Tận dụng hiệu quả “đòn bẩy xuất khẩu” từ CPTPP

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ đầu năm 2019 là đòn bẩy để tăng mạnh lượng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mexico, Canada, Nhật Bản...
Cá tra Việt Nam chiếm 98% sản lượng tiêu thụ mặt hàng này tại Australia. Ảnh: Đức Thanh

“Điểm mặt” ngành hàng tăng trưởng xuất khẩu

Dệt may, giày dép, túi xách… là những ngành đã tận dụng tốt cơ hội mở cửa thị trường để tăng xuất khẩu sang Canada, Mexico, Australia… từ khi CPTPP có hiệu lực, trong đó, nổi bật nhất là Canada.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa sang Canada đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, đóng góp chủ lực vẫn là các mặt hàng truyền thống như dệt may, thủy sản, giày dép, nông sản...

Bà Đỗ Thị Thu Hương, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada cho biết, tuy thị phần hàng Việt Nam tại Canada hiện chiếm chưa đến 1% lượng hàng nhập khẩu của Canada, nhưng nhiều mặt hàng đã được đón nhận rất tốt như dệt may, da giày, thủy sản, nội thất... Ngoài ra, thực phẩm, nông sản như cà phê, hạt tiêu, hạt điều, rau, quả… cũng bước đầu tăng trưởng xuất khẩu tích cực.

Theo Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tổng kim ngạch nhập khẩu của 10 quốc gia đối tác trong CPTPP là gần 2.500 tỷ USD. Hiện Việt Nam mới xuất khẩu sang các nước này khoảng 42 tỷ USD, chiếm khoảng 1,7% tổng nhập khẩu của các nước. Do đó, dư địa xuất khẩu của nước ta sang các thị trường này còn lớn.

Đánh giá khái quát hoạt động thương mại nội khối CPTPP, tại phiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, thương mại của Việt Nam với một số thị trường là thành viên CPTPP đã tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, đáng lưu ý là tăng trưởng xuất khẩu sang Canada, Mexico - những nước mà Việt Nam chưa ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) trước đó. Riêng thị trường Nhật Bản, Việt Nam đã có hiệp định trong khuôn khổ ASEAN, nhưng sau khi CPTPP có hiệu lực, thương mại của Việt Nam với Nhật Bản tăng thêm 4%.

Bên cạnh đó, Australia cũng là thị trường có nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu. Sau khi CPTPP có hiệu lực, rau củ, thủy sản từ Việt Nam bước đầu đã tận dụng được cơ hội để tăng xuất khẩu sang Australia. Tăng trưởng xuất khẩu rau củ sang thị trường này 5 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 20%. Đặc biệt, Việt Nam đã chiếm lĩnh thị trường cá tra tại Australia với 98% sản lượng tiêu thụ cá tra tại nước này.

300 mặt hàng giảm thuế sâu

Ngoài việc gia tăng xuất khẩu, một trong những mục tiêu của việc tham gia các FTA là giảm thuế. Để giúp các doanh nghiệp tận dụng cơ hội này, Bộ Tài chính dự kiến ban hành Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi của Việt Nam, dự kiến áp dụng cho 300 mặt hàng để thực hiện Hiệp định CPTPP cho giai đoạn từ tháng 1/2019 đến hết năm 2020.

Được biết, trong dự thảo nghị định về biểu thuế nói trên, có đầy đủ danh sách 300 mặt hàng có mức thuế cắt giảm sâu hơn thuế của các FTA hiện hành. Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan cũng đưa ra sự so sánh thuế suất của các FTA với CPTPP để doanh nghiệp lựa chọn mức thuế ưu đãi sao cho phù hợp và có lợi nhất.

Theo đó, để được áp dụng ưu đãi thuế theo CPTPP, doanh nghiệp phải có C/O ưu đãi là chứng từ xuất xứ đủ điều kiện về nguồn gốc theo quy định của Hiệp định, có thể được cấp cho nhiều lô hàng với điều kiện không quá 12 tháng và có thể cấp cho nhiều nhà nhập khẩu khác nhau.

Được biết, việc ưu đãi thuế đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào các quốc gia trong CPTPP được áp dụng theo 2 giai đoạn. Ngay từ cuối năm 2018, 4 quốc gia gồm Canada, Australia, New Zealand và Singapore đã cho phép xóa bỏ thuế quan đối với các sản phẩm thủy sản, gạo, cà phê, rau quả... từ Việt Nam; hàng nhập khẩu cũng tương tự. Còn một số nước như Mexico, Chi-lê, Pê-ru thì áp dụng từ năm 2019.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục