy hoạch ưu tiên phát triển các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện và Cái Mép – Thị Vải.

Ngoài ra, quy hoạch cũng tập trung vào việc đầu tư các tuyến quốc lộ, cao tốc, nguồn vốn trung hạn cũng được bố trí đầu tư vào hàng hải, đường thủy nội địa để tạo hạ tầng giao thông kết nối với cảng biển.

Bên cạnh đó, dự thảo thay đổi Thông tư 54/2018/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải cũng bước đầu cho thấy Chính phủ đang tạo điều kiện để các doanh nghiệp cảng biển có thể tăng mức phí dịch vụ, nhằm sánh ngang với các nước trong khu vực.

Những cổ phiếu được yêu thích và lý do lựa chọn?

Cổ phiếu yêu thích của chúng tôi là GMD và PVT.

Như đã đề cập ở trên, ngành cảng biển mặc dù đang gặp những rủi ro và thách thức trong ngắn hạn nhưng vẫn là điểm sáng đầu tư trong trung dài hạn, đặc biệt đối với GMD là một doanh nghiệp đầu ngành và vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.

Các dự án cảng nước sâu Gemalink và trung tâm logistics Cái Mép Hạ sẽ là tiền đề giúp GMD lấy lại đà tăng trưởng cao trong những năm tới khi khu vực Cái Mép Thị Vải dần đóng vai trò chiến lược trong bản đồ hàng hải Việt Nam và được quy hoạch tầm nhìn cảng trung chuyển quốc tế.

Đối với PVT, chúng tôi yêu thích doanh nghiệp này nhờ tiềm năng từ giá cước vận tải xăng dầu, và giá cước VLGC đang được neo ở mức cao. Ngoài ra, chiến lược trẻ hóa đội tàu và tập trung mạnh vào phân khúc quốc tế của doanh nghiệp là một hướng đi đúng đắn.

Bình Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục