Tâm lý tháng 5 đè nặng thị trường

(ĐTCK) Quý II đã đi qua một nửa chặng đường và tâm lý “bán tháng 5 và đi chơi” vẫn đang đè nặng lên TTCK Việt Nam.
Tâm lý tháng 5 đè nặng thị trường

Dù không có những căn cứ xác đáng nhưng các sự kiện có tính chu kỳ này vẫn tồn tại. Chỉ số VN-Index đã giảm tuần thứ hai liên tiếp, đóng cửa ở mức 537 điểm hôm thứ Sáu và đang đứng gần đáy của tháng trước.

Khối lượng giao dịch trung bình nửa đầu tháng ở mức 87 triệu cổ phiếu/phiên, xấp xỉ con số trung bình của tháng 4. Tương tự, HNX-Index cũng giảm 5,4% so với cuối tháng 4 xuống còn 78,21 điểm. Khối lượng giao dịch trung bình đạt 40,5 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 3% so với tháng 4.

Bên cạnh lực cầu bắt đáy mạnh với cổ phiếu OGC thì thông tin mua vào cổ phiếu CTCP Hoàng Anh Gia Lai và cá nhân Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức với tổng cộng 15 triệu cổ phiếu khiến OGC và HAG trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của thị trường trong tuần qua. Khối lượng giao dịch của OGC trong phiên đầu tuần trước lên tới 23 triệu cổ phiếu, cao nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây, với mức giá trung bình khoảng 2.850 đồng/CP.

Tuy nhiên, với việc Ngân hàng Nhà nước quyết định quốc hữu hóa Ngân hàng TMCP Đại Dương, công ty liên kết của OGC, mất mát của tập đoàn này không chỉ dừng ở con số 971 tỷ đồng giá trị khoản đầu tư (theo số liệu báo cáo tài chính năm 2014 chưa kiểm toán). Khả năng OGC bị hủy niêm yết bắt buộc là khá cao. Do đó, rủi ro cho nhà đầu tư mua vào OGC, ngay cả để đầu cơ ngắn hạn là rất lớn. 

Với cổ phiếu HAG, động thái công bố kế hoạch mua 10 triệu cổ phiếu quỹ và Chủ tịch HĐQT ông Đoàn Nguyên Đức cũng đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu nhiều khả năng nhằm ngăn chặn đà giảm của cổ phiếu HAG (giảm 15% trong vòng 1 tháng trở lại đây), bởi thị giá HAG sẽ ảnh hưởng đến giá trị tài cổ phiếu HAG sở hữu bởi ông Đoàn Nguyên Đức, vốn đang được đảm bảo cho các khoản vay/trái phiếu.

Theo báo cáo tài chính 2014, số lượng cổ phiếu được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay lên đến gần 172 triệu đơn vị, tương đương 50% số lượng cổ phiếu HAG của ông Đức và 22% tổng số cổ phần của Công ty.

Áp lực bổ sung tài sản đảm bảo do cổ phiếu giảm giá sẽ làm trầm trọng hơn tình hình tài chính của HAG trong bối cảnh Công ty đang có nhu cầu vốn lớn và áp lực thanh toán nợ vay/trái phiếu đến hạn (gần 4.000 tỷ đồng) trong 2015. Với rủi ro tài chính khá cao và triển vọng kinh doanh năm 2015 vẫn khó khăn, chúng tôi đã điều chỉnh khuyến nghị HAG về Nắm giữ từ 4/5/2015.

Nhận định thị trường

Với 4 phiên giảm điểm trong khi chỉ có 1 phiên tăng điểm trong tuần qua, chỉ số VN-Index đã một lần nữa đi về vùng hỗ trợ 537-539 điểm. Tuy nhiên, phiên giao dịch cuối tuần cho tín hiệu khá tiêu cực khi giảm điểm mạnh đi kèm với khối lượng tăng lên và cho thấy lực bán vẫn tiếp tục gia tăng mặc dù thị trường đang đi vào vùng hỗ trợ. Khối ngoại quay trở lại bán ròng trong tuần qua sau một giai đoạn mua ròng khá dài và mạnh trước đó.

Chỉ số
% tăng giảm trong tuần
 VNSmallcap  -2,00
 VNMidcap  -2,28
 VN-Index  -3,08
 VN30  -3,61

Có vẻ như từ động thái mua ròng khá mạnh của khối ngoại từ ngày 4/9-11/5/2015 không “đẩy’ thị trường đi lên đã khiến cho những nhà đầu tư dài hạn mất dần kiên nhẫn và bán ra. Với tín hiệu hiện tại, nhóm VN30 vẫn đang giảm điểm mạnh nhất trong tuần qua, cho thấy nhóm nhà đầu tư dài hạn vẫn đang bán ra mà vẫn chưa mua vào, nên thị trường có nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm điểm trong thời gian tới.

Với những tín hiệu tiêu cực như trên thì VN-Index có khả năng sẽ phá vỡ vùng hỗ trợ 537-539 điểm để đi vào vùng hỗ trợ 518 - 508 điểm trong thời gian tới, mặc dù vẫn có khả năng hồi phục nhẹ vào đầu tuần này.

CTCK ACBS

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục