Tâm thế mở cửa quyết định phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong tháng 10/2021, Đề án phục hồi kinh tế sẽ được trình, với quan điểm là vượt qua khó khăn trước, rồi mới có thể phục hồi.
Mở cửa được coi như máy trợ thở giúp doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn và phục hồi phát triển. Ảnh: Đ.T Mở cửa được coi như máy trợ thở giúp doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn và phục hồi phát triển. Ảnh: Đ.T

Mở cửa là cỗ máy trợ thở cho doanh nghiệp

Sáng 29/9, phiên họp toàn thể lần thứ hai của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội diễn ra trùng thời điểm Tổng cục Thống kê công bố tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, kéo GDP 9 tháng chỉ tăng 1,42%.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, đây là con số rất sốc, chưa bao giờ xuất hiện từ năm 1990 - khi Việt Nam tính và công bố GDP theo quý đến nay.

Trước đó, ông Phương cho biết, đối chiếu với Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 được Quốc hội thông qua, dự kiến 4/12 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra, gồm tốc độ tăng trưởng GDP ước 3,5-4% (mục tiêu là 6%), tốc độ tăng năng suất lao động xã hội ước 3,7% (mục tiêu là 4,8%), tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ước 28% (mục tiêu 45-47%) và mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 0,5-1% (mục tiêu 1-1,5%).

Ý kiến chung của nhiều thành viên Ủy ban Kinh tế là dù rất nhiều khó khăn, nhưng kinh tế 9 tháng vẫn có điểm sáng, khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được giữ vững.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thẳng thắn nhìn nhận thì kết quả có thể cao hơn, doanh nghiệp và người dân sẽ không khó khăn đến thế, nếu chính sách về phòng chống dịch Covid-19 được thực hiện nhất quán, các gói hỗ trợ được triển khai hiệu quả hơn.

Ông Vũ Tiến Lộc, thành viên Ủy ban Kinh tế, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nói đến tình thế nguy hiểm khi trong quý III, kinh tế Việt Nam suy giảm mạnh, trong khi các đối tác phục hồi rất mạnh mẽ và các đối thủ cạnh tranh cũng đang phục hồi.

“Nguy cơ lỡ nhịp, tức là mất cơ hội, là tình thế của nền kinh tế Việt Nam mấy tháng qua. Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhận xét, Việt Nam từ ngôi sao xuống dưới mức trung bình, xuống nhóm cuối cùng, ở vị trí khoá đuôi”, ông Vũ Tiến Lộc nhận xét.

Ông Lộc cũng nhấn mạnh, sức chống chịu của nền kinh tế đã tới hạn, rất nhiều doanh nghiệp đã kiệt quệ.

Trong hoàn cảnh đó, theo ông Lộc, tâm thế mở cửa sẽ là thông điệp quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang khó khăn, mở cửa sẽ là “cỗ máy trợ thở” cho họ. Quý IV/2021 sẽ là thời gian vàng để mở cửa, nếu chậm hơn thì giá phải trả vô cùng đắt. Nhưng theo ông Lộc, mở cửa cần phải có chuẩn mực, có lộ trình, có công cụ để thực hiện nhất quán, có các phương án khác nhau ứng phó với các cấp độ của bệnh dịch.

Đồng tình, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, y tế phải đồng hành cho được với mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, phải hết sức linh hoạt, phù hợp với từng hoàn cảnh, đối tượng.

“Cũng là xét nghiệm, nhưng cho lái xe khác, công nhân khác, công chức khác, nếu quyết tâm thì tháo gỡ được vấn đề này. Tôi đã có thư gửi riêng cho Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị thay đổi thời gian xét nghiệm cho phù hợp”, ông Trí chia sẻ.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị, Chính phủ đã chuyển dịch từ "Zero Covid" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19, song nhiều địa phương vẫn cứng nhắc trong chống dịch, nên cần đưa mục tiêu trên vào kế hoạch năm sau để thống nhất quan điểm và thống nhất trong thực hiện.

Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang), Chính phủ cần cấm và xử lý nghiêm các địa phương đưa thêm các quy định xâm hại lợi ích của công dân, doanh nghiệp. “Các nhà đầu tư nước ngoài phản ánh rất nhiều, sự bất định của chính sách làm giảm niềm tin của nhà đầu tư”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Trình Quốc hội một mức tăng trưởng

Báo cáo dự kiến kế hoạch năm sau, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu rõ, tuy năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút; còn tiềm ẩn nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới, khu vực.

Ông Phương cho biết, dự kiến Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 có 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó, tốc độ tăng GDP đạt khoảng 6-6,5%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt khoảng 5,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 67%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27-27,5%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1-1,5%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 92%...

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Luận, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, đây là những chỉ tiêu khá cao, trong bối cảnh dịch bệnh còn tác động trong dài hạn.

“Chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1-1,5% là bằng năm 2021, nhưng năm nay chỉ tiêu này không đạt. Diễn biến dịch dự báo còn phức tạp, kéo dài, tác động từ các biện pháp phòng, chống dịch đến người dân, nhất là những người nghèo, vẫn chưa tính được hết, nên sắp tới vẫn khó khăn”, ông Luận phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng gợi ý, nên có 2 kịch bản với 2 mức tăng GDP để chủ động ứng phó.

Trao đổi lại, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, báo cáo tại phiên họp này là do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, sau khi Trung ương cho ý kiến thì mới báo cáo Chính phủ để chính thức trình Quốc hội. “Nhiều hơn một kịch bản GDP như ý kiến đại biểu thì sẽ xây dựng trong điều hành, còn trình Quốc hội chỉ một phương án”, ông Phương lý giải.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, trong tháng 10/2021 sẽ trình Chính phủ Đề án phục hồi kinh tế, với quan điểm là vượt qua khó khăn trước, rồi mới có thể phục hồi. Nền kinh tế đang ốm nặng, thì trước hết phải khỏi bệnh, rồi phải dựa vào xu thế quốc tế, bám theo các đối tác đang phục hồi và tiếp đến là tận dụng cải cách thể chế và kế hoạch này sẽ thực hiện từ năm 2022- 2023.

Với câu hỏi động lực của nền kinh tế năm sau là gì, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu 3 động lực, gồm sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu và đầu tư, song hiệu quả phụ thuộc lớn vào việc kiểm soát Covid-19.

Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng hướng dẫn thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh. “Tới đây, cũng sẽ kiểm soát để giảm giá thuê đất cho doanh nghiệp, hỗ trợ về lao động, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và hy vọng nền kinh tế sẽ phục hồi”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Rất băn khoăn với chính sách tài khóa và tiền tệ

Phát biểu cuối phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, ông rất băn khoăn với chính sách tài khóa và tiền tệ, khi các chuyên gia và đại biểu còn có ý kiến trái ngược nhau. Có ý kiến khuyến nghị nên tăng bội chi để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, nhưng cũng có ý kiến nói cần hỗ trợ lãi suất.

Cho rằng, đây là vấn đề rất phức tạp, Phó chủ tịch đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ủy ban Kinh tế tổ chức họp chuyên đề về phối hợp hai chính sách tiền tệ và tài khóa, tham mưu cho Quốc hội có quyết sách phù hợp.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục