Tầm nhìn chiến lược cho Trung tâm tài chính TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
Với vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam, TP.HCM đang hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Để hiện thực hóa mục tiêu này, đòi hỏi tầm nhìn chiến lược rõ ràng, sự kiên định trong thực thi và một kế hoạch hành động thiết thực.
TP.HCM sở hữu nền tảng vững chắc để trở thành trung tâm tài chính xanh hàng đầu khu vực. Ảnh: Lê Toàn TP.HCM sở hữu nền tảng vững chắc để trở thành trung tâm tài chính xanh hàng đầu khu vực. Ảnh: Lê Toàn

Hàn Quốc có câu tục ngữ: “Nếu bạn cố vẽ một con hổ mà thất bại, bạn vẫn có thể có được một con mèo. Nhưng nếu bạn chỉ định vẽ một con mèo mà thất bại, bạn sẽ chỉ có được con chuột”. Câu này phản ánh một cách xác đáng hành trình kéo dài 2 thập kỷ của Hàn Quốc trong nỗ lực đưa Seoul trở thành trung tâm tài chính lớn ở Đông Bắc Á.

Dù Seoul chưa đạt tới tầm vóc trung tâm tài chính toàn cầu, nhưng thành phố này đã phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái tài chính nội địa, thị trường vốn và ngành công nghệ tài chính (fintech), từ đó nâng cao đáng kể sức chống chịu kinh tế của quốc gia.

TP.HCM cũng đang được định hướng trở thành trung tâm tài chính quan trọng tiếp theo của khu vực Đông Nam Á. Bằng cách nghiên cứu kỹ lưỡng những kinh nghiệm của Seoul và các trung tâm tài chính nhỏ nhưng thành công như Dublin hay Luxembourg, TP.HCM có thể hoạch định chiến lược khôn ngoan để đạt được sự phát triển bền vững. Đặc biệt, nếu tập trung vào lĩnh vực tài chính xanh, TP.HCM có thể kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, từ đó gia tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư toàn cầu.

Ông Michael J. Chin
Ông Michael J. Chin

Những bài học từ Seoul

Hành trình của Seoul mang lại nhiều bài học giá trị cho TP.HCM.

Thứ nhất, chuyên môn hóa chiến lược là điều tối quan trọng. Ban đầu, Hàn Quốc cố gắng cạnh tranh toàn diện trên nhiều lĩnh vực dịch vụ tài chính, nhưng cách tiếp cận dàn trải này khiến nguồn lực bị phân tán.

TP.HCM nên xác định rõ các lợi thế cạnh tranh cụ thể như tài chính số; gia công công nghệ thông tin; vận hành các bộ phận hành chính, văn phòng hỗ trợ và đặc biệt là tài chính xanh. Việc tập trung vào các mảng chuyên sâu sẽ giúp phân bổ nguồn lực hiệu quả và tăng cường năng lực chuyên môn.

Thứ hai, duy trì hệ thống quản lý tập trung là điều thiết yếu để xây dựng một hệ sinh thái tài chính tích hợp. Seoul từng thực hiện di dời các định chế tài chính chủ chốt như Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc, Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc và Quỹ Hưu trí quốc gia ra các địa phương. Những quyết định mang tính chính trị này đã làm suy giảm tính kết nối và sức mạnh tổng thể của lĩnh vực tài chính. TP.HCM nên rút kinh nghiệm từ điều này, bảo đảm rằng, các định chế then chốt được xây dựng tập trung và các quyết định đưa ra phải ưu tiên dựa vào hiệu quả kinh tế.

Thứ ba, một môi trường pháp lý linh hoạt là chìa khóa thu hút các doanh nghiệp quốc tế. Các quy định lao động và luật tài chính nghiêm ngặt của Seoul từng là rào cản đối với các công ty nước ngoài. TP.HCM có thể tạo điều kiện thuận lợi bằng cách đơn giản hóa thủ tục cấp phép, nới lỏng quy định ngoại hối và triển khai các cơ chế sandbox (khung thể chế thí điểm) dành riêng cho đổi mới fintech, giúp các doanh nghiệp dễ dàng thâm nhập thị trường.

Cơ hội từ những thách thức của các trung tâm truyền thống

Từ lâu, Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore đã thống trị vị trí trung tâm tài chính của châu Á, nhưng hiện tại, cả hai đang đối mặt với những thách thức riêng và đây chính là cơ hội cho TP.HCM.

Hồng Kông từng là điểm đến ổn định và hấp dẫn, nay phải đối mặt với rủi ro địa chính trị gia tăng. Những bất ổn này khiến nhiều tổ chức tài chính và tập đoàn đa quốc gia tìm kiếm địa điểm thay thế có sự ổn định chính trị và môi trường vận hành dễ dự đoán hơn.

Singapore, dù duy trì sự ổn định chính trị và nền kinh tế vững mạnh, lại đối mặt với chi phí vận hành leo thang. Giá bất động sản cao, chi phí văn phòng đắt đỏ và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng đang trở thành rào cản, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc các công ty có chi phí khiêm tốn. Môi trường này khiến Singapore ngày càng trở nên khó tiếp cận đối với một số phân khúc thị trường nhất định.

Trong bối cảnh đó, TP.HCM có thể định vị mình như một lựa chọn ổn định và tiết kiệm chi phí tại Đông Nam Á. Với chi phí vận hành cạnh tranh, giá bất động sản hợp lý, môi trường pháp lý thuận lợi và hạ tầng ngày càng hoàn thiện, TP.HCM có thể hấp dẫn những doanh nghiệp đang chịu áp lực chi phí từ Singapore hay lo ngại bất ổn chính trị tại Hồng Kông.

Chiến lược từ các trung tâm nhỏ, nhưng thành công

Nếu tập trung vào lĩnh vực tài chính xanh, TP.HCM có thể kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, từ đó gia tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư toàn cầu.

TP.HCM cũng có thể học hỏi từ Dublin (Ireland) và Luxembourg - những trung tâm tài chính quy mô nhỏ, nhưng có vị thế quốc tế vững vàng - thông qua chiến lược chuyên biệt và bổ trợ cho các trung tâm lớn.

Dublin đã vươn lên trở thành trung tâm fintech và quản lý quỹ tại châu Âu nhờ chính sách thuế doanh nghiệp cạnh tranh, lực lượng lao động thành thạo tiếng Anh và môi trường pháp lý linh hoạt. Nhờ định vị thông minh, Dublin đã trở trung tâm tài chính bổ sung hiệu quả cho London (Anh) và Frankfurt (Đức).

Trong khi đó, Luxembourg đã xây dựng vị thế toàn cầu về tài chính bền vững và quản lý quỹ đầu tư xuyên biên giới nhờ chính sách pháp lý hỗ trợ và chuyên môn hóa sâu sắc.

TP.HCM có thể áp dụng cách tiếp cận tương tự bằng cách tập trung phát triển các lĩnh vực như gia công công nghệ thông tin giá hợp lý, phát triển dịch vụ số hóa, hỗ trợ hành chính và vận hành văn phòng - nhắm tới thu hút những công ty kinh doanh hiệu quả và có độ tin cậy cao.

Tài chính xanh - lợi thế khác biệt của TP.HCM

Tài chính xanh là cơ hội chiến lược giúp TP.HCM tạo dấu ấn riêng trong bối cảnh khu vực và toàn cầu. Với tốc độ phát triển nhanh của hạ tầng năng lượng tái tạo tại Việt Nam (bao gồm điện mặt trời, điện gió, thủy điện và xe điện), tất cả đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, TP.HCM đang sở hữu nền tảng vững chắc để trở thành trung tâm tài chính xanh hàng đầu khu vực.

TP.HCM có thể triển khai các sáng kiến như phát hành trái phiếu xanh để tài trợ cho dự án năng lượng tái tạo, giao thông bền vững và nhà ở thân thiện với môi trường. Đồng thời, TP.HCM có thể trở thành đầu mối cho thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ khu vực tư nhân về đầu tư bền vững và bù đắp carbon.

Hợp tác quốc tế, đặc biệt với Hàn Quốc, trong các dự án liên quan đến Cơ chế Trao đổi tín dụng để giảm phát thải (ITMO) sẽ là động lực thúc đẩy triển khai năng lượng tái tạo và cắt giảm phát thải hiệu quả.

Thành phố cũng có thể quy hoạch các khu công nghiệp sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo, kết hợp ưu đãi đầu tư và thủ tục pháp lý đơn giản để thu hút những công ty đặt các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) làm ưu tiên hàng đầu.

Tầm nhìn lớn cho tương lai kinh tế Việt Nam

Khát vọng trở thành trung tâm tài chính không chỉ là cuộc đua về danh tiếng quốc tế, mà còn là động lực thúc đẩy hiện đại hóa kinh tế, tạo việc làm chất lượng cao và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.

Hiện thực hóa khát vọng này đòi hỏi một tầm nhìn chiến lược rõ ràng, sự kiên định trong thực thi và một kế hoạch hành động thiết thực. Đề ra mục tiêu ở mức cao để “vẽ con hổ”, dù trước mắt chỉ thành “con mèo”, vẫn sẽ giúp TP.HCM tiến xa trên hành trình kiến tạo tương lai kinh tế vững mạnh, hội nhập và bền vững cho nhiều thế hệ người Việt.

Michael J. Chin (Thành viên Hội đồng Quản trị độc lập, Tập đoàn Vingroup)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục