Tuần qua, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) và Công ty cổ phần Năng lượng Tân Tạo (TEC), thuộc Tập đoàn Tân Tạo (ITA) đã ký Biên bản ghi nhớ phát triển Dự án BOT Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 1, công suất 1.200 MW.
Được chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức xây dựng - vận hành - sở hữu (BOO) vào năm 2008, nhưng đến nay, Dự án Nhiệt điện Kiên Lương vẫn là bãi đất trống. Đề nghị thu hồi dự án này của ITA và giao cho nhà đầu tư khác cũng đã từng được UBND tỉnh Kiên Giang đưa ra, dù chưa thành hiện thực.
Những khúc mắc khiến Dự án không thể hoàn tất đàm phán để về đích như kỳ vọng ban đầu liên quan đến giá điện, việc bảo lãnh vay vốn và nhiều điều khoản khác.
Nếu thuận buồm xuôi gió, chủ đầu tư sẽ mất không dưới 4 năm để tiến tới bước khởi công xây dựng nhà máy chính và cần thêm khoảng 50 tháng nữa cho việc xây dựng, trước khi đưa Tổ máy số 1, Dự án Nhiệt điện BOT Kiên Lương 1 vào vận hành.
Như chúng tôi đã nhiều lần phản ánh về dự án này, các cơ quan hữu trách trong quá trình đàm phán đã không đồng ý bảo lãnh cho Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 ở mức cao như với các dự án BOT khác, bởi cho rằng, đây là dự án BOO, không hoàn toàn giống các dự án BOT khác do Nhà nước sẽ không được chủ đầu tư chuyển giao nhà máy sau 20 năm vận hành. Vì vậy, các cam kết bảo lãnh Chính phủ phải giảm thiểu so với các dự án BOT khác. Đó là chưa kể, nếu chủ đầu tư mang bán dự án cho các nhà đầu tư nước ngoài khác, thì các ưu đãi này lại chảy ra ngoài.
Bên cạnh đó, khả năng của chủ đầu tư trong việc xây dựng một nhà máy điện quy mô lớn 1.200 MW và xa hơn nữa là phần lớn Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương với quy mô hơn 4.000 MW như được giao ban đầu cũng là câu hỏi được nhiều bên quan tâm.
Việc chuyển đổi sang hình thức BOT vào năm 2014 của Dự án Nhiệt điện Kiên Lương được cho là để chủ đầu tư có thể nhận được bảo lãnh của Chính phủ ở mức như các dự án BOT điện khác. Dẫu vậy, cũng đã mất hơn 1 năm, kể từ khi được trở thành Dự án BOT, Nhiệt điện Kiên Lương mới tiến tới bước ký biên bản ghi nhớ với cơ quan nhà nước thay mặt Chính phủ đàm phán Hợp đồng BOT là Bộ Công thương.
Theo nguồn tin của chúng tôi, chủ đầu tư sẽ có 1 năm nữa để trình Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án và cần thêm cỡ 2 năm sau đó để đàm phán các vấn đề liên quan đến hợp đồng BOT cùng các hợp đồng liên quan khác.
Nếu mọi việc thuận buồm xuôi gió, sau thời gian 3 năm nói trên, chủ đầu tư có thể ký tắt Hợp đồng BOT với Bộ Công thương, làm cơ sở trình hồ sơ lên xin cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sau khi chính thức được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ đầu tư sẽ có thời gian 1 năm để hoàn tất công tác thu xếp vốn để chính thức tiến hành xây dựng nhà máy.
Như vậy, chủ đầu tư sẽ mất không dưới 4 năm để tiến tới bước khởi công xây dựng nhà máy chính và cần thêm khoảng 50 tháng nữa cho việc xây dựng, trước khi đưa Tổ máy số 1 vào vận hành. Cũng bởi vậy, theo Biên bản ghi nhớ vừa được ký với Tổng cục Năng lượng, Tổ máy 1, Dự án Nhiệt điện BOT Kiên Lương 1 sẽ vận hành thương mại vào tháng 8/2024 và toàn bộ nhà máy sẽ vận hành thương mại vào tháng 2/2025.
Xét trên thực tế, tổng vốn đầu tư Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1.200 MW chạy than nhập khẩu sẽ không thể thấp hơn nhiều so với con số 2,4 tỷ USD được ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư của Dự án BOT Duyên Hải 2 mới đây.
Theo quy định tại Điều 10, Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư, nghĩa là để thực hiện Dự án có quy mô 1.200 MW, với quy mô vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD, thì vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 330 triệu USD (tương đương trên 7.000 tỷ đồng).
Trở lại với nhà đầu tư của Dự án Nhiệt điện BOT Kiên Lương, công ty mẹ của TEC là ITA đang hoạt động theo mô hình cổ phần, niêm yết trên HOSE với hơn 838 triệu cổ phần. Tại thời điểm ngày 16/12/2015, giá trị vốn hoá thị trường của ITA là 4.862 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2015, ITA đã đạt 175 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Để Dự án Nhiệt điện BOT Kiên Lương triển khai suôn sẻ, chắc chắn phải huy động thêm những nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm kể từ khi ITA có được chủ trương đầu tư Dự án Nhiệt điện Kiên Lương, vẫn chưa có nhà đầu tư nước ngoài nào chính thức lộ diện.