Tản mạn chuyện BCTN của Việt Nam

(ĐTCK) BCTN vừa là một công cụ báo cáo kết quả nhưng cũng là một công cụ kể chuyện về công ty cho công chúng
Tản mạn chuyện BCTN của Việt Nam

>> Báo cáo thường niên tốt nhất 2013

Đối với một nhà đầu tư, nhà phân tích tài chính hay một nhà báo bắt đầu quan tâm tới một công ty mới, báo cáo thường niên (BCTN) là một trong nhiều nguồn thông tin mà họ tìm đến, để biết công ty này làm gì, định hướng thế nào, lời lỗ ra sao, được cai quản thế nào? Vì vậy, BCTN vừa là một công cụ báo cáo kết quả nhưng cũng là một công cụ kể chuyện về công ty cho công chúng. Một BCTN tốt bao gồm các đặc điểm: kể một câu chuyện về công ty dễ hiểu, hấp dẫn, khái quát bộ mặt và triển vọng của công ty; cung cấp thông tin hữu ích cho nhà đầu tư và những người quan tâm khác; đảm bảo câu chuyện và thông tin đó đáng tin cậy. Nói vậy để thấy, dù chỉ là một trong những nguồn thông tin dành cho những người có quan tâm, nhưng BCTN ít nhiều phản ánh được ban lãnh đạo công ty quan tâm tới cổ đông (shareholders) và các bên liên quan (stakeholders) tới mức nào.

Câu hỏi mà nhiều người có lẽ quan tâm là BCTN của các công ty niêm yết của Việt Nam đã tiến bộ gì trong các điểm kể trên, và qua đó phản ánh sự phát triển của TTCK Việt Nam như thế nào? Có khi nào các BCTN của Việt Nam chỉ được làm sao cho đẹp, nhiều hình ảnh, đưa nhiều thông tin chuyên môn lên đó… chỉ để chiêm ngưỡng mà không cần biết nội dung của nó có rõ ràng, dễ hiểu và hữu ích hay không? Câu trả lời có lẽ phần nào nằm trong những câu chuyện tôi kể sau đây.

 

Từ chuyện về tổng thể thị trường

Nhìn tổng thể thị trường, một phát biểu gần đây gây ấn tượng với tôi là nhận định của ông Phạm Ngọc Bích, Giám đốc khối khách hàng tổ chức CTCK Sài Gòn (SSI) về 4 điểm yếu của TTCK Việt Nam. Tóm tắt 4 điểm đó là (1) thanh khoản kém, vốn hóa thị trường và thanh khoản chỉ tập trung vào một số ít cổ phiếu; (2) thiếu hành lang pháp lý cho việc cho vay chứng khoán cũng như giao dịch trong ngày; (3) chính sách vĩ mô chưa ổn định; (4) chính sách quản lý rủi ro thị trường của nhiều CTCK vẫn chưa đủ chuẩn để tham gia vào chứng khoán phái sinh. Điều bất ngờ là đây là 4 điểm tôi đã đọc được từ luận văn của một bạn sinh viên đại học của tôi năm 2004 về việc tạo thị trường phái sinh chứng khoán ở Việt Nam, và đọc được những luận điểm tương tự ở nhiều nơi suốt từ đó đến nay. Tôi tự hỏi, có phải bao năm qua, chúng ta chỉ “trang trí” TTCK một cách hoành tráng hơn, nhưng cái nền móng thì vẫn vậy?

Rõ ràng, ở một thị trường mà hành lang pháp lý hỗ trợ, coi như một phần cơ sở hạ tầng của thị trường còn thiếu, thanh khoản yếu và tập trung vào một số ít cổ phiếu cũng như chính sách quản trị rủi ro kém của các định chế tài chính trung gian thiếu hiệu quả thì khó mà mong đợi những nhà đầu tư có tổ chức “cỡ lớn” tham gia vào thị trường.

Đáng ngạc nhiên là sau gần 10 năm từ ngày tôi đọc được những điểm yếu kể trên, chúng vẫn tồn tại. Mặc dù chúng ta đang chuẩn bị cho ra đời sản phẩm phái sinh và ETF, tôi tự hỏi, nếu xảy ra tình trạng kém thanh khoản của các tài sản cơ sở thì điều gì sẽ xảy đến với thanh khoản và độ biến động của các sản phẩm phái sinh và ETF? Và người ta cũng biết rằng, độ biến động của chính sản phẩm phái sinh và ETF lại quay lại tác động đến tài sản cơ sở. Bài học của các thị trường đi trước cho thấy cái vòng xoáy đó vô cùng khó lường khi thanh khoản yếu và khả năng quản trị rủi ro của các tổ chức vận hành kém.

Tóm lại, nhìn tổng thể, tôi thấy có những chuyển biến đáng kể trong cách mà các CTCK và thị trường vận hành, trong hành vi nhà đầu tư, giới phân tích và giới báo chí theo dõi thị trường. Nhưng hàm chứa trong nó lại là những vấn đề cũ. Vì sao vậy? Chắc mỗi người có mỗi câu trả lời nhưng có thể phần chung của nhiều câu trả lời nằm ở thái độ nhìn nhận về TTCK. Chúng ta đang xem nó như một thị trường vốn hiện đại cần phát triển để cung cấp vốn cho nền kinh tế hay là một kênh kiếm “tiền nóng”?

 

Đến việc làm BCTN của DN

Dừng lại với những câu hỏi về TTCK nói chung, tôi quay về những câu hỏi đối với BCTN và độ minh bạch của thị trường. Tôi điểm qua khoảng 20 công ty trên thị trường và so sánh báo cáo của họ từ năm 2005 tới năm 2012, một số trường hợp không có báo cáo năm 2005 thì bắt đầu từ báo cáo sớm nhất của họ (chẳng hạn 2007, 2008). Chủ đề mà tôi quan tâm là xem qua các chủ đề “nóng” trên báo chí như về vấn đề báo cáo về rủi ro, về hàng tồn kho, thay đổi thành viên HĐQT một cách đột ngột hay vấn đề lương thưởng có được phản ánh tốt hơn qua thời gian hay không?

Một điều đáng mừng là tôi nhìn thấy những thay đổi lớn lao, nhất là ở mảng báo cáo về rủi ro và sự thay đổi đó không chỉ nằm ở các ngân hàng, nơi báo cáo về rủi ro được đặt nặng khá sớm. Các thông tin và trình bày về rủi ro trong các BCTN 2012 nhiều hơn, nằm cả trong phần nội dung chính và đề cập thêm trong các báo cáo tài chính so với những báo cáo từ 2005 đến 2007.

Nhưng tôi lại tự hỏi là, một nhà đầu tư nhỏ lẻ liệu sẽ hiểu như thế nào về những biện pháp quản trị rủi ro chung chung được đề cập trong các BCTN kiểu “công ty chủ động tính toán kỹ lưỡng… (một loạt thuật ngữ chuyên môn)… để hạn chế rủi ro tỷ giá”? Tôi tìm thấy những kiểu mẫu như thế này ở nhiều báo cáo, vậy chúng cung cấp thông tin gì cho nhà đầu tư?

Cung cấp nhiều thông tin hơn không có nghĩa là các thông tin đó dễ đọc, dễ hiểu và hữu ích. Đây là một điều mà nhiều đồng nghiệp của tôi bên này làm nghiên cứu và các khách mời diễn giả từ các doanh nghiệp gọi là… làm cho có, để tuân thủ quy định hoặc cho giống các công ty khác trong khi tính dễ đọc và có hữu ích cho quyết định đầu tư là… gần như số không.

Mặt khác, các thông tin được cung cấp về quản trị các loại rủi ro đáng tin cậy và hữu ích đến mức nào? Chẳng hạn, báo cáo của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) năm 2012 nói rất nhiều về quản trị rủi ro và phát triển bền vững, nhưng phần nhiều trong số đó là những thông tin tích cực. Với cá nhân tôi, rất khó để từ những thông tin trong đó nhận ra được nguy cơ mà Tập đoàn có thể đối mặt trong lĩnh vực môi trường và điều không may đã xảy ra trong thời gian qua. Đây là khu vực báo cáo thuộc vùng “màu xám” - đôi khi những tuyên bố trong đó khó có thể kiểm chứng là nó chính xác hay không. Sự kiện HAGL chỉ là một sự kiện gần đây. Nếu nhìn lại vấn đề rủi ro xuất phát từ đầu tư BĐS, chứng khoán và rủi ro lãi suất, trước khi khủng hoảng xảy ra và ngay cả trong thời gian đó, tôi tin rằng, những thông tin tìm được trong BCTN không nói cho nhà đầu tư biết được doanh nghiệp đang xử lý nó như thế nào.

Nói cách khác, không ít nội dung trong BCTN chuyển từ trạng thái không công bố thông tin sang trạng thái “nói chung chung”. Đó là chưa nói có những thông điệp sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên môn và rối rắm. Liệu đây có phải là một cách để khiến các nhà đầu tư nhỏ nản lòng trong chuyện đào sâu vào BCTN?

 

Cần thực chất hơn

Một vài điểm tản mạn trên đây khi tổng hợp lại thì nó vẽ ra một bức tranh về BCTN khá giống với tổng thể TTCK, đó là chúng ta có một bức tranh hào nhoáng hơn quá khứ, nhưng bản chất bên trong không thay đổi nhiều. Những câu hỏi như HĐQT làm gì để được hưởng lương thưởng cao, chính xác là bao nhiêu, công ty được cai quản ra sao, kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro như thế nào... vẫn không được trả lời rõ ràng.

Tản mạn chuyện BCTN của Việt Nam ảnh 1

Các DN đạt giải trong kỳ bình chọn BCTN 2012

Nói đi thì phải nói lại, những vấn đề về tính minh bạch thông tin và BCTN không chỉ là của riêng Việt Nam . Chẳng hạn, nếu ai đó đi tìm thông tin về các sản phẩm phái sinh tín dụng hay cho vay thứ cấp trong BCTN của một số ngân hàng đã sụp đổ của nước ngoài thì cũng không thấy. Nhưng sự khác biệt là sau một vài sự kiện và thời gian, người ta có những sự thay đổi rất lớn lao về chuẩn mực báo cáo, luật lệ và sự nghiêm khắc của xã hội (bao gồm báo chí, giới nghiên cứu và giới phân tích) về những thông tin từng bị rơi vào mảng xám để giới đầu tư nhỏ, ít có thông tin nội bộ được cảnh báo.

Cuối cùng, xin lưu ý là, chúng ta không nên xem xét độ minh bạch và chất lượng thông tin chỉ ở bất kỳ một bộ phận nào, chẳng hạn như không giới hạn nó trong BCTN, mà phải nhìn trong cách thông tin được truyền tải trên mạng Internet, ở các buổi đối thoại với cổ đông, báo chí và giới phân tích.

Và có lẽ đã đến lúc chúng ta cần lấy ý kiến rộng rãi về cách thức nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn các công cụ trao đổi với cổ đông đó (bao gồm BCTN) thay đổi sao cho có lợi cho họ. Bắt đầu bằng những điều tra về cách thức mà nhà đầu tư, giới phân tích tài chính sử dụng thông tin trong BCTN và những công cụ quan hệ cổ đông khác như thế nào (điều mà nhiều tổ chức nước ngoài đã làm từ lâu), cho đến hỏi thăm những khó khăn mà những người trực tiếp tạo ra BCTN đối diện, chúng ta mới có thể đi đến một góc nhìn rõ ràng chúng ta đang ở đâu, và đã tiến bộ ra sao, còn cách bạn bè xung quanh như thế nào?

Nên nhớ rằng, đặc thù của một TTCK nhiều nhà đầu tư nhỏ sẽ cần những chuẩn mực khác với một thị trường nhiều nhà đầu tư lớn. Và quan trọng nhất trong việc thực thi những điều này là thái độ, không phải làm cho có.

Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh
Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh

Tin cùng chuyên mục