Tăng dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ: Chỉ là tạm thời?

(ĐTCK-online) Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu cho biết, tốc độ tăng trưởng huy động vốn của toàn hệ thống ngân hàng trong tháng 8/2009 chỉ đạt 0,65%, giảm nhiều so với mức tăng trưởng của tháng 7 là 1,95%. Tuy nhiên, sang tháng 9/2009, nhờ huy động vốn bằng ngoại tệ gia tăng đã đẩy tăng trưởng huy động vốn toàn ngành quay lại mức 1,84%.

Một vấn đề đáng chú ý nữa là dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ cũng đang có chiều hướng tăng theo. Người đứng đầu NHNN đưa ra dự báo, khả năng dư nợ cho vay bằng ngoại tệ sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

Theo số liệu thống kê mới nhất, huy động vốn bằng ngoại tệ tháng 10/2009 ước đạt 347.950 tỷ đồng, tăng 1% so với tháng 9 và tăng 10,14% so với cuối năm trước. Còn dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ ước tăng đến 2,06% so với tháng 9 và tăng 10,18% so với cuối năm ngoái.

Thực tế, trong năm 2009, khi Chính phủ đưa ra chủ trương hỗ trợ lãi suất, kích cầu bằng VND, các DN trở nên thờ ơ với vốn vay ngoại tệ. Bởi vay vốn bằng tiền đồng, lãi suất thấp và tránh được rủi ro tỷ giá. Nhưng với tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng bằng USD trong 2 tháng vừa qua, xuất hiện nhiều dự báo rằng, khả năng nhu cầu vốn ngoại tệ sẽ tiếp tục tăng.

Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ông Lê Xuân Nghĩa nhận định, đà tăng trưởng đối với dư nợ cho vay vốn bằng ngoại tệ có thể sẽ tiếp tục tăng trong những tháng còn lại của năm 2009 và đầu năm 2010.

Tuy nhiên, trước diễn biến của tỷ giá hối đoái trong những ngày cuối tháng 10/2009 đã khiến không ít nhà nhập khẩu sử dụng vốn vay bằng ngoại tệ tỏ ra lo ngại. Hiện tỷ giá liên ngân hàng do NHNN công bố tiếp tục có chiều hướng nhích dần, nhưng không đột biến (đạt 17.010 VND/USD trong ngày 31/10). Trên thị trường tự do, tỷ giá gần đây có chiều hướng tăng trở lại. Nguyên nhân một phần do giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới, nhu cầu “gom” ngoại tệ để nhập vàng lậu đẩy tỷ giá tăng đột biến lên trên mức 18.500 VND/USD. Trong tuần vừa qua, tỷ giá niêm yết mua - bán USD/VND của các NHTM phổ biến ở mức sát trần được phép.

Với các DN, rủi ro biến động tỷ giá luôn là bài toán cần được cảnh giác, nhằm tránh thiệt hại trong kinh doanh. Đồng thời, với chủ trương hỗ trợ lãi suất, kích cầu ngắn hạn dù đã giảm mức lãi suất được hỗ trợ xuống còn 2%/năm, nhưng vẫn kéo dài thời gian đến hết quý I/2010. Thêm vào đó, gói vốn hỗ trợ lãi suất trung - dài hạn cũng được kéo dài đến cuối năm 2010 sẽ tạo điều kiện tốt cho các DN vay vốn bằng tiền đồng, với lãi suất được Chính phủ hỗ trợ. Vì vậy, nhu cầu vay tiền đồng sẽ tăng trở lại.

Theo đánh giá của một cán bộ ngành ngân hàng, dư nợ cho vay vốn bằng ngoại tệ tăng lên trong mấy tháng gần đây, nhưng xu hướng trong thời gian tới cũng chưa hẳn duy trì mức tăng cao. Bởi lo ngại rủi ro biến động tỷ giá vẫn là vấn đề được các DN quan tâm. Lãi suất huy động ngoại tệ hiện cũng bắt đầu tăng lên với mức điều chỉnh tăng phổ biến ở các ngân hàng từ 0,2  - 0,4%/năm. Song song với đó, lai suất cho vay cũng được điều chỉnh tăng. Hiện lãi suất cho vay USD của nhóm NHTM nhà nước phổ biến ở mức 3,5 - 5%/năm; nhóm NHTM cổ phần ở mức 4,5 - 6%/năm đối với ngắn hạn và 6 -7,5%/năm đối với trung - dài hạn. Trong khi đó, lãi suất cho vay VND đối với DN phổ biến ở mức từ 10 -10,5%/năm, nhưng nếu trừ mức hỗ trợ 2%/năm thì chỉ còn lại 8,2%/năm, đó là chưa kể hiện nay các ngân hàng đều cho vay dưới trần 10,5%/năm (chưa trừ mức hỗ trợ lãi suất), nên vay tiền đồng vẫn có lợi.

Vị cán bộ trên lý giải, nguyên nhân kéo DN vay ngoại tệ trở lại là do các nhà nhập khẩu khó mua được ngoại tệ để thanh toán nên mới chọn vay USD để trả nợ. Mặt khác, trong thời gian gần đây vay tiền đồng khó hơn so với 3 quý đầu năm, nên DN phải vay tạm ngoại tệ sử dụng trong ngắn hạn. Song khi chủ trương kích cầu được kéo dài thời gian và tỷ giá trên thị trường biến động, DN sẽ chọn vay tiền đồng. “Tâm lý lo ngại rủi ro tỷ giá vẫn tồn tại trong các DN, nên dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ tăng hay giảm trong thời gian tới là điều khó có thể dự báo”, vị này nhận định.

Vinh Nguyễn
Vinh Nguyễn

Tin cùng chuyên mục