Ghe bầu các lái đi buôn
Đêm khuya ngồi buồn, kể chuyện ngâm nga
Bắt đầu Gia Định kể ra
Anh em thuận hòa ngoài Huế kể vô.
8h30 sáng, khúc sông gần Cảng Sài Gòn tầm này đông đúc như một cái chợ. Tàu bè cái thì cập cầu cảng, cái thì neo ngoài phao, cái thì đang dỡ hàng cẩu lên xuống tơi tới, con thì đậy nắp hầm hàng im lìm, năm sáu cái sà-lan chở cát neo giữa dòng làm khúc sông hình như chật chội hơn… Xem ra, cái khúc sông này có gì đó giống như thị trường chứng khoán Việt Nam. Mỗi con tàu là một mã chứng khoán, cái đầy hàng, cái rỗng không, chiếc dỡ nhanh, con xếp chậm, tàu chở nhiều, tàu chở ít… nào có khác với quy mô doanh nghiệp và khối lượng giao dịch mỗi ngày. Đầu năm nay, cả ngành hàng hải thế giới lao đao. Tàu không hàng neo đậu ở biển Singapore nhiều như lá tre, thì cảng Sài Gòn cũng im lìm vắng lặng. Mấy tháng ấy, có lúc cả ngày cảng chỉ có non 20 chục tờ khai hàng hóa nhập khẩu, còn ít hơn cả số nhân viên hải quan. Đấy cũng là lúc lạm phát, lãi suất ngân hàng cao vọt, kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh, hết những tin những con xe hàng triệu đô được nhập, căn hộ penhouse hàng chục tỷ được bán... Và Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM cách đó vài trăm thước cũng buồn hiu hắt. Thế mới biết, cái câu "thị trường chứng khoán là phong vũ biểu của nền kinh tế" cũng chả sai tẹo nào.
Ghe chạy một lúc đã thấy cầu Phú Mỹ trước mặt. Từ dưới sông trông lên, cây cầu vắt qua hai bờ như dải lụa thấy bắt mắt lắm. Cây cầu này đã từng là tâm điểm của nhiều tờ báo. Lúc chưa khởi công thì nó là được nhắc tới như là một hình thức đầu tư xây dựng mới. Lúc đang làm thì ồn lên chuyện không cho tàu cao trên 38 mét lưu thông, cứ như là sông bị bịt, cảng chết đến nơi. Còn dạo tháng 10, khi tiền đổ vào thị trường hàng mấy ngàn tỷ đồng mỗi ngày, thì nó lại được coi là đơn vị chỉ khối lượng tiền tệ giao dịch, bởi nhiều cư dân chứng khoán mạng thường nói, hôm qua dư mua một cây cầu hoặc hôm nay, thị trường giao dịch được tới 2 chiếc cầu Phú Mỹ .
Những câu nói của người đi biển ngẫm ra còn bao hàm những ý nghĩa cho nhiều DN Việt Nam thời hội nhập
Đường đi nào rồi cũng phải đến chỗ rẽ. Trên bộ ngã ba dễ phân biệt lắm, nhưng ở dưới nước mênh mông nhìn ra đâu là ngã ba quả là khó. Vì thế, ở cái chỗ “Nhà Bè nước chảy chia hai. Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”, người ta đặt một cái đèn và gọi nó là ngã ba đèn đỏ. Cái tên Nhà Bè gắn với câu chuyện về ông Thủ Hoằng. Để cứu nhân độ thế, ông đã làm những cái bè nứa, trên đó để sẵn gạo, muối, củi và cho neo ở ngã ba này. Cái bè ngày ấy đã giúp nhiều con thuyền, giúp cho những người lỡ đường sông nước tạm dừng ghe xuồng nghỉ ngơi, chờ con nước lớn mà ngược vào vùng Gia Định, Bến Nghé hay vòng sang ngả sông Đồng Nai, hoặc chờ con nước ròng mà xuôi ra cửa biển Cần Giờ. Cái tên nhà Bè đã trở thành một địa danh. Xem ra không chỉ trên sông người ta mới cần làm nhà bè, mà trong dòng chảy tài chính, chứng khoán người ta cũng cần phải có những "nhà bè" - bến hỗ trợ, những quỹ dự phòng, những gói kích cầu để cứu giúp nhiều doanh nghiệp khỏi lao đao, tiếp thêm sức cho họ….
Ra khúc ngã ba Nhà Bè, ghe chạy nhanh hơn, nước rẽ hai bên. Bác tài công vui vẻ mời tôi cụng chai bia Sài Gòn. Nào dzô! Thuận buồm xuôi gió, chén chú chén anh. Chưa kịp uống hết thì có cái tàu cánh ngầm xé nước chạy ngang qua. Ghe chòng chành ghê quá. Sóng đấy chứ đâu! Sóng do thiên nhiên gió, bão, thủy triều gây ra thì hẳn rồi, nhưng còn có cả những đợt sóng do con người tạo nên nữa. Nhiều người biết "lướt sóng", nương được sóng mà giàu, nhưng cũng khối người, khối tàu ghe nhỏ không biết cách đi thì bị sóng nhấn chìm. Xem ra, loại sóng người, sóng chứng khoán ấy cũng ghê gớm không kém và câu hát "Thuận buồm xuôi gió. Chén chú, chén anh. Nước ngược chèo quanh. Mày tao chi tớ!" nếu vận vào chứng khoán cũng ý nghĩa lắm.
