Trao đổi với ĐTCK trước thềm Xuân mới, tân Chủ tịch DPM chia sẻ lý do rất giản dị mà cũng đầy ý nghĩa của việc trở thành cổ đông Tổng công ty: “Tôi mua cổ phiếu của DPM cũng như những doanh nghiệp tôi từng công tác.Điều này thay cho lời cam kết trước cổ đông rằng, trên cương vị của mình, tôi sẽ nỗ lực hết sức để đưa Tổng công ty hoạt động hiệu quả và bền vững hơn”.
Thưa ông, năm 2013, thị phần của DPM có thay đổi gì, khi sản phẩm của DPM chịu sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các sản phẩm cùng loại trên thị trường?
Trước đây, khoảng 50% nhu cầu urê trong nước phụ thuộc vào hàng nhập khẩu, 50% còn lại là do DPM và Đạm Hà Bắc cung cấp. Từ năm 2012, nhiều nhà máy phân đạm mới trong nước đi vào hoạt động, nên thị phần của urê nhập khẩu cũng co hẹp lại. Tuy nhiên, DPM vẫn duy trì được thị phần như những năm trước, tức chiếm khoảng 40% thị phần cả nước.
Các nhà máy của DPM vẫn hoạt động với công suất tối đa, sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Năm 2013, tổng nhu cầu toàn thị trường là 2 triệu tấn, thì sản lượng bán hàng Đạm Phú Mỹ chiếm tới 808.000 tấn. Bên cạnh đó, nhờ đẩy mạnh kinh doanh các sản phẩm phân bón khác, đạt tổng sản lượng khoảng 360.000 tấn, cũng góp phần tăng thêm thị phần của DPM trên thị trường phân bón nói chung.
Giá urê thế giới và trong nước đang trong xu hướng giảm. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty cụ thể ra sao, thưa ông?
Năm 2013, giá urê thế giới và trong nước đều giảm và xu hướng này vẫn còn tiếp tục trong năm 2014. Điều này sẽ tác động đến kết quả kinh doanh của DPM nói riêng và các công ty sản xuất - kinh doanh phân đạm nói chung. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận năm 2013 của DPM dù vượt mức kế hoạch đề ra, nhưng vẫn thấp hơn mức thực hiện của các các năm.
DPM vẫn có lợi thế so với DN cùng ngành về chất lượng, thương hiệu sản phẩm, năng lực, kinh nghiệm quản lý sản xuất, điều hành kinh doanh, hệ thống phân phối… Tuy nhiên, DPM cũng nhận định, khó khăn chính của năm nay là xu hướng giá và sức ép cạnh tranh trên thị trường trong nước.
Ngoài ra, nhà máy của DPM đã qua 10 năm tuổi, dù được bảo dưỡng, sửa chữa tốt, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro trong vận hành sản xuất. Một số khoản chi phí lớn như khí đầu vào, chi phí vận chuyển cũng gia tăng. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh năm 2014 của DPM, nhiều khả năng sẽ không đạt được mức thực hiện của năm 2013.
Thưa ông, với kết quả lợi nhuận vượt kế hoạch đề ra, DPM có dự định điều chỉnh cổ tức năm 2013?
Chúng tôi sẽ trình ĐHCĐ thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2013 tại phiên họp thường niên sắp tới và tin rằng, với kết quả lợi nhuận vượt kế hoạch thì mức cổ tức ĐHCĐ thông qua sẽ cao hơn so với kế hoạch đầu năm.
Được biết, DPM đang có chiến lược đầu tư sản xuất phân bón hóa chất, xin ông cho biết tiến độ triển khai các dự án này?
Đầu tư phát triển các dự án sản xuất về phân bón hóa chất là điều trăn trở và tâm huyết của Ban lãnh đạo DPM lâu nay, nhưng kết quả thực tế lại chưa được như kỳ vọng, xuất phát từ những yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan.
Hiện DPM đang tập trung đẩy mạnh tiến độ hai dự án phân bón hóa chất quan trọng.
Thứ nhất là dự án sản xuất hóa chất UFC85/Formaldehyde 20.000 tấn/năm, đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu EPC và dự kiến khởi công trong quý I/2014, thời gian hoàn thành là 20 tháng.
Thứ hai là tổ hợp dự án nâng công suất xưởng amoniac Nhà máy DPM thêm 90.000 tấn/năm và sản xuất 250.000 tấn phân NPK từ công nghệ hóa học. Dự án này đã hoàn thành báo cáo đầu tư và đang trình cấp có thẩm quyền xem xét. Khi đi vào hoạt động, hai dự án này sẽ giúp DPM có sự tăng trưởng khá về năng lực sản xuất và tiêu thụ từ năm 2016.
Lý do ông quyết định đăng ký mua 50.000 cổ phiếu DPM là gì, thưa ông?
Trước khi về nhận nhiệm vụ tại DPM, tôi đã đảm nhận vai trò Phó tổng giám đốc Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (PVS). Khi đó, tôi cũng là một cổ đông của PVS.
Quyết định đăng ký mua cổ phiếu DPM cũng như cổ phiếu của các đơn vị tôi công tác như một lời cam kết với cổ đông, các NĐT rằng, trên cương vị của mình, tôi sẽ nỗ lực hết sức để đưa Tổng công ty hoạt động ngày càng hiệu quả và bền vững hơn.