Tạm quên TTCK, bất động sản mới là mối lo thực sự của Trung Quốc

(ĐTCK) Bất động sản là một trong những động lực chủ chốt góp phần vào sự phát triển thần tốc của kinh tế Trung Quốc trong một thập kỷ qua. 

Các hoạt động trong lĩnh vực này tăng trưởng nhanh chóng, từ đóng góp 4% GDP năm 1997, lên 15% GDP năm 2014 (theo số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc).

Hiện nay, bất động sản chiếm 15% lượng tài sản đầu tư cố định và 15% nguồn nhân công tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Các khoản cho vay bất động sản chiếm 20% tổng các khoản cho vay của hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Sức khỏe của lĩnh vực bất động sản có mối liên hệ trực tiếp tới sự lên/xuống của các ngành công nghiệp, dịch vụ cũng như là chìa khóa đối với khu vực tài chính.

Tuy nhiên, các hoạt động đầu tư vào bất động sản tại Trung Quốc đã yếu dần đi kể từ năm 2014. Các số liệu được công bố cho thấy, tốc độ tăng trưởng của giá nhà ở giảm dần, các giao dịch mua bán nhà thu hẹp lại và hoạt động đầu tư cũng giảm xuống. Nếu như trong năm 2012, thị trường bất động sản Trung Quốc có xu hướng chậm lại là bởi các chính sách thặt chắt của Chính phủ trước mối lo bất động sản quá nóng, thì hiện tại, nguyên nhân của sự suy giảm là từ sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc.
Mới đây, Ngân hàng Barclays đã công bố một báo cáo cho thấy, bất động sản Trung Quốc mới là vấn đề đáng quan ngại hiện tại. Nhóm chuyên gia kinh tế tại Barclays, đứng đầu là Ajay Rajadhyaksha cho rằng, cơn chấn động trong vài tuần qua tại TTCK Trung Quốc đã thu hút quá nhiều sự chú ý, khiến người ta khó nhận ra rằng, bất động sản Trung Quốc mới là lĩnh vực cần được quan tâm thực sự.

Một điều dễ nhận thấy là trong những năm qua, tổng vốn đầu tư tại Trung Quốc có sự tăng trưởng nhanh chóng, phục vụ cho nhu cầu phát triển của quốc gia này. Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP của Trung Quốc tăng từ 30% năm 2000, lên ở mức 48% trong năm ngoái, tỷ lệ này đầu tư/GDP lớn hơn nhiều so với các nền kinh tế mới nổi khác như Ấn Độ và Brazil, cũng như các quốc gia phát triển như Mỹ. Tuy nhiên, điều mà ít người nhận thấy là đầu tư vào bất động sản chiếm phần lớn trong sự tăng trưởng này. Trong giai đoạn đó, đóng góp của bất động sản vào GDP đã tăng từ 4% lên khoảng 15%.

Nhóm các chuyên gia kinh tế tại Barclays dự báo, lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc sẽ chậm lại trong các năm sắp tới. Điều khiến họ lo lắng là mối liên hệ giữa bất động sản và các thành phần khác của nền kinh tế, bao gồm cả doanh số bán ô tô, hay sản lượng tiêu thụ thép, bởi bất động sản chiếm tới 50% tổng lượng thép được dùng, theo Barclays.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, gần một nửa các khoản nợ tại Trung Quốc có liên quan tới bất động sản.

Các khoản nợ của nền kinh tế bao gồm nợ lĩnh vực tài chính; nợ gia đình gồm thế chấp mua nhà, liên quan tới bất động sản; nợ chính phủ)

“Có dấu hiệu dễ nhận thấy về sự tiếp tục chậm lại trong nhiều năm tới của bất động sản Trung Quốc, tuy không phải là sụp đổ ngay lập tức. Nền kinh tế Trung Quốc tuy có có khó khăn, nhưng vẫn giữ được sự tăng trưởng ổn định trong vài năm tới. Và nếu đánh giá của chúng tôi là đúng, sự trượt dốc có thể sẽ không còn xa như nhiều nhà đầu tư vẫn tưởng”, các chuyên gia của Barclays nhận định trong báo cáo.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trịnh Hằng (Theo báo chí nước ngoài)
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục