Tăng cơ hội cho doanh nghiệp dân doanh đầu tư vào ngành đường sắt

Cánh cửa tham gia đầu tư sâu hơn vào lĩnh vực đường sắt đang được Bộ Giao thông - Vận tải mở toang cho các doanh nghiệp dân doanh.
Ngành đường sắt đang thí điểm cho thuê bãi hàng tại các ga Yên Viên, Đồng Đăng, Sóng Thần Ngành đường sắt đang thí điểm cho thuê bãi hàng tại các ga Yên Viên, Đồng Đăng, Sóng Thần

Đắt hàng ga hàng hóa

Cho đến thời điểm này, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã nhận được ít nhất đơn xin thuê kết cấu hạ tầng đường sắt để đầu tư Dự án kho, bãi hàng tại Ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) của Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch quốc tế Thiên trường và Công Ty TNHH Express Trains ATH.

“Đây đều là các nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm về logistics và xuất nhập khẩu biên mậu, trong đó đáng chú ý là đề xuất của ATH xin cải tạo ga hàng hóa Đồng Đăng thành ga hàng hóa quốc tế”, một lãnh đạo thuộc Ban quản lý Dự án đối tác công tư (Bộ GTVT) cho biết.

Được biết, việc lựa chọn doanh nghiệp nào trở thành nhà đầu tư Dự án thuộc thẩm quyền của chủ nhà ga Đồng Đăng, tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội - Lạng Sơn là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Tuy nhiên, sự sốt sắng của nhà đầu tư đối với dự án này là tín hiệu cho thấy, ách tắc hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt - vấn đề từng nhận được nhiều phàn nàn tại Diễn dàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã có thêm những lối thoát mới.

Trước đó, theo lời mời được đăng tải công khai, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết muốn cho thuê có điều kiện khu vực bãi hàng và khu chỉnh bị đầu máy hiện tại của Ga Đồng Đăng km 162+446 thuộc tuyến đường Hà Nội - Lạng Sơn, thuộc 2 xã Phú Xá và Hồng Phong, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

Cụ thể, trên cơ sở quỹ đất hiện có là 7.500 m2, nhà đầu tư sẽ đầu tư toàn bộ các hạng mục: đường sắt, đường bộ, bãi hàng, nhà kho, trang thiết bị phục vụ xếp dỡ… từ nguồn vốn bên thuê để cùng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kinh doanh.

“Bên thuê cũng được phép xây dựng hệ thống nhà điều hành, nhà hải quan, nhà lưu trú cùng các công trình kiến trúc, điện nước đồng bộ phục vụ tốt nhất việc khai thác vận tải tại bãi hàng Ga Đồng Đăng”, ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam mời gọi.

Lãnh đạo Tổng công ty cam kết sẽ tạo điều kiện cho chủ hàng xuất nhập khẩu được làm thủ tục một cửa tại Ga Đồng Đăng, rút ngắn các thủ tục pháp lý và thời gian thông quan của các loại hàng hóa; hàng hóa trực tiếp xếp dỡ tại ga không phải phát sinh chi phí vận chuyển trong thời gian chờ làm các thủ tục xuất nhập khẩu; tiết kiệm được thời gian xếp dỡ hàng hóa do sử dụng các thiết bị xếp dỡ chuyên dụng…

Được biết, điều kiện để các nhà đầu tư tham gia xã hội hóa Dự án là doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam; có đăng ký kinh doanh phù hợp với ngành nghề kinh doanh; có trang thiết bị, cơ sở vật chất phù hợp với ngành nghề kinh doanh; có tham gia vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt.

Nhiều dự án... đợi khách

Trước đó, đầu tháng 11/2015, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Công ty cổ phần Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần (ITL) tiến hành khởi công công trình bãi hàng Ga Yên Viên theo hình thức xã hội hóa. Đây là công trình Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thí điểm cho ITL thuê có điều kiện kết cấu hạ tầng đường sắt bãi hàng Nam Ga Yên Viên để nhà đầu tư xây dựng Trung tâm Logistics đường sắt.

ITL được quyền sử dụng và khai thác Trung tâm Logistics đường sắt Ga Yên Viên với thời hạn 23 năm, sau đó chuyển giao toàn bộ cho đường sắt. Trong thời hạn khai thác, ITL được quyền thu phí nâng, hạ container và các dịch vụ giá trị gia tăng, nhằm thu hồi vốn đầu tư và có lợi nhuận.

Ông Vũ Tá Tùng cho biết, việc thí điểm cho thuê bãi hàng các ga Yên Viên, Đồng Đăng, Sóng Thần là bước khởi đầu để ngành đường sắt tiến hành mời gọi các doanh nghiệp có có đủ năng lực và tiềm lực tài chính tham gia đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống kho, bãi hàng tại các ga đường sắt và sử dụng, khai thác hiệu quả, đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp.

Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, Bộ GTVT cũng đang hoàn thiện Đề án Cho thuê kết cấu hạ tầng tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Đây là lần đầu tiên một tuyến đường sắt độc lập nằm trong hệ thống đường sắt quốc gia được đem cho thuê với mục tiêu tạo được bước đột phá về hiệu quả khai thác.

“Việc huy động nguồn lực tài chính của các nhà đầu tư để đầu tư nâng cấp hạ tầng và đoàn tàu phục vụ khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển của tuyến đường tại thành phố du lịch Đà Lạt là rất cần thiết”, ông Khương Thế Duy, Phó cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết.

Ngoài tuyến đường sắt nói trên, một số kết cấu hạ tầng đường sắt khác cũng có thể được Bộ GTVT cho phép thí điểm nhượng quyền quản lý, kinh doanh khai thác như: tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Kép - Hạ Long - Cái Lân; Đông Anh - Quán Triều…

“Tùy vào mức độ nhượng quyền, nhà đầu tư có thể được quyền kinh doanh, khai thác kết cấu hạ tầng tuyến đường sắt trong một thời gian nhất định và chịu trách nhiệm bảo trì, bảo đảm an toàn chạy tàu, an sinh xã hội trên tuyến”, lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam cho biết.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục