Trên thực tế, hoạt động ngân hàng phải đối mặt với các loại rủi ro chính là rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Trong đó, rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường là những yếu tố tác động mạnh, gây nên bất ổn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Ông Vũ Mạnh Tiến, Phó tổng giám đốc, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB)
Hiện nay, các TCTD thường áp dụng mô hình 3 tuyến phòng ngự quản trị rủi ro. Đầu tiên là tại các khối kinh doanh, chi nhánh, các đơn vị vận hành tại hội sở, nhân viên kinh doanh, chuyên viên khách hàng… Tiếp đến, khối quản trị rủi ro là tuyến thứ hai và kiểm toán nội bộ là tuyến phòng thủ cuối thuộc Ban kiểm soát.
Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng Việt Nam đang phát triển nhanh và tiến hành tái cơ cấu, việc chuyển đổi từ thanh tra tuân thủ sang thanh tra trên cơ sở rủi ro là điều cần thiết đối với hệ thống ngân hàng, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm mục tiêu an toàn hệ thống các TCTD. Ngoài ra, thanh tra trên cơ sở rủi ro góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hệ thống ngân hàng Việt Nam, đảm bảo hoạt động thanh tra, giám sát theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các TCTD.
Thời gian qua, phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro đã bước đầu được áp dụng tại một số ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và ngân hàng trong nước như Vietcombank. Đây là phương pháp thanh tra tiên tiến, giúp phát hiện, ngăn ngừa sớm nguy cơ có thể gây ra rủi ro cho hoạt động ngân hàng.
Cụ thể, thanh tra trên cơ sở rủi ro đánh giá tốt hơn về rủi ro thông qua việc tách bạch mức độ rủi ro và hệ thống quản trị rủi ro; tập trung tốt hơn vào việc phát hiện sớm rủi ro mới xuất hiện tại từng TCTD. Bởi thanh tra trên cơ sở rủi ro là việc đánh giá TCTD toàn diện trên các mặt: mức độ và xu hướng của rủi ro; hiệu quả của quy trình quản lý rủi ro và khả năng tài chính của TCTD để chống đỡ với các rủi ro có thể xảy ra. Trong khi đó, thanh tra tuân thủ bộc lộ hạn chế không đánh giá được đầy đủ mức độ rủi ro.
Trong số các ngân hàng, NCB nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống quản trị rủi ro, cũng như mối liên hệ giữa quản trị rủi ro và lợi nhuận, tăng cường quản trị rủi ro giúp ngân hàng hoạt động hiệu quả, phát triển bền vững. Do đó, song song với việc chú trọng phát triển kinh doanh, tăng tổng tài sản, NCB cũng đẩy mạnh công tác quản trị rủi ro. Từ đầu năm 2013, NCB đã bắt đầu tiến hành tái cấu trúc hệ thống với định hướng phấn đấu trở thành một trong các ngân hàng thương mại bán lẻ hiệu quả nhất.
Mô hình quản trị rủi ro mới của NCB bao gồm các mảng: trung tâm quản lý rủi ro; trung tâm thẩm định tín dụng; bộ phận pháp chế tuân thủ nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ độc lập khách quan theo chuyên môn phân công và tư vấn tham mưu, giúp việc cho Ban điều hành khi ra quyết định.
Nhận thấy những lợi ích của thanh tra trên cơ sở rủi ro, thời gian qua, NCB cũng đã nghiên cứu phương pháp này để tiến tới có thể từng bước áp dụng vào ngân hàng mình một cách hợp lý. Tuy nhiên, để áp dụng đồng bộ thanh tra trên cơ sở rủi ro tại hệ thống các TCTD cần xây dựng các giải pháp, lộ trình cụ thể.
Theo đó, để triển khai thực hiện thanh tra trên cơ sở rủi ro cần đáp ứng được một số điều kiện, trong đó quan trọng là xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng nguồn nhân lực thực hiện thanh tra theo phương pháp mới; xây dựng khung quản trị tại các TCTD bảo đảm quản trị tốt rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản và rủi ro hoạt động.
Bên cạnh đó, quản trị rủi ro bị coi là rào cản cho các ngân hàng chớp được những cơ hội kinh doanh, nên không phải TCTD nào cũng tuân thủ một cách chặt chẽ. Vì vậy, để đảm bảo việc áp dụng thống nhất cần xây dựng các biện pháp quản lý hiệu quả, có như vậy mới có thể triển khai thanh tra trên cơ sở rủi ro trên toàn hệ thống.