Ghe chạy thêm vài mươi phút nữa là đến khu vực phà Bình Khánh. Phà này là sợi dây nối giữa Sài Gòn và huyện đảo Cần Giờ. Nhìn về hướng ấy, thấy thấp thoáng những chiếc tàu của Hải quân với các ống phóng tên lửa bên sườn. Những con tàu chiến này đang nằm ở một ngã ba. Từ ngã ba này có 2 đường ra biển. Thông thường thì tàu bè phải đi qua sông Lòng Tàu ngoằn ngoèo. Còn muốn đi đường gần hơn thì có thể xuôi theo nhánh sông Soài Rạp. Khổ nỗi, dòng Soài Rạp có một đoạn cạn mà người ta hô quyết tâm nạo vét cho tàu lớn vào bao nhiêu năm nay chưa xong. Hội nhập rồi, không cứ tàu chiến, tàu hàng, mà nhiều "con tàu" của các lĩnh vực khác nhau đang đòi hỏi thúc ép khai thông luồng lạch, tháo bỏ những rào cản để ra khơi bảo vệ biển đảo, chở hàng hóa Việt Nam đi năm châu bốn biển, để chấn hưng kinh tế nước nhà…
Luồng lớn Soài Rạp chưa thông, chúng tôi lại cũng không muốn đi theo lối mòn Lòng Tàu, nên đánh liều len lỏi vào các con sông nhỏ. Nhìn trên bản đồ thấy vùng này nhiều sông quá, nào là sông Ngã Bảy, sông Đồng Tranh, sông Vàm Sát… và vô khối các con lạch. Không có biển chỉ đường, không dấu hiệu nhận biết. Chốc chốc lại thấy một rặng cây trước mặt, rồi lại một nhánh sông mở ra, không biết rẽ đường nào. Nhiều lúc ghe phải dừng lại để mở máy định vị, xem bản đồ, hỏi dân chài rồi mới dám đi tiếp. Vượt qua khúc đó, ngoái lại hóa ra đó chỉ là một cù lao nằm giữa sông. Cảm giác vượt được trở ngại, tìm đúng đường đi khiến cả ghe phấn khích chẳng kém gì các nhà đầu tư dự đoán đúng thị trường, tránh được những bull trap…
Chạy qua một khúc quanh trên sông Gò Gia, đột nhiên một khung tranh lớn hiện ra. Có màu xanh thẫm của núi Vũng Tàu phía xa, có màu lá xanh tươi của rừng nước mặn nguyên sinh, có bóng dáng hiện đại của một thành phố cảng công nghiệp. Tháng 6, hai cảng container hiện đại đã hoàn thành bên bờ sông Cái Mép - Thị Vải. Dòng sông này là một vết đứt gãy của tự nhiên, không có sông nào ở Việt Nam có độ sâu tới 19 m, nước xanh sâu thăm thẳm. Nó đã được chọn để xây cảng nước sâu quốc tế cho cả miền Nam. Tàu bè cỡ lớn của Mỹ, châu Âu, châu Á... sẽ trực tiếp ra vào Việt Nam, mà không còn phải chuyển tải tại các nước láng giềng. Một giai đoạn mới đang mở ra với biển cho đất nước.
Ra đến phao số không. Chiếc ghe bầu lọt thỏm giữa biển cả. Nhìn ra biển thấy mênh mông, lòng tôi không khỏi âu lo làm sao ghe này chạy ra biển được. Dường như đọc được sự băn khoăn lo ngại, bác tài công kể rằng: từ hàng mấy thế kỷ trước, những con thuyền của ông cha ta vẫn ra Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt cá, giữ gìn mảnh đất tổ quốc. Những chiếc thuyền, ghe ngày xưa không có máy, chỉ có buồm, mà vẫn chở hàng ngược xuôi đàng trong, đàng ngoài, tới cả các nước lân cận.
Bây giờ, Việt Nam đã ra biển với những con tàu hiện đại, tự chúng ta đã đóng được những con tàu vượt đại dương, đi vòng quanh thế giới. Có thuyền trưởng giỏi, sóng yên biển lặng, không có bọn cướp biển nhòm ngó, không có tàu lạ tấn công, biết gối sóng mà đi, biết lựa luồng mà chạy thì lo gì không đến đích… Ngẫm ra, những câu nói của người đi biển còn bao hàm những ý nghĩa cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam thời hội nhập toàn cầu.