Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh đã nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn Đối thoại chính sách với chủ đề “Khuyến khích đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực chuyển đổi xanh” trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh P4G 2025, vừa diễn ra hôm nay 16/4.
Sự kiện có sự tham dự của hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Chuyển đổi xanh - yêu cầu tất yếu
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh nhấn mạnh: Chuyển đổi xanh không còn là một lựa chọn mà là yêu cầu tất yếu.
Theo Thứ trưởng, để hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2050, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo, huy động các nguồn lực đầu tư, và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển bền vững".
Thế giới đang đối mặt với những thách thức toàn cầu chưa từng có về biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy mô hình kinh doanh bền vững, đổi mới sáng tạo xanh và chuyển đổi hệ thống kinh tế theo hướng ít phát thải, tuần hoàn đã trở thành yêu cầu cấp thiết.
Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã sớm xác định tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển cốt lõi, thể hiện qua hàng loạt chủ trương, chính sách cụ thể như: Quyết định số 1393 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Quyết định số 1658 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 167 phê duyệt "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 -2025", cung cấp các cơ chế tài chính và chính sách ưu đãi để khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này; Quyết định số 687 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia “Net Zero” KC.16/24-30 do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng và triển khai, nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ xanh, góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã tuyên bố tại COP26.
“Những định hướng chiến lược đó đã và đang tạo nền tảng thuận lợi để thúc đẩy một làn sóng khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn và giải pháp giảm phát thải”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng cho biết, bức tranh của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; trong đó có 2 kỳ lân, 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD, hơn 1.400 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, 202 khu làm việc chung; 208 quỹ đầu tư; 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh.
“Trong số này, ước tính có khoảng 200-300 doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực chuyển đổi xanh, bao gồm các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường, nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn. Con số này tương đương với khoảng 5-7% tổng số startup hiện nay”, Thứ trưởng cho biết.
|
Phiên thảo luận: Hợp tác thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo chuyển đổi xanh và phát triển bền vững |
Tăng cường hợp tác công - tư
Nhấn mạnh diễn đàn là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và nhà đầu tư cùng nhau thảo luận, xác định thách thức, tìm ra giải pháp và đề xuất các sáng kiến đột phá nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo xanh.
“Chúng ta không chỉ bàn về những ý tưởng, mà cần hướng đến hành động cụ thể, tạo ra sự thay đổi thực chất, thúc đẩy đầu tư và phát triển mô hình kinh doanh bền vững một cách hiệu quả”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng cho rằng, chúng ta đang đứng trước một cơ hội lớn để cùng nhau định hình tương lai xanh và bền vững cho Việt Nam và thế giới.
Đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo và hợp tác là chìa khóa để giải quyết các vấn đề môi trường, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế tuần hoàn.
“Tôi xin kêu gọi sự tham gia chủ động và hợp tác chặt chẽ từ các bên liên quan - từ khu vực công, tư nhân đến các tổ chức quốc tế - cùng chung tay hiện thực hóa khát vọng về một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam xanh, hiệu quả và bền vững”, Thứ trưởng kêu gọi.
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã được lắng nghe nhiều tham luận như: Cơ hội và thách thức đối với khởi nghiệp sáng tạo trong chuyển đổi xanh; Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp xanh tại Việt Nam; Kinh nghiệm quốc tế trong thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo xanh…
Bên cạnh đó, phiên thảo luận với sự tham gia của lãnh đạo và đại diện lãnh đạo từ P4G, State of Green, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, startup vật liệu sinh học Buyo Bioplastics và quỹ đầu tư Touchstone đã mang lại những trao đổi sôi nổi về tiềm năng hợp tác đa phương, cơ chế tài chính xanh và cách cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế - môi trường - xã hội trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Phát biểu kết luận diễn đàn, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, đây là sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh P4G 2025, nhằm thúc đẩy hợp tác và tìm kiếm giải pháp cho quá trình chuyển đổi xanh, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đồng hành cùng cộng đồng quốc tế trên hành trình hướng tới một tương lai phát triển hài hòa giữa kinh tế và môi trường - nơi tăng trưởng xanh không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực để phát triển bền vững.
“Chúng tôi cam kết tiếp tục là cầu nối giữa các chủ thể trong hệ sinh thái, đồng hành cùng các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, và đối tác quốc tế để hiện thực hóa các sáng kiến phát triển bền vững thông qua đổi mới sáng tạo xanh”, ông Quất nói.
Diễn đàn đã góp phần định hình các ưu tiên chính sách, thúc đẩy hợp tác công - tư, và tạo động lực mới cho các sáng kiến khởi nghiệp xanh tại Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi toàn diện hướng tới phát thải ròng bằng 0.