Sáng 7/9, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về một số dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 đã khai mạc.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, ngoài các vị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (gần 200 đại biểu - PV) còn có 18 vị đại biểu kiêm nhiệm đăng ký tham dự hội nghị này. Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ cũng tham dự phiên khai mạc.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, kỳ họp thứ 4 sắp tới của Quốc hội có nhiều nhiệm vụ lập pháp quan trọng. Các dự án, dự thảo dự kiến trình Quốc hội thông qua đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo tổ chức thảo luận, lấy ý kiến qua nhiều vòng, tại nhiều hội nghị, hội thảo tham vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến kỹ lưỡng về những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật đầu tiên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (từ ngày 15-18/8/2022).
Hội nghị này được tổ chức nhằm có thêm các ý kiến đa dạng, nhiều chiều, giúp cơ quan hữu quan nhận diện thêm các vấn đề mới phát sinh, nắm bắt bao quát toàn diện, giải trình thấu đáo hơn, bảo đảm chất lượng cao nhất của các dự án, dự thảo trình Quốc hội. Qua đó, góp phần vào việc xem xét, thông qua của Quốc hội đạt tỷ lệ tán thành cao, đồng thời, rút ngắn thời gian kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở, nhấn mạnh một số nội dung cơ bản xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.
Về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nói, việc tiếp tục đổi mới, cải tiến quy trình, cách thức tiến hành kỳ họp - hình thức hoạt động chủ yếu, quan trọng nhất của Quốc hội - là nhân tố quan trọng đóng góp vào quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) được xây dựng nhằm quy tắc hóa những cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp đã được thực tiễn kiểm nghiệm; bảo đảm tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, tính chuyên nghiệp, chủ động trong hoạt động của Quốc hội, ông Vương Đình Huệ cho biết.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc này cũng nhằm phân định rõ thẩm quyền, đề cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia kỳ họp Quốc hội, tạo thuận lợi cho đại biểu thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tại kỳ họp.
Với mục tiêu đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu, nhất là những đại biểu có kinh nghiệm hoạt động lâu năm tại Quốc hội, tập trung cho ý kiến về quyền tranh luận của đại biểu Quốc hội; nguyên tắc, tiêu chí tranh luận trong hoạt động chất vấn; về tiêu chí, điều kiện để Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp được linh hoạt điều chỉnh, rút ngắn thời gian phát biểu của đại biểu, mời đại biểu phát biểu, chất vấn, tranh luận không theo thứ tự đã đăng ký.
Vấn đề nữa theo Chủ tịch Quốc hội cũng cần được thảo luận là thẩm quyền tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết về các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; nội dung, quy trình, thủ tục xây dựng Nghị quyết kỳ họp của Quốc hội…
Bên cạnh Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), trong hai ngày 7 - 8/9/2022 các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách còn cho ý kiến 6 dự án luật khác. Gồm Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).