Tân Hoàng Minh đầu tư gần 3.000 tỷ đồng làm dự án khu công nghệ thông tin tập trung

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tập đoàn Tân Hoàng Minh đầu tư gần 3.000 tỷ đồng làm dự án khu công nghệ thông tin tập trung 5 trong 1 bao gồm: Sản xuất; Nghiên cứu phát triển và đào tạo; Khu đô thị sinh thái; Khu thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí; Trung tâm logistic tại tỉnh Thái Nguyên.
Một góc phối cảnh Khu Công nghệ thông tin tập trung Yên Bình (Ảnh: Báo Thái Nguyên). Một góc phối cảnh Khu Công nghệ thông tin tập trung Yên Bình (Ảnh: Báo Thái Nguyên).

Được biết, tháng 10/2020, Thủ tướng Chính phủ đã duyệt bổ sung khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung Yên Bình - giai đoạn 1 với quy mô 200 ha vào quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Mới đây, UBND tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành Quyết định số 2756/QĐ-UBND ngày 24/8/2021 về việc chấp thuận cho liên danh Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt và Công ty cổ phần Cung Điện Mùa Đông. Đây là hai công ty thành viên thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu CNTT tập trung Yên Bình.

Theo đó, thực hiện giai đoạn 1, dự án có quy mô 200 ha, tổng mức đầu tư ước tính hơn 2.957 tỷ đồng; địa điểm thực hiện dự án là xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên và xã Nga My, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.

Đầu tư vào các khu công nghệ thông tin tập trung là xu hướng tất yếu

Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã và đang tạo ra cuộc cải cách đáng kể về công nghệ sản xuất. Xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong các công nghệ và quy trình sản xuất ngày càng được đẩy mạnh, do đó, khu công nghiệp thông minh ra đời là tất yếu và trở thành sự lựa chọn tối ưu cho doanh nghiệp.

Những năm gần đây, CNTT được xem là 1 trong 5 lĩnh vực mũi nhọn được ưu tiên phát triển.

Nhiều tỉnh, thành phố tích cực thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, xem đây là động lực để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng đến tạo dựng nền kinh tế bền vững, có hàm lượng chất xám lớn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hiện tại, nhiều địa phương cũng đang thực hiện chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ hiện đại trên thế giới và tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Việc xây dựng hệ thống các khu công nghiệp CNTT thông minh thông qua việc ứng dụng các sản phẩm CNTT trong việc vận hành hoạt động sản xuất, kinh doanh đã trở thành xu thế chung trên toàn thế giới và được chính quyền các tỉnh thành khuyến khích thực hiện.

Công nghệ thông tin có sức mạnh thay đổi cục diện của một nền sản xuất, kinh doanh khi mọi thứ đều tự động hóa sẽ giúp lãnh đạo các khu công nghiệp và chủ doanh nghiệp có thể dễ dàng kiểm soát toàn bộ hệ thống thông qua các thiết bị thông minh. Từ đó, hạn chế sự phụ thuộc vào nhân công và giảm thiểu các sai sót mang tính chất con người.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp, việc thúc đẩy CNTT phát triển mạnh để kết hợp với sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội, do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng thời cơ không thể trì hoãn việc ứng dụng CNTT, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động để tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh trong giai đoạn mới.

Khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung Yên Bình được xây dựng đồng bộ, hiện đại

Dự án khu công nghiệp CNTT tập trung Yên Bình nằm trong tâm điểm của 05 thành phố lớn, dân số hơn 16 triệu người, gồm: Thủ đô Hà Nội, TP. Thái Nguyên, TP. Bắc Ninh, TP. Bắc Giang và TP. Vĩnh Yên, cách Sân bay Nội Bài 50 km, cách cảng Hải Phòng 120 km, cửa khẩu Lạng Sơn 130 km.

Đồng thời, dự án cũng nằm trong tổng thể quy hoạch dự án Tổ hợp Khu đô thị, Công nghiệp, Nông nghiệp và Dịch vụ Yên Bình, thuộc địa bàn xã Tiên Phong thuộc thị xã Phổ Yên và xã Nga My thuộc huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Khu vực này đang hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, rất thuận lợi, bao gồm đường bộ, đường hàng không, đường sắt, và đường thuỷ; có tuyến đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên và đường vành đai 5 Hà Nội đang được hình thành chạy qua, giao nhau tại nút giao Yên Bình, gần sân bay Quốc tế Nội Bài; có ga đường sắt Phổ Yên và cảng sông cấp vùng nằm trong khu vực dự án. Đặc biệt, khu vực dự án đã được Chính phủ cho phép lập kho hàng không kéo dài và chi cục hải quan Thái Nguyên.

Dự án khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình (Ảnh: Khoa học & Đời sống).
Dự án khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình (Ảnh: Khoa học & Đời sống).

Khu công nghiệp CNTT tập trung Yên Bình được xây dựng trên quy mô 200 ha của giai đoạn 1 nhằm mục tiêu xây dựng nên một khu công nghệ thông tin 5 trong 1 bao gồm: Sản xuất; Nghiên cứu phát triển và đào tạo; Khu đô thị sinh thái; Khu thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí; Trung tâm Logistic tạo nên một quần thể khu công nghiệp sinh thái, xanh, sạch, đẹp, đáp ứng các nhu cầu sinh sống, làm việc và vui chơi giải trí cho người dân lao động với đầy đủ các dịch vụ và tiện ích đi kèm.

Trong tương lai, khu công nghiệp CNTT tập trung Yên Bình sẽ là hạt nhân trong việc kết nối và hỗ trợ các dự án công nghệ kỹ thuật cao của tổ hợp Yên Bình mà trước mắt là dự án tổ hợp công nghệ cao Samsung.

Ông Trần Hồng Sơn, phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết: “Các nhà máy sản xuất và các công trình dịch vụ trong khu công nghiệp CNTT tập trung Yên Bình sẽ được xây dựng xứng tầm với khu công nghệ cao, đảm bảo các tiện ích tối đa về không gian sản xuất, làm việc và nghỉ ngơi thư giãn, sáng tạo”.

Đồng thời, khu công nghiệp CNTT tập trung Yên Bình được xây dựng các cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng kỹ thuật cao về công nghệ thông tin nhằm tập trung tiếp cận và mời gọi các công ty xuyên quốc gia, các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực về tài chính, công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Singapore và châu Âu nhằm đón đầu xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai thực hiện Hiệp định thương mại tự do EVFTA.

Diệp Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục