Sáng ngày 13/3, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm vụ án buôn lậu gần 200 triệu lít xăng dầu từ Singapore về Việt Nam.
Trong phần thủ tục phiên tòa, luật sư bào chữa cho 1 bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) triệu tập bị cáo này tham gia phiên tòa do bị cáo có đơn kháng cáo. Ngoài ra, còn có một số luật sư, bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vắng mặt.
Đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo.
Sau khi vào hội ý, HĐXX ra thông báo quyết định hoãn phiên tòa. Lý do, bị cáo Phạm Thị Cúc (đang tại ngoại) kháng cáo, nhưng vắng mặt và bị cáo này cũng bị Viện kiểm sát kháng nghị. Phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 5/4.
Được biết, đây là vụ án từng gây xôn xao dư luận cả nước thời gian qua và được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi.
Phiên tòa được mở ra theo kháng cáo của 29/74 bị cáo. Các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Có 14 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đề nghị xem xét lại về phần dân sự trong vụ án.
Trước đó, VKSND cấp cao tại TP.HCM (Viện cấp cao 3) đã có quyết định kháng nghị, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo hướng không cho hưởng án treo, tăng nặng hình phạt, cũng như áp dụng hình phạt tù giam thay cho hình phạt chính là hình phạt tiền đối với 28/74 bị cáo trong vụ án này.
Trong vụ án này, bị cáo Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh), Đào Ngọc Viễn (Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng), Nguyễn Hữu Tứ (Chủ DNTN Sơn Huỳnh) đã tổ chức vận chuyển 48 chuyến tàu với tổng cộng gần 198 triệu lít xăng lậu trị giá gần 2.800 tỷ đồng từ Singapore về Việt Nam để tiêu thụ, thu lợi hàng trăm tỷ đồng.
Ngoài ra bị cáo Ngô Văn Thụy (cán bộ chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan) còn bị cáo buộc đã nhận hối lộ của Nguyễn Hữu Tứ, Trần Ngọc Thanh và Phan Thanh Hữu số tiền hơn 830 triệu đồng để bỏ qua hành vi phạm tội của các đối tượng…
Để thực hiện hành vi buôn lậu xăng từ Singapore về Việt Nam, bị cáo Phan Thanh Hữu cùng các đồng phạm đã bàn bạc, lên kế hoạch chặt chẽ, có sự phân công, phối hợp nhiều khâu, nhiều đối tượng tham gia, với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp để tổ chức hệ thống mạng lưới vận chuyển, tiêu thụ và thanh toán tiền mua bán xăng nhập lậu với quy mô đặc biệt lớn.
Theo kháng nghị, 28 bị cáo đều phạm tội đặc biệt nghiêm trọng (khoản 4, điều 188 Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt từ 12 - 20 năm tù), có tình tiết tăng nặng. Tuy nhiên, TAND tỉnh Đồng Nai xét xử sơ thẩm lại phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chỉ phạt tiền.
Do đó, Viện KSND cấp cao cho rằng, mức án này không tương xứng với vai trò, tính chất, mức độ phạm tội của các bị cáo và không phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo bản án sơ thẩm, từ tháng 3.2020 đến tháng 2.2021, nhóm Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) và Đào Ngọc Viễn (Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) đã góp vốn 54 tỷ đồng để buôn lậu xăng từ Singapore về Việt Nam. Nhóm này thuê tàu vận chuyển 48 chuyến xăng lậu, tổng cộng hơn 198 triệu lít, trị giá gần 2.600 tỷ đồng. Trong đó, các bị cáo đã tiêu thụ gần 200 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỉ đồng, riêng Hữu hưởng hơn 150 tỷ đồng.
Ngoài ra, cuối năm 2020, Đào Ngọc Viễn cùng với 2 người nữa góp 19,3 tỷ đồng mua 2 tàu biển để chở xăng lậu. Sau khi tàu của Viễn chở về vùng biển Khánh Hòa, xăng sẽ được chở đi tiêu thụ tại Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung bộ. Từ tháng 2 đến tháng 4/2021, nhóm Viễn cùng với 2 người này đã buôn lậu 3 chuyến, tương đương 5,7 triệu lít, trị giá gần 98 tỷ đồng.
Hồi tháng 12/2022, TAND tỉnh Đồng Nai xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Phan Thanh Hữu 16 năm tù; Đào Ngọc Viễn 17 năm tù cùng về tội “buôn lậu”. Các bị cáo còn lại bị phạt tiền, phạt bằng thời gian tạm giam, phạt từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 15 năm tù.
Riêng bị cáo Ngô Văn Thụy, nguyên Đội trưởng đội kiểm soát chống buôn lậu Khu vực miền Nam (thuộc Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan) bị phạt 15 năm tù về tội “nhận hối lộ”.