Tâm tư của một doanh nhân làm khoa học

Đứng đầu một doanh nghiệp đặc biệt, câu chuyện của TS. Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế số 1 (Vabiotech) chủ yếu là những tâm sự của nhà khoa học luôn khát khao đem lại những sản phẩm phòng bệnh tốt nhất cho cộng đồng.
Tâm tư của một doanh nhân làm khoa học

Niềm tự hào

Tuy cũng là một doanh nghiệp, nhưng hoạt động của một doanh nghiệp chuyên nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh vắc-xin như Vabiotech khác xa các doanh nghiệp trong tất cả những ngành nghề khác. Sự cạnh tranh ở đây không đơn thuần là cuộc đua giữa các doanh nghiệp để thu hút khách hàng, mà ở tầm vóc cao hơn - cuộc chạy đua đưa nền khoa học nước nhà phát triển theo kịp sự tiến bộ của nền khoa học thế giới.

Mạnh dạn chia sẻ suy nghĩ ấy với TS. Đỗ Tuấn Đạt, nhưng thú thật, tôi có chút lo ngại vì sợ bị cho là “múa rìu qua mắt thợ”. Đáp lại, ông nở nụ cười thân thiện và say sưa kể về chặng đường vươn tới đỉnh cao khoa học trong nghiên cứu, tự chủ công nghệ sản xuất vắc-xin tại Việt Nam của Vabiotech.

Vabiotech được thành lập năm 2000, ban đầu là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, sau được chuyển sang trực thuộc Bộ Y tế. Hiện tại, Vabiotech cung ứng 4 sản phẩm vắc-xin (viêm gan A, viêm gan B, viêm não Nhật Bản và tả uống) cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cũng như nhu cầu phòng bệnh của nhân dân.

“Sự đóng góp của Vabiotech đã giúp Việt Nam tự chủ nguồn vắc-xin, ngày càng giảm sự lệ thuộc vào vắc-xin nhập khẩu, đem lại niềm vui và tiếng cười cho hàng triệu người dân mỗi năm”, ông Đạt không giấu giếm niềm tự hào.

Bên cạnh đó, Vabiotech phát triển hợp tác với các nhà sản xuất có uy tín và thương hiệu lớn trên thế giới để sản xuất và kinh doanh các loại vắc-xin và chế phẩm sinh học khác như: Các loại sinh phẩm chẩn đoán (HBsAg, anti-HBs, anti-HCV, HIV…), các loại sinh phẩm điều trị (Erythropoietin, Insulin, Albumin, Globulin…), các loại vắc-xin (quai bị, rubella, viêm màng não do não mô cầu, thủy

đậu, Hib…).

Với sự khiêm nhường của một doanh nhân xuất thân từ nhà khoa học, tuy là người đứng đầu Vabiotech, nhưng ông Đạt không nhận những thành quả mà Vabiotech đang có hôm nay là do mình gây dựng. Ông nói, đó là kết quả lao động sáng tạo của nhiều thế hệ các nhà khoa học, từ thời kỳ còn là một bộ phận nghiên cứu thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho đến khi tách ra trở thành công ty độc lập.

Về hành trình nghiên cứu để làm chủ công nghệ sản xuất vắc-xin của Vabiotech trong 14 năm kể từ khi thành lập đến nay, ông Đạt cho biết, mỗi sản phẩm gốc mà Công ty đang cung ứng cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đều gắn với tên tuổi một nhà khoa học lớn.

Chẳng hạn, vắc-xin bại liệt là thành quả của GS. Hoàng Thủy Nguyên, nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Vắc-xin viêm não Nhật Bản là kết quả nghiên cứu của GS. Huỳnh Phương Liên. Vắc-xin viêm gan B là kết quả từ các công trình của GS. Nguyễn Thu Vân. Và vắc-xin tả uống gắn với tên tuổi của cố GS. Đặng Đức Trạch. Đây đều là những “cây đa, cây đề” của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Riêng GS. Nguyễn Thu Vân sau này trở thành Giám đốc Vabiotech từ ngày đầu thành lập năm 2000 cho đến năm 2012.

Nói về các thế hệ tiền bối, ông Đạt luôn bày tỏ thái độ vô cùng kính trọng. Ông bảo, ông trưởng thành, tiến bộ một phần nhờ được nhiều năm cùng làm việc, nghiên cứu với những người thầy tài năng, mẫu mực. Năm 2012, sau khi GS. Nguyễn Thu Vân nghỉ hưu, ông được Bộ Y tế tin tưởng giao trọng trách Giám đốc Vabiotech.

Trách nhiệm lớn lao

Đảm nhiệm cương vị Giám đốc Vabiotech, trách nhiệm lớn lao nhưng đáng tự hào đối với ông Đạt là thực hiện tiếp tâm huyết của các thế hệ đàn anh, đưa nền khoa học vắc-xin nước nhà vươn tới những đỉnh cao mới. Đó cũng là niềm hy vọng mà xã hội và ngành y tế đặt lên vai Vabiotech trong việc đảm bảo sự tự chủ nguồn vắc-xin nội trong cuộc chiến với dịch bệnh.

Đáp lại kỳ vọng này, ông Đạt và các cộng sự không quản ngày đêm, tiếp tục miệt mài nghiên cứu. Công sức lao động khoa học không mệt mỏi của các nhà khoa học tại Vabiotech đang tiếp tục gặt hái được những kết quả rõ ràng. “Trong một ngày không xa nữa, cuối năm 2014, Vabiotech sẽ đưa ra trình làng một loại vắc-xin mới là vắc-xin cúm A/H5N1”, ông Đạt rạng ngời chia sẻ.

Tuy nhiên, một trong những công trình mà ông Đạt cùng các đồng nghiệp ở Vabiotech đang dành gần hết tâm huyết của mình là nghiên cứu, chế tạo vắc-xin Hib cộng hợp phòng bệnh viêm màng não mủ, viêm phổi ở trẻ em. Hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đang sử dụng 11 loại vắc-xin thì Việt Nam đã sản xuất được 10 loại, chỉ còn vắc-xin Hib là vẫn đang phải nhập khẩu.

Với những gì mà ông Đạt cùng các cộng sự đang làm, giấc mơ có thể chủ động nốt loại vắc-xin còn lại cũng không còn bao xa. Công việc này đã được Vabiotech thực hiện từ cách đây 10 năm và đang chuẩn bị tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I. Nếu mọi việc suôn sẻ, mà ông Đạt tin chắc như vậy, thì chỉ cần 2 - 3 năm nữa thôi, Vabiotech có thể hoàn tất các công đoạn nghiên cứu và đưa sản phẩm ra đăng ký và sử dụng.

“Việc nghiên cứu sản xuất vắc-xin Hib sản xuất trong nước bắt nguồn từ nhu cầu của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, nhưng một lý do quan trọng nữa là chúng tôi muốn tiếp cận công nghệ sản xuất vắc-xin ở một trình độ cao hơn”, ông Đạt nói về những ý tưởng ban đầu khi Vabiotech quyết định bắt tay vào chinh phục công nghệ sản xuất vắc-xin Hib.

Rồi ông say sưa giải thích, tất cả các loại vắc-xin vi khuẩn do Việt Nam sản xuất là vắc-xin toàn tế bào, chỉ cần nuôi con vi khuẩn, bất hoạt nó, rồi tiêm vào cơ thể con người. Còn công nghệ sản xuất vắc-xin Hib mà Vabiotech đang nghiên cứu là tách chiết một phần kháng nguyên của vi khuẩn - một phương pháp mới chưa từng có ở Việt Nam.

Là công nghệ phức tạp hơn rất nhiều so với công nghệ trước kia, nhưng những loại vắc-xin sản xuất theo công nghệ mới này sẽ giảm mức độ phản ứng của cơ thể khi sử dụng, theo đó giảm được rủi ro do biến chứng khi sử dụng vắc-xin. Ngoài Hib là đề tài cấp nhà nước, Vabiotech cũng đang có nhiều công trình khoa học khác và sẽ có sản phẩm trong một vài năm tới. Đây đều là những sản phẩm được ứng dụng công nghệ mới lần đầu Việt Nam thực hiện được.

Một trong số đó là vắc-xin dại được sản xuất trên công nghệ nuôi cấy tế bào. Thực tế, Việt Nam đã sản xuất vắc-xin dại từ lâu, nhưng sử dụng công nghệ cũ là nuôi cấy não chuột đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo không sử dụng. Từ năm 2007, Việt Nam cũng dừng sử dụng vắc-xin dại trên não chuột và đến nay, toàn bộ vắc-xin dại đều phải nhập khẩu với giá cao, vượt quá khả năng chi trả của những người nghèo.

“Năm 2015, Vabiotech sẽ có thể đưa vắc-xin dại trên nuôi cấy tế bào vào thử nghiệm trên người và chi phí cho một liều vắc-xin do Vabiotech sản xuất sẽ chỉ bằng 1/2 đến 1/3 chi phí sử dụng vắc-xin nhập khẩu”, ông Đạt hồ hởi và cho biết, Vabiotech cũng đang bắt tay vào nghiên cứu sản xuất vắc-xin viêm não Nhật Bản trên nuôi cấy tế bào, vắc-xin tay chân miệng…

Với niềm tin rằng: “Sự trung thực và tính minh bạch tạo nên lòng tin, sự say mê và tinh thần trách nhiệm tạo nên giá trị, sự chia sẻ và hợp tác tạo nên thành công”, TS. Đỗ Tuấn Đạt và các công sự đã không phụ lòng tin và tâm huyết của các thế hệ đi trước và họ vẫn đang vững bước trên con đường chinh phục những đỉnh cao mới của nền khoa học nước nhà.

Chân dung doanh nhân Đỗ Tuấn Đạt

- Sinh năm 1973.

- 1986 -1992: học Đại học Y Hà Nội;

- 1993 - 1997: học thạc sỹ y khoa chuyên ngành truyền nhiễm tại Đại học Y Hà Nội;

-Năm 1997: làm việc tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương;

- Năm 2000: làm việc tại Công ty TNHH một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm Y tế số 1 (Vabiotech);

- Năm 2004: bảo vệ thành công luận án tiến sỹ;

- Năm 2013: đảm nhiệm cương vị Giám đốc Vabiotech sau khi GS. Nguyễn Thu Vân đến tuổi nghỉ hưu.

Chí Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục