Tăng gần 43% sau 3 phiên, cổ phiếu PAP lập đỉnh sau khi được thông qua kế hoạch tăng vốn

(ĐTCK) Ngày 14/02, CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (mã PAP) đã được cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 2.320 tỷ đồng lên 2.920 tỷ đồng bằng hình thức lấy ý kiến văn bản, giúp giá cổ phiếu lập đỉnh lịch sử. 

Theo tờ trình cổ đông trước đó, Cảng Phước An dự kiến chào bán 60 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư, giá trị thu về theo mệnh giá là 600 tỷ đồng để bổ sung vốn cho dự án Đầu tư Xây dựng Cảng Phước An.

Giá chào bán sẽ đảm bảo không thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần căn cứ theo BCTC quý IV/2024. Đồng thời, giá chào bán không thấp hơn mức giá đã được chiết khấu 40% so với giá tham chiếu cổ phiếu PAP tại ngày giao dịch trước ngày HĐQT ra quyết định xác định giá cụ thể 04 ngày làm việc.

Số cổ phiếu được chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Thời gian chào bán dự kiến trong năm 2025, sau khi được UBCKNN chấp thuận.

Hai cổ đông lớn của Cảng Phước An hiện tại là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty TNHH MTV Hoành Sơn sẽ không tham gia đợt mua cổ phiếu này. Như vậy, tỷ lệ của 2 cổ đông lớn sẽ giảm xuống lần lượt 11,98% và 13,77% sau đợt chào bán.

Dự án Đầu tư Xây dựng Cảng Phước An của PAP nằm tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Quy mô dự án xây dựng cho tàu có trọng tải từ 30.000 DWT đến 60.000 DWT, gồm 9 bến với tổng chiều dài 2.830m.

Hiện tại, PAP đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, được cơ quan có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương chấp thuận hoặc phê duyệt. Công ty đã hoàn thành chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng và nộp tiền trồng rừng thay thế, nhận bàn giao diện tích 157,3 ha/164,4 ha.

Bên cạnh đó, Công ty đã hoàn thành công tác thi công xây dựng và đưa vào vận hành khai thác Phân kỳ 1 của dự án từ quý IV/2024. Hiện nay, Phân kỳ 2 đã được Cục Quản lý đầu tư xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và đang thực hiện thẩm định thiết kế bản vẽ thi công. PAP cho biết sẽ tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành công tác đầu tư xây dựng Phân kỳ 2 đưa vào khai thác từ cuối năm 2025, đồng thời triển khai Phân kỳ 3 để kịp khai thác trong năm 2026.

Tổng vốn đầu tư của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 11.024 tỷ đồng. Tính đến hiện tại, PAP đã sử dụng gần 861 tỷ đồng vốn tự có và 3.000 tỷ đồng vốn vay từ ngân hàng để thanh toán các hợp đồng thầu. Để tránh rủi ro dòng tiền và áp lực trả nợ, theo tính toán, Công ty cần huy động thêm 600 tỷ đồng trong năm 2025 để thanh toán cho các nhà thầu.

Trong trường hợp 60 triệu cổ phiếu không phân phối hết và lượng vốn huy động không đạt đủ như dự kiến, PAP sẽ lựa chọn, điều chỉnh phương án sử dụng vốn để đảm bảo nguyên tắc không làm ảnh hưởng tiến độ dự án và cân nhắc phương án huy động vốn bổ sung từ các nguồn vốn khác.

Trên thị trường chứng khoán, sau khi phương án này được cổ đông thông qua, kể từ ngày 14/02 đến nay, PAP đã tăng xấp xỉ 43%. Riêng phiên ngày 14/02 và 17/02, cổ phiếu tăng hết biên độ trên UPCoM; đến phiên 18/02, dù đà hưng phấn giảm bớt nhưng PAP vẫn ghi nhận mức tăng 11,92% lên mức 38.500 đồng/CP - mức cao nhất kể từ ngày niêm yết đến nay.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục