Tân Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ chấm dứt chính sách Abenomics?

0:00 / 0:00
0:00
Đối với Thủ tướng Kishida Fumio, Thống đốc Ngân hàng Trung ương tiếp theo của Nhật Bản phải có nhiệm vụ đánh dấu một bước chuyển mình khỏi chính sách kinh tế Abenomics kéo dài hơn một thập kỷ của cố Thủ tướng Shinzo Abe.

Theo hãng tin Reuters, nhiệm vụ khó khăn của người đứng đầu là kéo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ra khỏi mức lãi suất cực thấp trong nhiều năm qua. Thống đốc BOJ mới sẽ phải đủ khả năng phân tích thị trường và trình bày rõ ràng các hoạch định chính sách trong nước và quốc tế.

Ngày 14/2, chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida đã chính thức đề cử nhà kinh tế học Kazuo Ueda làm Thống đốc mới của BOJ, dự kiến ​​thay thế ông Haruhiko Kuroda, người đã lãnh đạo ngân hàng này trong một thập kỷ.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio phát biểu trong cuộc họp báo ở Tokyo ngày 28/2/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio phát biểu trong cuộc họp báo ở Tokyo ngày 28/2/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Kazuo Ueda (71 tuổi) đang là giáo sư đại học đồng thời là một chuyên gia chính sách tiền tệ. Ông được đánh giá là một sự lựa chọn hoàn hảo cho vị trí này cũng như mang đến một tia hy vọng thay đổi chính sách tiền tệ của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Tuy nhiên, một người lãnh đạo BOJ chuyên về học thuật là điều chưa từng xảy ra ở Nhật Bản. Theo truyền thống, vị trí này thường được bổ nhiệm luân phiên giữa một quan chức ngân hàng trung ương và một quan chức của Bộ Tài chính (MOF).

Trong bối cảnh Phó Thống đốc đương nhiệm Masayoshi Amamiya thất bại trong nỗ lực được coi là ứng viên hàng đầu cho vị trí lãnh đạo, ý tưởng đề cử ông Ueda đã thu hút được sự chú ý trong chính quyền của Thủ tướng Kishida.

Từ giữa năm 2022, Thủ tướng Kishida cùng các cố vấn đã lập một danh sách các ứng viên bao gồm người thuộc BOJ, MOF, lĩnh vực tư nhân và học giả.

Các học giả khác trong danh sách lựa chọn bao gồm Giáo sư Takatoshi Ito của Đại học Columbia, học giả Tsutomu Watanabe của Đại học Tokyo - nổi tiếng với nghiên cứu về giảm phát của Nhật Bản.

Về phần mình, BOJ vẫn muốn người đứng đầu là một quan chức ngân hàng trung ương kỳ cựu kinh nghiệm. Các lựa chọn ưu tiên của BOJ là Phó Thống đốc đương nhiệm Amamiya, cũng như các cựu Phó Thống đốc Hiroshi Nakaso và Hirohide Yamaguchi với kiến ​​thức sâu rộng về chính sách tiền tệ.

Theo các nguồn tin thân cận, Phó Thống đốc Amamiya đã nhiều lần từ chối đảm nhận vị trí cao hơn vì một khi điều đó xảy ra, ông sẽ phải đưa ra những quyết định đi ngược với những gì ông đã làm trong suốt 10 năm qua.

Thực tế, chính quyền của Thủ tướng Kishida muốn một người có thể chấm dứt thử nghiệm tiền tệ, vốn là một phần quan trọng trong chính sách kích thích kinh tế Abenomics của người tiền nhiệm.

Giáo sư Kazuo Ueda được đề cử làm Thống đốc BOJ. Ảnh: Bloomberg
Giáo sư Kazuo Ueda được đề cử làm Thống đốc BOJ. Ảnh: Bloomberg

Tuy nhiên, nếu lựa chọn một nhà hoạch định chính sách tích cực như Nakaso hoặc Yamaguchi sẽ gây ra sự bất mãn từ các nhà lập pháp ủng hộ cố Thủ tướng Abe trong Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Điều này là quá rủi ro đối với ông Kishida – một nhà lãnh đạo thuộc phe thiểu số và phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ các nhóm quyền lực hơn trong LDP.

Việc lựa chọn người kế nhiệm ông Kuroda cũng là một chủ đề thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư và công chúng. Ai trở thành người lãnh đạo BOJ sẽ phần nào nói lên được phương hướng mà BOJ thoát khỏi tình trạng lãi suất thấp - một bước chuyển đổi mang ý nghĩa to lớn đối với thị trường tài chính toàn cầu.

“Thủ tướng có lẽ muốn một gương mặt mới. Nhưng ông ấy cũng cần tránh tạo ấn tượng rằng sẽ có những thay đổi lớn đối trong chính sách”, ứng cử viên nặng ký của đảng cầm quyền Akira Amari trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters.

Khi được một nhà lập pháp đối lập hỏi tại quốc hội trong ngày 15/2, Thủ tướng Kishida cho biết ông không thể tiết lộ quy trình đưa ra quyết định đề cử cuối cùng. Nhà lãnh đạo cũng từ chối bình luận về việc liệu chính quyền có chọn Phó Thống đốc Amamiya cho vị trí này hay không.

Trong khi đó, tại một cuộc họp báo cùng ngày, khi được phóng viên hỏi liệu việc bổ nhiệm Giáo sư Ueda có thể chấm dứt chính sách Abenomics hay không, phát ngôn viên chính phủ Hirokazu Matsuno cho biết ông hy vọng BOJ sẽ hợp tác chặt chẽ với chính phủ và đưa ra một chính sách tiền tệ linh hoạt.

Ông Ueda từng lấy bằng tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts. Từ trước đến nay, ông luôn kín tiếng và không thể hiện rõ quan điểm ủng hộ hoặc phản đối chính sách Abenomics.

Là một gương mặt quen thuộc trong BOJ vì là thành viên hội đồng quản trị của ngân hàng suốt 7 năm, ông Ueda được đánh giá là một “huyền thoại” của tổ chức. Ông Ueda đã phối hợp chặt chẽ để phát triển các biện pháp mới nhằm chống lại các cuộc khủng hoảng ngân hàng và tình trạng giảm phát. Ngay cả sau khi nghỉ hưu, ông Ueda vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với BOJ khi làm cố vấn tại nhóm chuyên gia tư vấn và tham gia vào các diễn đàn ngân hàng trung ương quốc tế khác nhau.

Thủ tướng Kishida nhiều lần lên tiếng muốn đưa Nhật Bản theo một cách thức phát triển mới thay vì chỉ phụ thuộc vào chính sách kinh tế Abenomics đã định hình kinh tế Nhật Bản hơn một thập kỉ. Ông cho rằng đảng LDP đã không thể tạo ra lực đẩy mới bằng Abenomics.

“Abenomics rõ ràng mang lại một số bước tiến về tăng trưởng GDP, thu nhập công ty và tạo việc làm. Nhưng chính sách này đã không tạo ra một vòng tuần hoàn khép kín. Tôi muốn tạo ra một vòng tròn tuần hoàn kinh tế nhờ tăng thu nhập không chỉ cho một bộ phận nhóm nhỏ công ty, mà cho đại bộ phận dân chúng, qua đó kích thích tiêu dùng. Tôi tin rằng đây là chìa khóa để xác lập một hình thức tư bản chủ nghĩa mới khác biệt với những gì thực thi trong trước đây”, Thủ tướng Kishida nêu quan điểm trong một cuộc phỏng vấn ngay sau khi nhậm chức.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục