16 “tân binh”
Các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, doanh nghiệp bảo hiểm mới là những doanh nghiệp có thời gian hoạt động dưới 6 năm. Căn cứ vào tiêu chí trên, “tân binh” trong khối bảo hiểm nhân thọ là Hanwha, Fubon, VietinBank Aviva, Vietcombank Cardift, Generali, PVI Sun Life, Phú Hưng (thành lập cuối năm 2013); “tân binh” trong khối bảo hiểm phi nhân thọ là Hàng không, Hùng Vương, BSH, MSIG, Fubon, Xuân Thành, Cathay; “tân binh” tái bảo hiểm là PVI Re.
Hầu hết doanh nghiệp này chưa thu được lợi nhuận, một phần do khó khăn của nền kinh tế ảnh hưởng đến hoạt động khai thác bảo hiểm; khó khăn trong công tác đầu tư. Thua lỗ cũng diễn ra ở một số doanh nghiệp cũ, nhưng với doanh nghiệp mới, do chưa tạo dựng được chỗ đứng bên cạnh các “lão làng” nên mọi thứ đều khó khăn hơn, doanh thu ở mức thấp.
Những doanh nghiệp lỗ lớn
Báo cáo kiểm toán của các doanh nghiệp bảo hiểm cho thấy, năm 2013 vừa qua, một số doanh nghiệp cả cũ và mới có chi phí cao gấp 2 - 3 lần doanh thu khai thác bảo hiểm.
Cụ thể, năm 2013, Generali Việt Nam đạt 42,6 tỷ đồng doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, lỗ sau thuế 81,7 tỷ đồng (năm 2012 lỗ 59,2 tỷ đồng), nâng mức lỗ lũy kế lên 146,7 tỷ đồng sau gần 3 năm hoạt động.
Hoạt động được 7 năm (thành lập năm 2007), nhưng năm 2013, Great Eastern Việt Nam lỗ sau thuế 89,5 tỷ đồng (năm 2012 lỗ 107,3 tỷ đồng), nâng lỗ lũy kế lên 283,8 tỷ đồng. Doanh thu từ bảo hiểm năm 2013 của Great Eastern Việt Nam chỉ đạt 32 tỷ đồng (năm 2012 là 103 tỷ đồng), trong khi tổng chi phí là 178,2 tỷ đồng.
Bảo hiểm Phú Hưng (thành lập năm 2006) lỗ sau thuế 21,6 tỷ đồng trong năm 2013.
Liberty trong gần 8 năm hoạt động, chưa năm nào có lãi. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của ĐTCK, doanh nghiệp này bắt đầu có lãi trong quý I/2014.
Được ghi nhận là có tốc độ tăng trưởng số lượng hợp đồng có hiệu lực cao, nhưng lợi nhuận với Generali, Aviva (cùng được thành lập năm 2011) và Vietcombank Cardif chưa biết bao giờ mới có.
Bất ngờ
Mặc dù đều là doanh nghiệp mới, nhưng cả 2 doanh nghiệp bảo hiểm thuộc hệ thống PVI Holdings là PVI Re và PVI Sun Life đều có lãi trong năm 2013. Trong đó, PVI Re (thành lập năm 2011) lãi sau thuế 59 tỷ đồng; năm 2014, Công ty đặt kế hoạch lãi sau thuế 109 tỷ đồng. PVI Sun Life đạt lợi nhuận trên 200 tỷ đồng ngay từ năm đầu hoạt động (năm 2013).
Trong báo cáo của Bộ Tài chính, PVI Sun Life không có tên trong danh sách các doanh nghiệp đạt chất lượng đại lý và chất lượng sản phẩm, dịch vụ tăng dẫn đến chất lượng hợp đồng khai thác mới tăng, nhưng doanh nghiệp này được ghi nhận đã thành công bước đầu nhờ sáng tạo lối đi riêng và khai thác được lợi thế của khách hàng tiềm năng (liên quan đến PVI Holdings, PVN…).
Cơ hội lớn từ khách hàng, đối tác tiềm năng cũng là lợi thế riêng tại PVI Re khi kết quả kinh doanh khả quan năm 2013 của Công ty có sự ủng hộ của PVI Holdings, Bảo hiểm PVI (công ty con thuộc PVI Holdings) cùng các đối tác chiến lược của PVI Holdings như Talanx, Hannover Re…
Hầu hết “tân binh” khác, nhất là doanh nghiệp hoạt động theo mô hình liên doanh vẫn còn khá “chới với”, nếu không tạo được sự khác biệt như một lối đi riêng thì sẽ khó gây dựng chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với các doanh nghiệp bảo hiểm mới, việc thua lỗ trong 5 - 6 năm đầu hoạt động là chuyện bình thường.