Tận dụng tối đa cơ hội từ Hiệp định EVFTA hậu Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nền kinh tế EU, đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tại các nước EU đang trên đà phục hồi là cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nâng cao hiệu quả của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Tận dụng tối đa cơ hội từ Hiệp định EVFTA hậu Covid-19

Ngày 25/2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo Tác động của Hiệp Định EVFTA sau đại dịch Covid-19 và các biện pháp ứng phó phù hợp.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Covid-19 đã tác động phức tạp tới hiệu quả tác động của EVFTA. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU giảm mạnh trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại châu Âu.

Tháng 4/2020, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU sụt giảm mạnh nhất so với các thị trường và giảm 28,6% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu nhập khẩu của các nước EU giảm. Cả năm 2020, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU giảm 2,7% so với năm 2019.

Trước thực tế đó, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện Báo cáo định lượng tác động của Hiệp định EVFTA trong dịch Covid-19 với các mặt kinh tế xã hội, cũng như các ngành cụ thể.

“Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết và có ý nghĩa nhằm phát huy tốt nhất tác động tích cực và giảm thiểu các tác động tiêu cực của Hiệp định mang lại”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Trần Duy Đông tại Hội thảo. (Ảnh: MPI)

Thứ trưởng Trần Duy Đông tại Hội thảo. (Ảnh: MPI)

Kịch bản khi thực thi EVFTA trong và sau đại dịch Covid-19

Ông Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF) - đại diện nhóm nghiên cứu Báo cáo đánh giá, Covid-19 đã ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống toàn cầu và ảnh hưởng có thể nặng hơn với các nước có độ mở thương mại cao như Việt Nam.

Cụ thể, tình trạng giãn cách xã hội kéo dài khiến cầu tiêu dùng, cầu xuất khẩu giảm. Đứt gãy các chuỗi cung ứng khiến tăng cầu cục bộ với một số sản phẩm và chuyển hướng thương mại. Tăng chi phí làm giảm hiệu quả thương mại và giảm hiệu quả đầu tư; giảm kỳ vọng đầu tư FDI và đầu tư trong nước. Đặc biệt là bất ổn vĩ mô và lạm phát tăng.

Từ đó, NCIF đưa ra những kịch bản khi thực thi EVFTA trong và sau đại dịch Covid-19 để sớm có giải pháp căn cơ, đồng bộ hơn.

Đối với tăng trưởng GDP, theo kịch bản không có Covid-19, GDP năm 2021 sẽ tăng thêm 0,5 điểm phần trăm; nếu có Covid-19, GDP sẽ giảm 0,07 điểm phần trăm. Nếu dịch còn diễn biến phức tạp, mức độ tác động năm 2022 sẽ giảm 0,45 điểm phần trăm và năm 2025 là 0,62 điểm phần trăm.

Đối với xuất khẩu, 60 - 70% lợi ích từ xuất khẩu của Hiệp định sẽ xuất hiện trong các năm đầu thực thi. Lợi ích sau mốc thời gian đó sẽ không còn nhiều. Nếu không có Covid-19, xuất khẩu sang EU sẽ tăng bình quân 5,15% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2025; đến năm 2025 đạt 30,4% và năm 2030 đạt 36,2%. Nếu dịch kéo dài tới năm 2022, tác động sẽ không đáng kể trong năm đầu. Đến năm 2025 xuất khẩu sang EU sẽ giảm còn 25,5%.

Đối với nhập khẩu, theo kịch bản không có Covid-19, nhập khẩu từ EU sẽ tăng thêm khoảng 34,51% năm 2025 và 38,41% năm 2030. Nếu năm 2022 dịch vẫn phức tạp, tác động tới nhập khẩu sẽ giảm đi khoảng 2,9 điểm phần trăm năm 2025 và 3,13 điểm phần trăm năm 2030.

Để tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA

Bà Vũ Thị Thanh Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê đánh giá, EVFTA là bước tiến nhanh, tạo ra cơ hội tốt cho Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu và giao lưu thương mại quốc tế. Nhất là khi nước ta có Hiệp định này trước các nước trong khu vực đúng vào thời điểm EU khôi phục kinh tế.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần nỗ lực nhiều và nhanh hơn nữa, bởi khi các nước châu Âu khôi phục và dần đi vào ổn định, kế hoạch đi vào thị trường tiềm năng này của nước ta sẽ trở nên khó khăn hơn.

Bà Huyền phân tích, lợi ích đầu tiên EVFTA mang lại là ưu đãi thuế quan. Song nhiều mặt hàng sản phẩm ở Việt Nam chưa nhận được ưu đãi này, đơn cử như các sản phẩm dệt may là hàng gia công, ngành công nghiệp phụ trợ của ngành này còn hạn chế và nguyên liệu phần lớn là nhập khẩu. Do đó, doanh nghiệp cần có những giải pháp về hỗ trợ quảng bá thương hiệu ra nước ngoài để được hưởng ưu đãi từ Hiệp định.

Về mặt hàng nông sản, khi các nước bước vào trạng thái bình thường hóa, xu hướng tiêu dùng sẽ tìm đến những sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vậy nên, doanh nghiệp cần nghiên cứu xu hướng tiêu dùng sau dịch để đáp ứng thị trường. Tuy nhiên, trên 80% doanh nghiệp Việt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cần có những chính sách hỗ trợ xuất khẩu từ cơ quản lý nhà nước để tối ưu hóa lợi ích từ EVFTA.

Hơn nữa, xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất và dòng đầu tư sẽ mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc gia tăng sức cạnh tranh và thu hút đầu tư từ EU với nền tảng vững chắc từ EVFTA.

Từ góc độ lao động việc làm, TS. Phạm Ngọc Toàn, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, EVFTA sẽ tạo thêm khoảng 146.000 việc làm, bình quân khoảng 36.500 việc làm/năm, tăng 0,059% so với kịch bản không có EVFTA, tác động mạnh đến nhóm lao động từ 15 - 34 tuổi.

Một số ngành có tác động mạnh từ Hiệp định như: xây dựng (0,065%); công nghiệp chế biến, chế tạo (0,063%); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (0,061%). Tuy nhiên, một số vấn đề được đặt ra như: sự mất cân đối cung cầu về cơ cấu lao động đối với nhóm có trình độ, tay nghề khi các doanh nghiệp phục hồi trở lại; người lao động chưa kịp thích nghi với sự chuyển đổi của doanh nghiệp,...

Như vậy, để EVFTA phát huy hiệu quả đối với tạo việc làm, các vấn đề trên cần được quan tâm giải quyết. Ngoài ra, người lao động cần được đào tạo và đào tạo bổ sung để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

NCIF cũng kiến nghị một số giải pháp cấp thiết như tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện pháp luật; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tăng cường phổ biến tuyên truyền và nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý về EVFTA.

Bên cạnh đó, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, đáp ứng quy tắc xuất xứ; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Đặc biệt, cần giảm thiểu và ứng phó với các yếu tố tiêu cực: cơ cấu lại ngân sách nhà nước; ứng phó với các biện pháp phòng vệ và tranh chấp thương mại…

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục