Theo phóng viên TTXVN tại Paris, trong phát biểu đầu tiên trước báo giới sau khi được bổ nhiệm làm Thủ tướng Pháp, ông Francois Bayrou đã khẳng định trách nhiệm đoàn kết đất nước của chính phủ mới.
Sau các cuộc tham vấn đầy căng thẳng với các nhóm chính trị trong Quốc hội, ngày 13/12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã quyết định chọn ông Francois Bayrou làm người đứng đầu chính phủ mới, thay thế ông Michel Barnier buộc phải từ chức sau một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội Pháp.
Ông François Bayrou, lãnh đạo đảng Phong trào Dân chủ (MoDem), là một chính trị gia trung dung và là đồng minh lâu năm của Tổng thống Macron.
Ông Bayrou kế nhiệm các tên tuổi như Elisabeth Borne, Gabriel Attal và Michel Barnier, trở thành Thủ tướng thứ tư trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Macron. Trước đó, ông đã được nhắc đến như một ứng cử viên tiềm năng cho vị trí này kể từ khi chính phủ sụp đổ vào ngày 4/12 vừa qua.
Ngay sau khi được bổ nhiệm, ông Bayrou đã phát biểu trước báo giới, nhấn mạnh rằng ông hiểu rõ những khó khăn và thách thức đang chờ đợi trong nhiệm kỳ của mình.
Ông nêu rõ: "Tất cả mọi người đều nhận thức được sự khó khăn của nhiệm vụ này. Chúng ta cần tìm ra một con đường để đoàn kết thay vì chia rẽ." Ông đồng thời khẳng định rằng hòa giải là điều cần thiết.
Tân Thủ tướng Francois Bayrou cho biết ông nhận thức sâu sắc về quy mô của các vấn đề tài chính và chính trị ở nước Pháp, so sánh mức thâm hụt ngân sách hiện nay với nhiệm vụ “vượt dãy Himalaya.”
Tân Thủ tướng Bayrou chia sẻ: “Không ai biết rõ hơn tôi về mức độ khó khăn của tình hình.”
Ông Francois Bayrou được bổ nhiệm làm Thủ tướng Pháp. (Ảnh: Reuters/TTXVN) |
Đề cập đến mức thâm hụt ngân sách 6,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hiện nay của Pháp, ông nhấn mạnh: “Tôi hoàn toàn nhận thức được dãy Himalaya đang rình rập phía trước chúng ta,” vì vậy, nhiệm vụ kiềm chế tình trạng thâm hụt và giảm “núi nợ” không chỉ là ưu tiên chính trị mà còn là “nghĩa vụ đạo đức.”
Những nỗ lực nhằm kiềm chế tình trạng thâm hụt ngân sách là nguyên nhân gây ra tình trạng bất ổn chính trị ở Pháp. Cuộc khủng hoảng đã làm dấy lên nghi ngờ về khả năng liệu ông Emmanuel Macron có hoàn thành nhiệm kỳ tổng thống thứ hai cho đến năm 2027 hay không, đồng thời khiến chi phí vay mượn của nước Pháp tăng cao và để lại khoảng trống quyền lực ở trung tâm châu Âu.
Do đó, ưu tiên trước mắt của tân Thủ tướng Bayrou sẽ là thông qua đạo luật đặc biệt để điều chỉnh ngân sách năm 2024, trong khi một cuộc chiến khốc liệt hơn liên quan đến dự toán ngân sách 2025 sẽ diễn ra vào đầu năm tới.
Một trong những nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của Thủ tướng Bayrou là phải thương lượng với các nhóm chính trị trong Quốc hội để đạt được một "thỏa thuận không kiến nghị bất tín nhiệm" đối với chính phủ mới.
Bên cạnh đó, ông còn phải tiếp tục thảo luận và hoàn thiện dự thảo ngân sách năm 2025, một vấn đề nhạy cảm cần được Quốc hội thông qua. Ngoài ra, các vấn đề nóng khác như cải cách hưu trí và chính sách nhập cư cũng sẽ là những thách thức lớn đối với tân Thủ tướng.
Một câu hỏi lớn hiện nay là liệu ông Bayrou có thể đạt được thỏa thuận với các đảng đối lập, là từ cánh hữu đến cánh tả, để duy trì sự ổn định của chính phủ và tránh nguy cơ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm hay không.
Việc bổ nhiệm một nhân vật từ phe tổng thống vào chức vụ thủ tướng đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các đảng cực tả và cực hữu.
Đảng cực tả Nước Pháp bất khuất (LFI) tuyên bố sẽ nhanh chóng đưa ra kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ mới, trong khi đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) cũng cảnh báo sẽ đưa ra lựa chọn nếu chính phủ vượt qua các "lằn ranh đỏ" mà họ đã vạch ra.
Ngoài các đảng đối lập, Thủ tướng Bayrou cũng phải đối mặt với sự phản đối từ đảng Xã hội (PS), một thành viên trong liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP), cùng với LFI.
Mặc dù đảng Xã hội không phản đối ông Bayrou, nhưng họ yêu cầu ông phải áp dụng một phương pháp đổi mới thực sự, tôn trọng cuộc tranh luận trong Quốc hội và từ bỏ việc sử dụng Điều khoản 49.3 của Hiến pháp để thông qua các dự luật. Đảng Xanh và Đảng Cộng sản Pháp (PCF), cũng là thành viên của liên minh NFP, đồng tình với yêu cầu này.
Thách thức lớn đối với Thủ tướng Bayrou là xây dựng một đa số ổn định trong Quốc hội để đảm bảo chính phủ không bị bãi nhiệm và các dự luật được thông qua.
Trong số 577 ghế tại Quốc hội, các đảng trong phe tổng thống chỉ chiếm 163 ghế, khiến ông cần sự đồng thuận từ các đảng cánh tả như PS, Đảng Xanh và PCF.
Đảng Những người cộng hòa (LR) theo đường lối bảo thủ tuyên bố sẽ đưa ra quyết định về việc liệu có tham gia chính phủ mới của tân Thủ tướng Bayrou hay không, sau khi ông trình bày cương lĩnh chính trị của mình.
Lãnh đạo đảng LR Laurent Waquiez - người đứng đầu nhóm lập pháp bảo thủ tại Quốc hội Pháp - bày tỏ: “Quyết định tập thể của chúng tôi về khả năng tham gia sẽ phụ thuộc vào cương lĩnh của ông ấy.”
Giống như người tiền nhiệm Michel Barnier, ông François Bayrou sẽ đối mặt với một nhiệm kỳ đầy thử thách. Nhiều người dự đoán chính phủ của ông sẽ khó lòng ra mắt trước tháng 1/2025./.
(TTXVN/Vietnam+)