Ông Sơn Chí Tân, Người phụ trách quản trị tại Petrosetco đăng ký bán 40.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 44.700 cổ phiếu (0,04% vốn điều lệ), xuống 4.700 cổ phiếu, giao dịch được thực hiện từ ngày 22/9 đến ngày 29/9.
Bối cảnh lãnh đạo đăng ký bán ra, từ ngày 20/3 đến ngày 18/9, cổ phiếu PET tăng 55,1%, từ 18.380 đồng, lên 28.500 đồng/cổ phiếu.
Một nhà đầu tư cá nhân rời ghế cổ đông lớn tại Petrosetco sau hơn 1,5 tháng
Một diễn biến đáng lưu ý khác, ngày 11/9, ông Cao Trường Sơn, một nhà đầu tư cá nhân vừa bán ra 900.000 cổ phiếu PET để giảm sở hữu từ 5,48%, về còn 4,46% vốn điều lệ.
Như vậy, sau giao dịch, ông Cao Trường Sơn chính thức không còn là cổ đông lớn tại Petrosetco, đồng thời không có nghĩa vụ công bố thông tin.
Trước đó, ngày 27/7, ông Cao Trường Sơn thực hiện mua 3,66 triệu cổ phiếu PET để nâng sở hữu từ 1,78%, lên 5,49% vốn điều lệ và chính thức trở thành cổ đông lớn tại Petrosetco. Trong đó, mặc dù giao dịch ngày 27/7 nhưng ông Cao Trường Sơn công bố thông tin ngày 5/9, điều này có nghĩa là sau hơn 1 tháng thực hiện giao dịch, ông Cao Trường Sơn mới báo cáo kết quả giao dịch khi trở thành cổ đông lớn.
Như vậy, khoảng 1,5 tháng trở thành cổ đông lớn, ông Cao Trường Sơn đã bán ra và chính thức không còn là cổ đông lớn tại Petrosetco.
Nửa đầu năm 2023, lợi nhuận giảm 58,4%, về 43 tỷ đồng
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý II/2023, Petrosetco ghi nhận doanh thu đạt 4.503,5 tỷ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 3,3 tỷ đồng, giảm 77,6% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 8,5%, xuống còn 3,4%.
Được biết, theo dữ liệu của Chứng khoán SSI, từ quý I/2010 tới nay, chưa bao giờ biên lợi nhuận gộp của Công ty giảm xuống dưới 3,4%. Trong đó, biên lợi nhuận gộp trong 6 năm trở lại đây dao động từ 4,97% đến 6,99%. Như vậy, đây là mức biên lợi nhuận thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 48,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 141,38 tỷ đồng, xuống 151,21 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 151,1%, tương ứng tăng thêm 57,15 tỷ đồng, lên 94,98 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 53,85, tương ứng giảm 121,18 tỷ đồng, xuống 103,95 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 51,4%, tương ứng tăng thêm 45,76 tỷ đồng, lên 134,82 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý II/2023, Công ty ghi nhận lỗ 87,56 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 21,6 tỷ đồng, tăng lỗ thêm 65,96 tỷ đồng.
Như vậy, trong quý II, lợi nhuận gộp của Petrosetco tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, Công ty chỉ thoát lỗ nhờ vào doanh thu tài chính tăng đột biến.
Công ty lý giải lợi nhuận giảm trong kỳ do nhu cầu của thị trường sụt giảm nên các sản phẩm trên toàn thị trường đồng loạt giảm giá. Điều này làm cho biên lợi nhuận gộp giảm mạnh trong kỳ.
Luỹ kế trong 6 tháng đầu năm 2023, Petrosetco ghi nhận doanh thu đạt 8.749,3 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 43 tỷ đồng, giảm 58,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2023, Petrosetco đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 18.000 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 240 tỷ đồng, tăng 43% so với thực hiện trong năm 2022. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2023, Petrosetco mới hoàn thành 17,9% so với kế hoạch lợi nhuận năm và cách rất xa kế hoạch lãi 240 tỷ đồng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/9, cổ phiếu PET giảm 1.000 đồng, về 28.500 đồng/cổ phiếu.