Đầu tư công có vẻ như là trụ cột được các nhà đầu tư kỳ vọng lớn nhất trong việc “giữ lửa” thị trường những tháng cuối năm khi trên hầu hết diễn đàn chứng khoán, các cổ phiếu được cho là hưởng lợi từ hoạt động đầu tư của Chính phủ được “điểm mặt, chỉ tên” và bàn luận rất sôi nổi.
Còn theo thống kê của HOSE, trong tháng 8, chỉ số ngành công nghiệp (VNIND) tăng 11,96% và ngành nguyên vật liệu (VNMAT) tăng 8,21% so với tháng trước đó. Đây là mức tăng đáng kể khi VN-Index đã có những ngày điều chỉnh giảm mạnh và hết tháng qua chỉ tăng 1,64%.
Rất dễ kết nối sự liên quan giữa việc tăng điểm, hút dòng tiền của rổ cổ phiếu ngành công nghiệp vật liệu xây dựng với câu chuyện Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công khi trong thời gian qua, nhiều động thái đốc thúc đẩy nhanh tiến độ và những con số đầu tư công phải giải ngân từ nay đến cuối năm được cập nhật.
Nhìn lại tháng 7/201, tháng bắt đầu thực hiện giãn cách tại TP.HCM theo Chỉ thị 16 ở mức độ cao, Tập đoàn Hòa Phát cho biết, sản lượng bán hàng giảm mạnh ở thị trường phía Nam nhưng tổng sản lượng vẫn tăng so với cùng kỳ nhờ các dự án đầu tư công vẫn triển khai.
Tiêu thụ chung của toàn ngành thép có thể được cải thiện nhờ đầu tư công, nhưng nếu chỉ nhìn riêng nhóm cổ phiếu thép niêm yết thì mức độ hưởng lợi từ đầu tư chênh lệch nhau rất lớn. Trong khi đó, dòng tiền chỉ cần nhìn một cổ phiếu đầu ngành hưởng lợi là lan tỏa ra các cổ phiếu khác.
Sóng cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công đã diễn ra không ít lần trên thị trường chứng khoán và vừa quay trở lại trên thị trường khi Chính phủ có những thông điệp về đẩy mạnh đầu tư công để thực hiện kế hoạch tăng trưởng trong nửa cuối năm.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một thực tế là việc giải ngân đầu tư công trong thời điểm các địa phương đều căng mình chống dịch chủ yếu nằm ở chủ trương, hồ sơ hơn là đi vào công đoạn giải ngân, nhất là đối với những tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội nghiêm ngặt.
Trong khi đó, dựa vào 2 chữ kỳ vọng, nhiều cổ phiếu ngành vật liệu xây dựng, ngành đá, nhựa đường, đã tăng giá vài chục phần trăm trong gần một tháng qua…
Đó là chưa kể nhìn lại những cổ phiếu mà trong quá khứ đã từng tăng giá rất mạnh nhờ kỳ vọng hưởng lợi từ đầu tư công thì thực tế doanh thu và lợi nhuận lại không tăng trưởng trong giai đoạn đầu tư công được giải ngân mạnh, như nửa cuối năm 2020.
Rõ ràng, trong thời điểm nguồn vốn đầu tư tư nhân co lại vì giãn cách và cả tâm lý thận trọng thì việc đẩy mạnh đầu tư công là chủ trương quan trọng và cần thiết, nhưng nó hoàn toàn có thể bị chậm trễ, không đạt 100% kế hoạch giải ngân do lý do khách quan là dịch bệnh và việc cung ứng vật liệu, nhân công bị gián đoạn.
Như vậy, việc nắm giữ không ít cổ phiếu được cho là hưởng lợi từ đầu tư công trên thị trường hiện nay có thể là “ứng trước kỳ vọng”, chứ khó trông chờ các doanh nghiệp này tăng trưởng thực chất ngay trong năm nay nhờ đầu tư công được đẩy mạnh giải ngân.
Dòng tiền trên thị trường chứng khoán luôn đi theo những câu chuyện để tìm kiếm cơ hội sinh lời nhanh và nhiều doanh nghiệp niêm yết ngành vật liệu, xây lắp… có thể hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư công là một câu chuyện hấp dẫn, nhưng có lẽ “chuyện hay còn ở… thì tương lai”.
Đâu là những kỳ vọng hợp lý, đâu là những câu chuyện “đuổi hình bắt bóng” và quan trọng nhất là tận dụng các con sóng tạo ra bởi kỳ vọng như thế nào để khi thủy triều rút… không bị mất tiền là những chủ đề mà Đầu tư Chứng khoán muốn cùng bàn luận với nhà đầu tư trong Tiêu điểm số báo tuần này.