Tản mạn Kuala Lumpur

(ĐTCK) Điều ngạc nhiên là cô bán hàng không nhận tờ USD tôi đưa mà yêu cầu phải đổi ra đồng ringgit.
Tản mạn Kuala Lumpur

Tản mạn Kuala Lumpur ảnh 1

Tháng 9, trời Kuala Lumpur trong xanh, đoàn nhà báo Việt Nam sang thăm và làm việc với Maybank dừng chân tại Khách sạn Istana Hotel. Khách sạn nằm không xa khu trung tâm mua sắm nổi tiếng Bukit Bintang. Theo hướng dẫn, cách shopping tốt nhất là thả bộ dọc theo con đường Bintang Walk, nơi các cửa hiệu nối nhau san sát, lấp lánh với nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới. Rảo bước hồi lâu ở Pavillon KL, cuối cùng, tôi cũng chọn cho mình được một chiếc kính Versace “made in Italy ” giảm giá tới 80%! Có lẽ thấy ánh mắt nghi ngại, nên cô bán hàng trấn an: “No fake!”. Hướng dẫn viên người bản xứ khẳng định, ở cửa hàng bán đồ hiệu ở các trung tâm mua sắm có tiếng, du khách có thể yên tâm hoàn toàn về chất lượng. Dũng cảm, tôi móc ví.

Điều ngạc nhiên là cô bán hàng không nhận tờ USD tôi đưa, mà yêu cầu phải đổi ra đồng ringgit. Thấy tôi lúng túng, cô nhân viên xinh xắn nói sẽ đi đổi giúp ở quầy thu mua ngoại tệ gần đó. Các nhân viên còn lại của cửa hàng giải thích, theo quy định tại Malaysia , đồng nội tệ là phương tiện thanh toán duy nhất khi mua bán hàng hóa. Chợt nghĩ, Việt Nam cũng có quy định tương tự, nhưng tại các trung tâm mua sắm, ngoại tệ vẫn được dễ dàng chấp nhận thanh toán thay cho VND. Thậm chí, tại không ít nơi du khách nước ngoài hay vãng lai, hàng hóa chỉ được yết giá theo đồng USD.

Nhà báo Hải Lý (Thời báo Kinh tế Sài Gòn) đi cùng đoàn, đã từng ghé thăm Malaysia từ năm 1996 cho biết, 1 USD lúc ấy đổi được 3 ringgit, giờ sau 16 năm, con số ấy không xê dịch là mấy. Đem “thắc mắc” ấy hỏi lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn Maybank thì nhận được câu trả lời đại để rằng, Malaysia giữ quan điểm sức mạnh tiền tệ có liên hệ tới sức mạnh của nền kinh tế và hệ thống tài chính phụ thuộc vào cách đồng ringgit được quản lý như thế nào. Nhớ chuyện mua bán ở khu phức hợp Pavillon, thấy khâm phục nước bạn đã truyền đạt được thông điệp này đến từng người dân và được họ thực hiện rất tự giác.

Thả bộ dọc các con phố, dễ dàng nhận thấy lượng xe máy lưu thông trên đường thưa thớt, ngược lại, ô tô thì ùn ùn cắn đuôi nhau. Sau này, hướng dẫn viên mới “bật mí” rằng, ô tô với người dân Malaysia chỉ là một phương tiện giao thông bình thường, người mới đi làm cũng đủ khả năng sắm được. Xăng được Chính phủ trợ giá, chỉ vào khoảng 14.000 đồng/lít. Những xe được bán chạy nhất không phải là của các hãng nước ngoài, mà thuộc về các hãng ô tô bản xứ. Trái lại, ở Việt Nam, những ngày cuối năm 2012, tôi đọc ở đâu đó con số thống kê lượng ngoại tệ dùng để nhập khẩu xe hơi dù đã giảm 50% so với năm 2011, nhưng vẫn lên tới trên 600 triệu USD.

Rong ruổi vòng quanh Kuala Lumpur, có thể cảm nhận dấu ấn kiến trúc pha trộn giữa ba nền văn hóa lớn: Malaysia, Trung Hoa và Ấn Độ. Một bức tranh được vẽ lên với những sắc màu rực rỡ, nét đặc trưng văn hóa khác nhau - mái chùa cong vút của khu Phố Tàu, mái vòm đặc trưng của các thánh đường Hồi giáo với điểm nhấn không gian là các ngọn tháp cao vút vươn lên trời xanh như Tháp đôi Petronas, Berjaya Times Square, Tháp truyền hình… Giữa thành phố hiện đại, sôi động, lại xuất hiện không gian Phố Tầu tĩnh lặng, khiến người ta được lắng lại.

Tuy nhiên, chuyến thăm Kuala Lumpur không phải không có những hạt sạn. Chẳng hạn, chiếc xe bus chờ đoàn chúng tôi đi ăn tối phải mất gần nửa tiếng mới bò qua con dốc dài 50 mét bên hông khách sạn. Dù hạ tầng giao thông của Kuala Lumpur khiến Hà Nội hay Sài Gòn phải mơ ước, nhưng tình trạng tắc đường vào giờ tan tầm là khá thường xuyên. Buổi tối trước khi rời Malaysia, chúng tôi có một kỷ niệm nhớ đời khi Khách sạn Istana đột nhiên bị cúp điện, với lý do là để… chuẩn bị an ninh cho một ngày lễ lớn nào đó!

Trong tiếng Malaysia, Kuala Lumpur có nghĩa là “hợp lưu sông bùn lầy”, vì thành phố được xây dựng từ một thị trấn nhỏ khai thác thiếc. Thế nhưng, sau 150 năm, giờ đây, Kuala Lumpur đã vươn mình trở thành một thành phố phồn thịnh bậc nhất tại châu Á. Trên đường trở về, nghĩ về những thành phố lớn ở suốt chiều dài đất nước mà mình đã đi qua, chợt nghĩ, chỉ khi ra ngoài đối diện với thế giới rộng lớn hơn, chúng ta mới thực sự hiểu mình đang ở đâu, cần làm gì để giữ gìn bản sắc và chọn con đường phát triển phù hợp, thoát khỏi những ngộ nhận đáng tiếc.

Giang Thanh
Giang Thanh

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.82 0.0 0.0% 1,394 tỷ
UPCOM 88.76 0.0 0.0% 447 tỷ