Tăng công ty kiểm toán không đồng nghĩa với hạ “chuẩn”

(ĐTCK) Mùa ĐHCĐ đi cùng với việc công bố báo cáo tài chính (BCTC) đã kiểm toán. Câu hỏi được nhiều NĐT đặt ra là chất lượng của BCTC hiện nay ra sao, mức độ tuân thủ chuẩn mực kế toán của DN đến đâu, việc hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán của DN Việt Nam như thế nào? Báo ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Thái Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính về vấn đề này.
Ông Đặng Thái Hùng.

Ông nhận xét thế nào về chất lượng BCTC của các DN hiện nay?

Dưới góc độ của cơ quan hoạch định chính sách về chế độ BCTC, có thể đề cập hai khía cạnh. Một là hệ thống BCTC về cơ bản đã được xây dựng trên hệ thống chuẩn mực kế toán của Việt Nam và hệ thống này được xây dựng trên cơ sở chuẩn mực quốc tế. Trong giai đoạn hiện nay, về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu quản lý của nền kinh tế thị trường đang chuyển đổi. Tới đây, cùng với việc hoàn thiện hệ thống chuẩn mực theo chuẩn mực BCTC quốc tế, thì các mẫu BCTC cũng sẽ được hoàn thiện thêm một bước, đặc biệt chuyển từ nguyên tắc giá gốc theo nguyên tắc giá thị trường.

Thứ hai là việc lập BCTC đã được cải thiện hơn nhiều so với trước đây, nhất là đối với các DN niêm yết, vì đã đến lúc họ không thể nào cố tình làm sai lệch số liệu được nữa. Bên cạnh việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, DN cũng đã hiểu hơn, thay đổi nhận thức về kiểm toán độc lập. Bản thân nhiều DN đã chủ động tìm đến nhờ kiểm toán rà soát, xem xét, kiểm tra giúp. Ý thức của họ đã khác, nhận thức đã tốt hơn.

Nhìn chung, BCTC sau khi được kiểm toán đã phản ánh khá trung thực tình hình tài chính của DN. Tuy nhiên, có một thực tế là việc lập BCTC và thực hiện kiểm toán vẫn còn chậm so với quy định.

Ông bình luận gì về việc đây đó vẫn có những vụ việc vi phạm liên quan đến kiểm toán như vụ Bông Bạch Tuyết gần đây? Đó có phải là do chế tài không nghiêm khắc?

Vụ Bông Bạch Tuyết diễn ra từ năm 2005, 2006, 2007 đến nay mới phát hiện được. Bản thân các công ty kiểm toán (CTKT) cũng đã có sự tuân thủ các chuẩn mực kế toán, sự lưu ý, nhưng mức độ thận trọng chưa đủ. Nếu lúc đó các quy định đầy đủ hơn, chặt chẽ hơn, sự đôn đốc nhắc nhở thường xuyên hơn, thì CTKT và kiểm toán viên (KTV) sẽ lưu ý hơn. Rõ ràng, xảy ra vụ việc này là điều đáng tiếc, nhưng cái được đó là lời nhắc nhở, cảnh tỉnh rất có giá trị, vì không có lời nhắc nhở nào bằng thực tế.

Việc nới rộng điều kiện cho các CTKT được chấp thuận kiểm toán DN niêm yết có ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng BCTC được kiểm toán, thưa ông?

Trước việc số lượng CTKT được chấp thuận hạn chế, trong khi nhu cầu kiểm toán tăng nhanh, thì có 2 cách xử lý vấn đề này. Thứ nhất là giữ nguyên số lượng CTKT được chấp thuận như trước đây và "buộc" các DN này phải "gồng mình" để thực hiện kiểm toán các DN niêm yết đang tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, chưa chắc việc CTKT gồng lên đã đáp ứng được yêu cầu, điều đó dẫn đến chất lượng BCTC bị ảnh hưởng, tiến độ, thời gian hoàn thành cũng bị ảnh hưởng.

Cách thứ hai như đã làm hiện nay là hạ số lượng KTV tại mỗi CTKT để tăng số DN kiểm toán được chấp thuận kiểm toán DN niêm yết. Nói là giảm chuẩn cũng không hẳn, vì chuẩn ở đây là trình độ, kinh nghiệm và chất lượng KTV, chứ không phải là số lượng. Một DN có 10 KTV không hẳn là trình độ cao hơn 7 KTV nếu trình độ, kinh nghiệm, kiến thức của KTV tại DN đó thấp hơn.

Đây không phải là giảm tiêu chuẩn, mà là mở rộng thêm diện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Quan trọng là phải có sự kiểm soát, đôn đốc đối với các CTKT được đưa vào diện được chấp thuận.

Đang có hiện tượng chạy đua, hạ phí kiểm toán để cạnh tranh. Liệu Bộ Tài chính có tính đến việc sẽ khống chế mức trần hoặc sàn đối với mỗi hợp đồng kiểm toán để hạn chế tình trạng này?

Trong quá trình hình thành và phát triển kiểm toán độc lập, vấn đề này cũng đã phát sinh. Đây là vấn đề rất khó và theo thông lệ các nước cũng không quy định phí kiểm toán. Tôi nghĩ, dần dần sẽ có sự điều chỉnh khi cả phía CTKT và DN được kiểm toán thấy rằng mức phí thế nào là hợp lý và người ta không thể chấp nhận mức phí quá bất hợp lý.

Nền kinh tế Việt Nam đang dần hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới. Ông có thể cho biết khả năng áp dụng chuẩn mực BCTC quốc tế tại Việt Nam?

Chuẩn mực BCTC quốc tế là gọi theo tên mới. Hệ thống này đã có từ trước với tên gọi là Hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế, bao gồm những quy định về nguyên tắc, phương pháp điều chỉnh việc ghi sổ kế toán để lập BCTC.

Hệ thống chuẩn mực của Việt Nam gồm 26 chuẩn mực, được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế (chiếm 85%). Chỉ còn hai loại chuẩn mực: một là liên quan đến kinh tế thị trường phát triển (ví dụ như các công cụ tài chính) và hai là một số ngành đặc thù như nông nghiệp, khai khoáng.

Tuy nhiên, theo lộ trình hội nhập, Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật, sửa đổi, ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán mới phù hợp thông lệ quốc tế. Việc cập nhật được thực hiện trên quan điểm phù hợp với thực tiễn hoạt động kinh doanh và nhu cầu thông tin cho việc ra quyết định kinh tế, giám sát tài chính của chủ đầu tư, chủ sở hữu DN.

Thanh Đoàn thực hiện.
Thanh Đoàn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục