Lý do được đưa ra có vẻ như rất thuyết phục và đầy trách nhiệm là các dự án trên cũng được chính các DN nhìn nhận là kém hiệu quả và cần phải cắt giảm. Và động thái này đã được ghi nhận là tích cực tham gia vào nỗ lực chung của Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, phân tích một cách sâu xa, thì các dự án mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã tuyên bố cắt giảm hoặc đình hoãn này đều thuộc quyền quyết định đầu tư của HĐQT các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đó. Như vậy, một câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của các vị lãnh đạo DN đến đâu khi số lượng dự án bị coi là không hiệu quả và bị cắt giảm lớn đến vậy. Thậm chí, một số tập đoàn, tổng công ty như Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ, Tổng công ty Hàng hải, Tổng công ty Bến Thành có giá trị cắt giảm tới trên 50% tổng vốn đầu tư của tập đoàn, tổng công ty đó. Giả thiết rằng, nếu như không có sự kiên quyết thực hiện biện pháp cắt giảm đầu tư công như vừa qua từ Chính phủ, các dự án này rất có thể sẽ vẫn tiếp tục có trong danh mục đầu tư và không hiểu yếu tố hiệu quả sẽ được nhìn nhận thế nào!?
Về nguyên tắc, HĐQT của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ phải chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu nhà nước về các quyết định đầu tư thuộc thẩm quyền của mình. Rõ ràng, trong trường hợp này, khi hàng loạt dự án bị cắt giảm với nhiều lý do khác nhau, trong đó có những dự án bị cắt giảm với lý do không hiệu quả, chủ sở hữu nhà nước không thể không tính tới việc quy xét trách nhiệm. Cho dù các dự án này đã bị cắt giảm, song điều này không có nghĩa là mọi việc lại trở nên bình thường. Không quá khó khăn khi tính ra được những khoản chi phí mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã chi ra cho việc chuẩn bị, triển khai các dự án này trước đó. Và đương nhiên, nguồn vốn nhà nước trong các doanh nghiệp này chắc chắn đã bị ảnh hưởng.
Vấn đề không đơn giản chỉ là quy xét trách nhiệm, mà chính là cơ hội để làm rõ hơn quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của HĐQT các công ty nhà nước với chủ sở hữu nhà nước. Trước đây, vào thời điểm năm 2003 khi xây dựng Luật Doanh nghiệp nhà nước, phần lớn DN nhà nước khi góp ý đều có đề nghị mở rộng quyền tự chủ cho các DN để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng với các DN khác trong nền kinh tế thị trường. Khi đó, quy định HĐQT cũng được quyết định các dự án đầu tư, góp vốn, mua cổ phần của DN khác, bán tài sản có trị giá đến 50% tổng giá trị tài sản của tổng công ty hoặc tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty... được coi có ý nghĩa cởi trói cho các công ty nhà nước.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nguồn vốn nhà nước ngày càng cần phải được kiểm soát chặt chẽ và đúng hướng. Không những thế, trong bối cảnh Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, những chuyển động của luồng vốn nhà nước buộc phải được tính toán cẩn trọng và không vi phạm các cam kết Việt Nam đã tham gia. Đây là một phần trong số những lý do của đề nghị cần phải quy định chặt chẽ hơn quyền, nghĩa vụ của HĐQT tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo hướng giảm thẩm quyết quyết định phê duyệt dự án đầu tư cũng như quy định cụ thể về lĩnh vực đầu tư được phép. Hơn thế, chế tài có lẽ cũng cần phải được xem xét và đưa ra một cách minh bạch và công khai để đảm bảo trách nhiệm của HĐQT các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước được giám sát và tuân thủ một cách nghiêm túc.
Rất có thể gánh nặng của HĐQT các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước sẽ lớn hơn hiện nay rất nhiều, song hiệu quả chung nhận được chắc sẽ tương đồng với quy mô và tầm ảnh hưởng mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang có.