Tân Tạo (ITA): Các khoản phải thu chiếm 30% tổng tài sản

Phần lớn các khoản phải thu được Tân Tạo ghi nhận là nghiệp vụ với các bên liên quan, gồm các công ty liên kết, công ty được đầu tư…

CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã ITA - HOSE) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 với doanh thu thuần gần 144 tỷ đồng, giảm 17% so cùng kỳ. Giá vốn được tiết giảm khiến lợi nhuận gộp thu về đạt 65,6 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau khi trừ đi các chi phí và thuế, Tân Tạo ghi nhận lãi sau thuế 38,8 tỷ đồng, giảm 21% so cùng kỳ.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần Công ty đạt hơn 321 tỷ đồng, lãi sau thuế 96,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 29% so với nửa đầu năm 2020.

Năm 2021, ITA đặt kế hoạch doanh thu 910 tỷ đồng, lợi nhuận thuần đạt 237 tỷ đồng, lần lượt tăng 40,4% và 32,4% so với thực hiện năm 2020.

Đóng góp chủ yếu trong doanh thu của Tân Tạo đến từ việc cho thuê đất đã phát triển hạ tầng. Tân Tạo cho biết, nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế 6 tháng tăng đến 29% so với cùng kỳ chủ yếu là do lợi nhuận gộp tăng (26%) trong khi chi phí tài chính giảm 57%.

Tại thời điểm ngày 30/6/2021, tổng tài sản của Tân Tạo đạt 13.326 tỷ đồng, giảm 1% so với ngày cuối năm 2020. Trong đó, giá trị tài sản ngắn hạn là 6.113 tỷ đồng, tài sản dài hạn 7.213 tỷ đồng.

Nợ tại ngày 30/6/2021 của công ty là 2.457 tỷ đồng, giảm 10%; vốn chủ sở hữu 10.867 tỷ đồng.

Chiếm một phần không nhỏ trong cơ cấu tài sản của Tân Tạo là các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn. Công ty có 2.030 tỷ đồng phải thu ngắn hạn, được ghi nhận chủ yếu trong “Phải thu ngắn hạn khác”. Đáng chú ý, Tân Tạo trích lập hơn 308 tỷ đồng vào dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi.

Các khoản phải thu dài hạn của công ty tại ngày 30/6/2021 là 1.947 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm ngoái.

Báo cáo tài chính cho thấy, phần lớn các khoản phải thu được Tân Tạo ghi nhận là nghiệp vụ với các bên liên quan, gồm các công ty liên kết, công ty được đầu tư…

Khoản phải thu khách hàng lớn nhất được Tân Tạo ghi nhận từ nghiệp vụ cho thuê đất đối với CTCP Phát triển Năng lượng Tân Tạo

Tân Tạo cũng chi tạm ứng cho nhiều bên liên quan

Tổng giá trị các khoản đầu tư tài chính dài hạn của Tân Tạo là 3.327 tỷ đồng, trong đó trích lập dự phòng 128 tỷ đồng. Khoản đầu tư lớn nhất hiện nay của Tân Tạo là vào CTCP Phát triển Năng lượng Tân Tạo, trị giá 1.753 tỷ đồng.

Khoản đầu tư vào Phát triển Năng lượng Tân Tạo cũng là khoản đầu tư lớn nhất, chiếm quá nửa giá trị các khoản đầu tư của Tân Tạo

Năm 2021, Tân Tạo đề ra một số mục tiêu lớn, bao gồm (i) Thực hiện các thủ tục quy hoạch, đất đai, đền bù giải tỏa dự án Sài Gòn MeKong; (ii) Tiếp tục thực hiện liên doanh với các công ty Hoa Kỳ để phát triển KCN dược phẩm lớn tại California (Mỹ).

Cùng với đó, Tân Tạo lên kế hoạch thoái toàn bộ vốn đầu tư vào dự án các khu TM-DV-Nghỉ dưỡng tại Bãi Sao - Phú Quốc; CTCP Sài Gòn Đà Lạt; Dự án Đô thị Tân Tạo.

Công ty cũng dự kiến đẩy mạnh đầu tư, xây dựng hạ tầng cho khu đô thị Ecity, bán 1 ha đất khu An Khang thuộc Khu đô thị Ecity Tân Đức, dự kiến doanh thu khoảng 160 tỷ đồng. Đồng thời, tập trung đầu tư, trang thiết bị để đưa Bệnh viện Tân Tạo thành Bệnh viện đa khoa phục vụ các khu công nghiệp, các nhà đầu tư và dân cư địa bàn lân cận.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục